Hơn 30 năm thực hiện chính sách dân tộc

Từ năm 1980 đến nay, trong những chính sách cụ thể, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là chính sách xóa đói giảm nghèo. Đó là nguyên nhân quan trọng để vấn đề dân tộc về cơ bản vẫn ổn định.

Đói nghèo và cuộc chiến chống đói nghèo

Hàng thập kỷ qua, không thuật ngữ nào được sử dụng nhiều bằng “xóa đói giảm nghèo” hay “đói nghèo” khi đề cập đến các dân tộc thiểu số (DTTS). Đói nghèo và cuộc chiến chống đói nghèo với các tộc người thiểu số là vấn đề nóng bỏng, nên được phản ánh sâu sắc trong chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đất đai là nguồn vốn quan trọng trong sinh kế của nông dân các dân tộc. Ảnh: Viết Tôn


Chính sách xóa đói giảm nghèo với các DTTS ở nước ta đã đạt được thành tựu to lớn. Tuy vậy, việc thực hiện xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS cũng còn có nhiều thách thức, bởi người dân nơi đây rất khó thoát nghèo. Sự tiến bộ về giảm nghèo vẫn hạn chế đối với đồng bào DTTS, tỉ lệ tái đói nghèo còn cao. Năm 2004, tỉ lệ tái đói nghèo trong các DTTS là 61%, gấp 4,5 lần tỉ lệ nghèo của các dân tộc Kinh. Năm 2014, sau 2 thập kỷ “tấn công nghèo đói nước ta đã có 35 triệu người thoát nghèo. Tuy tỷ lệ nghèo đói của các DTTS đã giảm mạnh so với khoảng đầu những năm 90, song lại có chiều hướng gia tăng khi so với các dân tộc đa số. Trong khi chỉ chiếm khoảng 15% dân số, nhưng các DTTS lại có đến 53% số hộ nghèo đói.

Các DTTS vẫn bị tụt hậu là do trình độ dân trí thấp, hủ tục lạc hậu, thói quen ỷ lại. Các cơ quan chức năng triển khai chính sách được xác định là chưa đồng bộ, hợp lý, chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong đầu tư, việc triển khai chưa phù hợp với đặc điểm của địa phương, ít có chính sách và chương trình giải quyết có hiệu quả việc thu nhập thấp của các DTTS hoặc do người dân có ít đất đai màu mỡ.

Nhiều đột phá trong chính sách đất đai

Đất đai là nguồn vốn quan trọng trong sinh kế của nông dân các dân tộc, bởi vậy đã có nhiều chính sách đất đai được ban hành với nhiều đột phá. Đặc biệt, với 5 quyền của chủ sử dụng đất đã tác động tích cực, góp phần nâng cao năng suất trong nông nghiệp của nhiều vùng DTTS, làm xuất hiện đội ngũ chủ trang trại vừa và nhỏ; thay đổi nếp sống từ du canh sang định canh, từ khai thác sang trồng và bảo vệ rừng, tăng cường cư trú xen cài giữa các dân tộc, thúc đẩy phát triển thương mại và kỹ thuật, góp phần nâng cao công bằng giới.

Bên cạnh đó cũng có nhiều mặt tiêu cực về tranh chấp đất đai. Tranh chấp này diễn ra phổ biến ở vùng Đông Bắc, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên do thay đổi chế độ sở hữu và sử dụng đất, quá trình triển khai chính sách đất đai mới. Tình trạng thiếu đất canh tác của nhiều hộ hay địa phương DTTS còn bởi việc bao chiếm đất đai của nông lâm trường, mua bán đất đai của người Kinh, mở rộng cây công nghiệp. Để giải quyết, Nhà nước đã thực hiện Chương trình 135 song vẫn không đáp ứng được nhu cầu về đất của nông dân vì nhiều địa phương không còn quỹ đất.

Chính sách đất đai còn tạo nên tình trạng phân hóa đất đai. Hộ nhiều đất không những có tổng diện tích lớn, mà còn có nhiều loại đất, đặc biệt là đất tốt và rừng. Luật Đất đai và các chính sách đất đai sau năm 1986 chỉ có tác dụng rõ rệt trong xóa đói giảm nghèo ở cư dân vùng thung lũng, còn với cư dân vùng cao, vùng sâu lại chưa có tác dụng đáng kể.

Sáng tạo trong giáo dục - đào tạo

Nước ta đã có chính sách xây dựng hệ thống giáo dục chuyên biệt cho DTTS như các trường dân tộc nội trú. Ngoài ra việc thành lập các “lớp ghép”, “lớp nhô” cho một số nơi ở vùng DTTS ở thời điểm khó khăn là một trong những sáng tạo, để giải quyết điều kiện đặc thù. Trong chương trình giảng dạy, học sinh ở vùng miền núi thường bị quá tải. Đến nay, cương trình học của học sinh DTTS tuy có giảm tải, song nhìn chung vẫn còn rất nặng với nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Vấn đề dạy tiếng DTTS cũng được thảo luận, song hầu như chưa có sự thống nhất về nhân rộng mô hình và trên thực tế, công việc này được coi như là ít thành công. Cơ sở vật chất của giáo dục và đào tạo đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn nghèo nàn, thiếu thốn so với yêu cầu, nhất là ở vùng cao hay vùng sâu. Đó là thiếu phòng học cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên, trường lớp chưa đảm bảo về tiêu chuẩn, thiếu dụng cụ học tập. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên DTTS, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn. Giáo viên không đạt chuẩn cũng hầu hết là người DTTS.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều chính sách về y tế, cán bộ, chính sách vùng… được thực hiện. Từ đầu thập kỷ 90 đến nay, việc phát triển vùng ở nước ta nhất là vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống được quan tâm sâu sắc. Ba Ban Chỉ đạo được thành lập ở 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Theo đó, có nhiều chính sách, chương trình, dự án riêng cho các vùng này được triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, và đảm bảo an ninh, quốc phòng trong vùng mà đối tượng chính được thụ hưởng là các DTTS.

Nhiều chuyên gia quan tâm về vùng dân tộc và miền núi cho rằng dẫu chính sách cho các dân tộc đặc thù hay dân số ít người, đặc biệt khó khăn, trọng tâm vẫn là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, chú trọng giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người. Tuy vậy, hệ thống chính sách dân tộc chưa chú trọng đúng mức đến các dân tộc vùng biên giới và chưa phù hợp với tính đặc thù, đa dạng của các tộc người. Việc xây dựng chính còn theo lối mòn, ít tham vấn các cơ quan khoa học và chưa có cơ chế tốt cho phản biện chính sách. Một số chính sách bị chồng chéo, dàn trải hoặc ít hiệu quả - nhất là chính sách cán bộ. Việc triển khai chính sách còn chậm và năng lực cán bộ triển khai còn yếu, đặc biệt là cơ chế kiểm tra, kiểm sát và đánh giá chính sách chưa tốt.

Trong chính sách cụ thể, vẫn chưa có chính sách khuyến khích việc giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Đến nay, việc giúp đỡ các dân tộc chủ yếu vẫn do Nhà nước, hoặc từ các tổ chức quốc tế hay tổ chức phi chính phủ. Việc tổng kết chính sách với vùng dân tộc, các dân tộc đặc thù và DTTS, đặc biệt khó khăn đã được thực hiện, song còn ít, nếu có thường chỉ dưới góc độ văn hóa, dưới dạng các báo cáo trong ngành, mà chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu.
Minh Nguyệt
Tổ chức triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo
Tổ chức triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo

Trên thực tế triển khai nhiều năm qua, các chính sách chung để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho người dân nói chung, vùng đồng bào dân tộc nói riêng đã đạt được kết quả khá tốt, nhiều kết quả được quốc tế đánh giá cao, giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN