Phát triển bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo: Bài 1 - Bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển

Vườn quốc gia Côn Đảo nơi có nhiều rùa biển nhất Việt Nam với hai loài phổ biến là đồi mồi và vích, 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa.

Côn Đảo cũng là nơi duy nhất Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (Dugong dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý. Những rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu 2 bài viết về công tác bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo để hiểu rõ hơn về công tác bảo tồn, gìn giữ sinh cảnh và phát triển môi trường sống của các sinh vật đặc hữu nơi đây.

Chú thích ảnh
Côn Đảo - Nơi bảo vệ nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Ảnh: PV

Bài 1: Bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển

Vườn quốc gia Côn Đảo nằm ở phía Đông Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách cửa sông Hậu 80 km, nằm trong khu vực quần đảo Côn Sơn với gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha đất ngập nước cùng các hệ sinh thái: Rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển... được bảo tồn khá nguyên vẹn. Rùa biển - loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, ngoài một số vùng biển các tỉnh như: Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận... còn thấy ít số lượng rùa biển thì Vườn quốc gia Côn Đảo lại là nơi có lượng rùa biển lớn về sinh đẻ hàng năm với khoảng 300-400 cá thể rùa mẹ.

Thiên nhiên ưu đãi đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo được các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao với kiểu rừng chính là: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với 4 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. 

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Trần Đình Huệ cho biết: Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ đủ các yếu tố đa dạng sinh học rừng, đa dạng sinh học biển, đồng thời còn có hệ sinh thái đất ngập nước (bao gồm đất ngập nước phèn và đất ngập nước mặn) cùng nhiều dạng hệ sinh thái đặc hữu khác. Có thể nói, Vườn quốc gia Côn Đảo sở hữu cả rừng “vàng” và biển “bạc”. Vì vậy, việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, sinh thái biển, sự đa dạng sinh học và các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên độc đáo; phòng hộ, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của Côn Đảo có vai trò quan trọng.
  
Thạc sỹ Lê Xuân Đà, Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước, Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết: Côn Đảo có 1.077 loài thực vật bậc cao có mạch và 160 loài động vật, trong đó, 44 loài thực vật được phát hiện đầu tiên ở Côn Đảo, có 11 loài thực vật mang tên Côn Sơn. Các đảo thuộc quần đảo Côn Đảo sở hữu nhiều loài thực vật quý hiếm như: Lát hoa, Găng néo, Quăng lông… Ngoài ra, Côn Đảo còn nổi tiếng với 4 loài động vật đặc hữu là: Sóc đen Côn Đảo, Thạch sùng Côn Đảo, Khỉ đuôi dài Côn Đảo, Rắn khiếm Côn Đảo…

Về đa dạng sinh học biển, Côn Đảo có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn với diện tích khoảng 30 ha, hệ sinh thái thảm cỏ biển với diện tích gần 1.000 ha và hệ sinh thái rạn san hô với diện tích gần 2.000 ha. Đến nay, ghi nhận 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 226 loài thực vật phù du, 143 loài động vật phù du, 360 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác; 187 thân mềm, 115 loài da gai, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển trong đó 72 loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm.

Trọng tâm bảo tồn rùa biển

Công tác bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo được thực hiện từ những năm 90 bằng việc thành lập 5 Trạm Kiểm lâm ở các đảo nhỏ có rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp, khai thác trái phép rùa biển tại các đảo nhỏ, đây là định hướng chiến lược có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên nói chung, bảo tồn tài nguyên biển, rùa biển tại Côn Đảo nói riêng.

Theo Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Trần Đình Huệ: Trước đây, các cán bộ và kiểm lâm viên thực hiện nghiên cứu, bảo tồn với phương châm “vừa tự nghiên cứu, vừa triển khai” không có chuyên môn, tư liệu về rùa biển cũng như không có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan khoa học trong và ngoài nước. Đến năm 1995, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã đề xuất và được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tài trợ thực hiện dự án “Bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại Côn Đảo”. Đến năm 2016, WWF tiếp tục tài trợ ngân sách cho 10 cán bộ tham gia khóa đào tạo và tham quan về bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển tại Philippines và Malaysia. Đây là những sáng kiến, dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn các hệ sinh thái biển, rùa biển tại Côn Đảo mà Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện. Từ đó, công tác bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển được nhiều tổ chức khoa học, bảo tồn trong nước và quốc tế hỗ trợ.  

Các hoạt động nghiên cứu bảo tồn rùa biển được thực hiện những năm qua tại Vườn quốc gia Côn Đảo như: Đeo thẻ cho rùa mẹ để ghi nhận các thông tin số lần đẻ trong mùa sinh sản, chu kỳ đẻ trứng, địa điểm di cư; cứu hộ trứng rùa biển; đeo máy theo dõi qua vệ tinh; nghiên cứu ảnh hưởng nhiệt độ trong tổ trứng đến giới tính của rùa con; triển khai chương trình nghiên cứu sự tác động của biến đổi bờ biển đến sự sinh sản của rùa biển và nghiên cứu cấu trúc ADN của quần thể rùa biển tại Côn Đảo.

Thạc sỹ Lê Xuân Đà chia sẻ: Qua quá trình bảo tồn đã xác định được vùng tìm kiếm ăn của quần thể Rùa xanh bằng phương pháp gắn thẻ Iconel và máy định vị vệ tinh tại các vùng biển xung quanh đảo Phú Quý, đảo Trường Sa (Việt Nam); vùng biển đảo Palawan (Philippines); vùng biển Sihanoukvillele (Campuchia); vùng biển phía Đông của bang Pahang (Malaysia) và vùng biển quanh đảo Natuna, phía Đông tỉnh Riau (Indonesia).

Tại Côn Đảo mùa làm tổ của Rùa xanh tập trung từ tháng 4 đến tháng 11 nhưng cao điểm là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, Rùa xanh di cư từ vùng kiếm ăn đến khu vực làm tổ, thời kỳ giao phối xảy ra trên đường di cư và trước các bãi đẻ, thời kỳ này thường xảy ra từ 1 - 2 tháng, sau khi giao phối 2 đến 4 tuần rùa đực di cư về khu vực kiếm ăn, rùa cái lên bãi làm tổ lần đầu, sau thời gian từ 11 – 13 ngày nghỉ tạo trứng tiếp tục lên bãi đẻ lần 2. Một rùa mẹ trong mùa sinh sản bình quân đẻ 3 lần/năm với khoảng 80 trứng/tổ. Tại Côn Đảo, trường hợp cá biệt một cá thể rùa mẹ đẻ 11 tổ/năm và đạt số trứng là 993 trứng; chu kỳ sinh sản giữa 2 mùa là 1 - 5 năm.

Theo thống kê, từ năm 1994 - 2018, Vườn quốc gia Côn Đảo đã đeo thẻ cho trên 3.367 rùa mẹ, ghi nhận khoảng 10.338 rùa mẹ lên bãi đẻ trứng; đã di dời cứu hộ thành công 25.345 tổ rùa với tổng số trứng là 2.281.072 trứng; ấp nở và thả về biển có kiểm soát 1.815.827 cá thể rùa con với tỷ lệ nở trung bình 80%.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo Trần Đình Huệ cũng cho biết, từ năm 2014, Vườn phối hợp với Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam tổ chức chương trình tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển. Đến năm 2018 đã có 180 tình nguyện viên tham gia, đóng góp 1.504 ngày công, cùng Kiểm lâm thực hiện công việc theo dõi, di dời an toàn 1.430 tổ trứng với 128.629 trứng; theo dõi số rùa con nở 756 tổ, thả về biển 62.217 cá thể rùa con.

Xã hội hoá trong công tác bảo vệ rùa biển

Bí thư Huyện ủy Côn Đảo Nguyễn Hoàng Tùng cho biết: Nhiều năm qua, bảo tồn rùa biển đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và được sự ủng hộ, chung tay góp sức của người dân cũng như chính quyền các cấp tại Côn Đảo. Bên cạnh đó, nhằm truyền tải sâu rộng thông điệp bảo vệ rùa biển, nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn rùa biển, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Côn Đảo được thực hiện như: Phim tài liệu, phóng sự, bảng tuyên truyền, pa-nô, áp phích về bảo vệ rùa biển và ký cam kết bảo vệ rùa biển tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện; phổ biến tài liệu giáo dục về bảo tồn rùa biển trong các cấp tiểu học, trung học cơ sở và khách du lịch, cộng đồng cư dân trên đảo. 

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016 – 2025 về khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn rùa biển thông qua sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort triển khai phương án phối hợp phục hồi và bảo tồn bãi đẻ Rùa biển tại Đất Dốc, huyện Côn Đảo giai đoạn 2018 – 2020. Qua 1 năm triển khai, bước đầu đã đạt được mục đích đề ra và đem lại thành công ngoài mong đợi. Đây có thể xem là mô hình đầu tiên về bảo tồn, quản lý rùa biển có sự tham gia của doanh nghiệp du lịch. Hiện nay, một số bãi biển là sinh cảnh đẻ trứng của rùa biển đã được được quy hoạch, xây dựng khu nghỉ dưỡng để phục vụ du lịch, việc nhân rộng mô hình này có thể phục hồi các bãi đẻ của rùa biển tại Việt Nam.

Qua 25 năm thực hiện công tác bảo tồn rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo đã thực hiện thành công và hiệu quả chương trình bảo tồn, cứu hộ rùa biển, nghiên cứu các đặc tính sinh học và mô hình, phương pháp bảo tồn rùa biển hiệu quả. Đồng thời, chia sẻ các mô hình và phương pháp cho các đơn vị bảo tồn rùa biển trên toàn quốc. Các kết quả nghiên cứu về bảo tồn Rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo tồn rùa biển không chỉ tại Côn Đảo mà còn có giá trị trong cả nước, đóng góp quan trọng trong chiến lược hành động đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực, đồng thời góp phần thực hiện thành công mục tiêu Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025. 

Ghi nhận những thành công và đóng góp trong công tác bảo tồn, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã hai lần xác lập kỷ lục cho Vườn quốc gia Côn Đảo vào năm 2009 các danh hiệu: “Nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam”; “Vườn quốc gia duy nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ các dạng sinh thái”.

Bài cuối - Ngăn chặn ô nhiễm và suy giảm tài nguyên thiên nhiên

Hoàng Nam (TTXVN)
Côn Đảo - Sinh cảnh làm tổ an toàn nhất của rùa Xanh tại Việt Nam
Côn Đảo - Sinh cảnh làm tổ an toàn nhất của rùa Xanh tại Việt Nam

Thông tin từ Vườn Quốc gia Côn Đảo, trong năm 2018, Vườn đã thả về môi trường tự nhiên 81.137 cá thể rùa Xanh (Chelonia mydas).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN