Chuyện về tượng đài Bác Hồ đặt trong nhà máy giữa lòng Thủ đô 

Trong khuôn viên Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, tượng đài Bác Hồ được đặt ở vị trí trang nghiêm nhất trong vườn hoa trung tâm nhà máy. Đây cũng là niềm tự hào của mỗi cán bộ nhân viên Rạng Đông trong suốt 60 năm qua, kể từ khi Bác Hồ về thăm nhà máy.

Chú thích ảnh
Bác Hồ thăm phân xưởng Bóng đèn Rạng Đông. Ảnh: Tư liệu Rạng Đông.

Bác về thăm Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông

Trong thời kỳ khôi phục kinh tế ở Miền Bắc mới được giải phóng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đích thân lựa chọn xây dựng 13 nhà máy đầu tiên, lo cho dân từ chiếc săm lốp xe đạp, bánh xà phòng giặt, bánh thuốc đánh răng, cái bát đĩa, vải, giấy và tới cả bao diêm Thống Nhất. Trong dịp đó, Nhà máy Bóng Đèn Phích nước Rạng đông được quyết định xây dựng. Nhà máy Bóng Đèn Phích nước Rạng đông là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam, ở Đông Dương.

Đầu năm 1963, nhà máy có quyết định thành lập bộ máy quản lý sản xuất và cắt băng khánh thành. Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, sáng ngày 28/4/1964, Bác Hồ kính yêu về thăm nhà máy. Bác đi thăm nơi ăn chốn ở, Bác đi thăm các xưởng. 

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông - người thuyền trưởng dẫn dắt công cuộc đổi mới của Rạng Đông nhớ như in từng lời Bác dặn khi về thăm nhà máy.

“Hồi ấy, Bác Hồ về thăm, do Bác biết ở nhà máy lúc đó đang có chuyện mất đoàn kết nội bộ, làm giảm sút nhiều mặt sản xuất. Bác hỏi đồng chí Bí thư Đảng uỷ: "Ở đây có mất đoàn kết không chú? Đồng chí trả lời: Thưa Bác, có ạ.  Bác thân tình nói: "Đoàn kết là một truyền thống quý báu của nhân dân ta, Đảng phải có trách nhiệm giữ vững khối đoàn kết đó. Tại sao ở đây lại có tình trạng mất đoàn kết?” Và Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Nhà máy ..." Bác còn dặn dò: Tổ chức chính quyền cần có kế hoạch, biện pháp tổ chức thật tốt bộ máy quản lý, đội ngũ những người làm khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý thức giai cấp, là lương tâm và trách nhiệm của mọi cán bộ, công nhân”, ông Nguyễn Đoàn Thăng nhớ lại.

Chú thích ảnh
Tượng đài Bác Hồ đặt trong khuôn viên Nhà máy Rạng Đông

Khi về thăm nhà máy, Bác còn rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đến phân xưởng nào, Bác cũng hỏi: “Chất lượng sản phẩm hôm nay đã tốt chưa? Mỗi ngày các cháu làm được bao nhiêu phích, bao nhiêu bóng đèn?”. Bác lại hỏi đồng chí Giám đốc nhà máy: “Chú làm giám đốc, trong bữa ăn tối của gia đình, bóng đèn bị hỏng, chú có bực không?”. “Dạ thưa Bác, có ạ”  - Đồng chí giám đốc trả lời. Bác nói tiếp: “Thế thì mọi người dùng bóng đèn kém chất lượng, họ cũng bực như chú đấy?”.

Ngoài việc quan tâm đến đoàn kết nội bộ nhà máy, công việc sản xuất, chất lượng sản phẩm, Bác còn đặc biệt quan tâm đến bữa ăn, tác phong, sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, công nhân viên cho đến công tác giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường, thực hành tiết kiệm của nhà máy.

Trước lúc ra về, Bác ân cần dặn dò: “ Các cô các chú cố gắng làm tốt Bác sẽ về thăm”.

Ngay tối 28/4/1964 năm đó, Ban chấp hành Đảng bộ Nhà máy đã ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện theo lời dạy của Bác. Sáng sớm ngày 29/4/1964 đài truyền thanh nhà máy đã truyền đi Nghị quyết phát động phong trào của Ban chấp hành Đảng bộ. 

Tưởng nhớ tới Bác Hồ, ngày 30/11/1993 - sau 29 năm Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và cán bộ công nhân viên Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đón và khánh thành tượng Bác Hồ tại vườn hoa trung tâm và quyết định chọn ngày 28/4 hàng năm là ngày truyền thống của công ty.

Cũng từ đó, ảnh Bác nói chuyện với cán bộ công nhân viên nhà máy, lời dạy của Bác ngày Người về thăm nhà máy, ý chí quyết chiến quyết thắng trong tư tưởng thi đua yêu nước và lấy dân làm gốc trong Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh và bàn thờ Bác Hồ được đặt tại văn phòng các tổ, các ngành, các ban, các phòng và ở vườn hoa trung tâm. 

“Tại vườn hoa trung tâm, Tượng đài Bác Hồ được đặt ở vị trí trang nghiêm nhất. Đến nay đã thành nề nếp, các Chi bộ tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới, các tập thể, các nhóm công tác mỗi khi hoàn thành các công trình, đề tài xuất sắc đều đến thắp hương tạ ơn Bác. Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân cũ đã hồi tưởng lại, có những lần gặp sự cố kỹ thuật khó khăn, chưa tìm được cách khắc phục, họ tìm đến Tượng đài Bác thắp hương và sau đó tìm được cách giải”, ông Nguyễn Đoàn Thăng xúc động cho biết.

Bền bỉ 60 năm làm theo lời Bác

Suốt trong 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Công ty Rạng Đông đã thi đua làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, vượt qua mọi thách thức, liên tục phát triển. Tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là “di sản tinh thần vô giá”, giúp Rạng Đông phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông báo công trước tượng đài Bác.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Rạng Đông đã xây dựng mô hình một trục - hai cánh. Một trục là nhân tố con người làm trung tâm, hai cánh là khoa học kỹ thuật và khoa học quản trị. Cánh khoa học quản trị giúp xây dựng chiến lược, định hướng cho khoa học kỹ thuật. Các vòng lặp chuyển đổi số ở Rạng Đông thành công là vận hành cân bằng, hiệu quả mô hình một trục - hai cánh này.

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông, nhờ kiên trì con đường phát triển bằng Khoa học - Công nghệ, Đổi mới – Sáng tạo và sự tử tế, Rạng Đông đã xây dựng được lý luận về chuyển đổi số phù hợp với ngữ cảnh, năng lực và hoàn cảnh thực tế của mình. 

Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, Rạng Đông vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tăng 15,6% năm 2020, 15,9% năm 2021, 21% năm 2022 và 20,4% năm 2023. Đặc biệt, trong quý 1/2024, Rạng Đông đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể lên đến 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

Rạng Đông hiện nay đã trở thành doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt trong ngành chiếu sáng, liên tục phát triển vượt bậc cùng sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.   

Chú thích ảnh
Các cán bộ nhân viên của nhà máy đến thăm tượng đài Bác Hồ

Năm 2024, Rạng Đông bước vào vòng lặp 3 (2024-2025) trong lộ trình 3 vòng lặp chuyển đổi số: đồng bộ hóa từng phần mở rộng và đồng bộ hóa toàn phần. Với chiến lược Chuyển đổi số tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, công ty hướng đến mặt bằng tăng trưởng mới, với mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 25% đến 30% mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, đây sẽ là một khởi đầu cho xu hướng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh; sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tri thức và phát triển bền vững của Rạng Đông.

Ban lãnh đạo Công ty Rạng Đông đặt mục tiêu, đến năm 2025, Rạng Đông sẽ trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp số, dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam; tiên phong trong lĩnh vực cung cấp Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ 4.0. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phát triển nhanh và bền vững với tốc độ tăng trưởng hàng năm 25%. Năm 2030, thương hiệu Rạng Đông đặt mục tiêu vươn tầm khu vực, doanh thu tầm tỷ đô. Thu nhập bình quân hệ số 1 đạt 2000 USD/người/tháng.

“Chúng tôi hiểu, thành công vừa qua mới chỉ là bước đầu, chưa bền vững trong khi tình hình đang và sẽ còn diễn biến vô cùng phức tạp, ngoài dự báo và rất khó lường. Để thích ứng với yêu cầu và tình hình mới, phải nhanh chóng nâng cao nhận thức, trình độ và năng lực nhân tố con người Rạng Đông, nâng văn hóa doanh nghiệp lên tầm cao mới”, Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng khẳng định.

Thu Trang/Báo Tin tức
Lão nông nhiều năm sưu tập những bức ảnh quý giá về Bác Hồ
Lão nông nhiều năm sưu tập những bức ảnh quý giá về Bác Hồ

Lão nông Trần Văn Cao, ở xóm Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã dành nhiều năm sưu tầm gần 1.000 bức ảnh về Bác. Tất cả bức ảnh được ông lưu giữ và trưng bày ở vị trí trang trọng trong phòng lưu niệm của gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN