Tăng cường sức "đề kháng" cho nông dân khi thu hồi đất

Những kết quả dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” do Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH) công bố sáng 26/8, tại Hà Nội, cho thấy nguyên nhân khiến người lao động di cư là do thu nhập thấp hoặc không có việc làm.


Chịu nhiều thiệt thòi


Dự án đã tiến hành điều tra tại 15 tỉnh, thành phố, trong hơn 1 năm, tập trung chủ yếu vào đối tượng là nông dân sau khi bị thu hồi đất. Theo ông Đặng Đình Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư vấn phát triển: "Mục tiêu của dự án là góp phần cải thiện đời sống của người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam; lao động ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thông qua việc ban hành các chính sách, cơ chế quản lý hỗ trợ nhóm đối tượng lao động nêu trên. Ngoài ra, nhằm góp phần vào quá trình xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và đề xuất các giải pháp về quản lý, hỗ trợ lao động di cư".

Nghề may đã giúp nhiều hộ gia đình ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập.


Cũng theo ông Đặng Đình Long, kết quả dự án cho thấy, nguyên nhân khiến người lao động di cư là do việc làm ở địa phương thu nhập thấp (chiếm trên 45%) và không có việc làm (chiếm trên 38%). Đặc biệt, trên 66% lao động di cư không có chuyên môn kỹ thuật. "Tuy nhiên, có tới gần 60% đối tượng di cư đầu tiên có việc làm ngay, nhưng chủ yếu là lao động giản đơn. Có lẽ do công việc giản đơn nên hơn 44% lao động di cư cho rằng không cần học thêm kỹ năng, nghiệp vụ nào để làm quen với công việc hiện tại", ông Long phân tích.


Kết quả đợt khảo sát này cũng cho thấy, lao động nữ di cư nhiều hơn nam và số giờ làm việc cũng nhiều hơn nam. "Điều này cho thấy phụ nữ có nhu cầu đăng ký làm thêm giờ để chăm lo cuộc sống gia đình nhiều hơn. Vấn đề dịch vụ công cho con em những người di cư gặp khó khăn do tình trạng tập trung đông và không có đăng ký hộ khẩu", ông Long cho biết.


Cũng theo khảo sát này, thì đời sống của những người lao động di cư còn nhiều bất cập, họ phải chịu nhiều thiệt thòi như việc phải trả giá điện, nước sinh hoạt theo giá của chủ nhà (từ 85 - 88%), với mức cao hơn gấp 2-3 lần so với giá quy định; trong khi thu nhập của họ thì rất thấp. Ngoài ra, có rất nhiều chế độ, chính sách mà người lao động di cư không được hưởng.


Theo ông Long: Dù tập trung vào lao động giản đơn, nhưng lao động di cư đã đóng góp lớn cho yêu cầu phát triển của các thành phố, KCN. Do đó, cần có nhiều chính sách hỗ trợ bổ sung những “khoảng trống” về chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.


Hỗ trợ di cư có tổ chức


Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết: Những kết quả khảo sát của dự án là căn cứ quan trọng để Cục Việc làm bổ sung vào dự thảo quy định về quản lý và hỗ trợ lao động di cư trong Luật Việc làm. Đồng thời, những dữ liệu của dự án cũng đã góp phần để xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các KCN; quyết định về chính sách hỗ trợ việc làm- dạy nghề cho người lao động ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.


Bên cạnh đó, để nâng cao "khả năng cạnh tranh" cho những lao động di cư, các cơ quan chức năng cho rằng, nên có sự vào cuộc sớm của ngành lao động địa phương. “Chúng tôi khuyến nghị ngành lao động địa phương phải được tham gia ngay từ đầu khi có quyết định thu hồi đất của các dự án. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngành lao động thường phải đi “chữa cháy” cho vấn đề đào tạo nghề. Đồng thời kiến nghị về độ tuổi đào tạo nghề cần được mở rộng hơn cho cả đối tượng hết tuổi lao động vì thực tế người dân nông thôn về già không có lương hưu và họ vẫn cần việc làm”, ông Đặng Đình Long,Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư vấn phát triển, cho biết.


Về phía mình, ông Lê Quang Trung cũng cho rằng: Thực tế hiện nay, các địa phương chỉ quan tâm vào hạng mục “đền bù” và phần “hỗ trợ” cho người dân mất đất triển khai muộn. Trong khi đó, khi thu hồi đất, người dân có nhu cầu lớn về chuyển đổi ngành nghề, từ việc khảo sát nhu cầu đến việc đào tạo mất 3-6 tháng. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải phát huy vai trò của các trung tâm giới thiệu việc làm để cung cấp thông tin và tư vấn giảm tình trạng “cò mồi” việc làm.


“Việc di cư từ nông thôn ra thành thị là yêu cầu tất yếu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do đó, đang cần chính sách phù hợp cũng như cơ chế quản lý nhà nước đối với nhóm di cư trong thời gian tới, gắn tạo việc làm với phát triển kinh tế xã hội”, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, chia sẻ.

 

Đại diện Sở LĐ,TB&XH Thành Phố Hồ Chí Minh: “Các Trung tâm giới thiệu việc làm của “đầu đi” phải nắm rõ nhu cầu của lao động địa phương. Thực tế, có lần, khi doanh nghiệp TP HCM có nhu cầu cần tuyển lao động nhưng khi yêu cầu cụ thể thì các địa phương “đầu đi” đều nắm khá mơ hồ. Liên quan đến hạng mục “hỗ trợ”, là địa phương cần lao động chúng tôi cũng rất muốn hỗ trợ từ “nguồn” đối với lao động tới KCN như vấn đề xe cộ, thông tin, tư vấn và cả đào tạo. Do đó, địa phương phải nắm cụ thể nhu cầu lao động di cư từng vùng, chứ hỗ trợ “lẻ tẻ” sẽ rất khó. Do đó, các địa phương có giải pháp hỗ trợ với nhóm di cư có tổ chức, nhất là tới KCN, khu chế xuất để hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi của người di cư”.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, giám đốc sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Dương: “Bộ LĐ, TB&XH cần kiến nghị chính sách đi kèm với nguồn lực giải quyết vấn đề lao động di cư. Đơn cử như vấn đề giáo dục, ngân sách cấp chủ yếu căn cứ trên số người trên hộ khẩu. Tuy nhiên, năm học này, Bình Dương tăng thêm 24.000 học sinh đến từ con em lao động di cư và điều này đồng nghĩa với việc phải đầu tư thêm phòng học với số tiền dự tính cần thêm 2.000 tỷ đồng. Đây là điều rất khó khăn với Bình Dương mà cần chính sách điều tiết từ vĩ mô”.


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN