Bến Tre tăng cường các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn mặn

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn, nắng nóng trên địa bàn tỉnh Bến Tre có thể kéo dài đến tháng 5/2024. Do đó, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre cùng các đơn vị liên quan cấp nước ngọt cho người dân. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.

Các sở, ban, ngành và các địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, đánh giá khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (bao gồm cả nguồn dự phòng) để chủ động tổ chức các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Mặt khác, tăng cường kết nối hệ thống cấp nước sinh hoạt với nguồn nước bền vững từ hồ chứa nước ngọt, công trình thủy lợi; nghiên cứu giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối giữa các nhà máy nước, mạng lưới cấp nước.

Cùng với đó, các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Song song đó, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt, báo cáo UBND tỉnh cho phép khai thác vượt hạn mức theo giấy phép khai thác để đảm bảo đủ nước cấp cho sinh hoạt trong thời kỳ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan rà soát Kế hoạch về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2023 - 2024 và phương án kèm theo để tham mưu chỉnh sửa, bổ sung (nếu có) nhằm bảo đảm cụ thể triển khai thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi đã xuất hiện mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang được đầu tư xây dựng đối với vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để kịp thời đưa vào khai thác, vận hành…

Hiện nay, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bến Tre lượng nước ngọt dự trữ của người dân có nguy cơ thiếu hụt. Để hỗ trợ người dân có nước sinh hoạt mùa khô, thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị khai thác vận hành nước ở tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều điểm cấp nước ngọt trên các địa bàn mà nhà máy nước bị nhiễm mặn, vùng khó khăn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 165 điểm cấp nước ngọt tập trung miễn phí cho người dân, tập trung ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách, Thạnh Phú, Châu Thành, Bình Đại; trong đó, có 123 điểm cấp nước qua hệ thống RO.

Đến nay, huyện Bình Đại đã tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân khoảng hơn 1.221,5 m3 nước ngọt, 3.050 bình nước lọc (loại bình 20 lít); huyện Giồng Trôm tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân khoảng 905 m3 nước ngọt, 109 bình nước lọc (loại bình 20 lít, 30 lít).

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre thực hiện giải pháp chở nước thô bằng sà lan, xử lý cấp nước qua mạng lưới tại một số nhà máy nước trực thuộc. Tính từ đầu mùa khô đến nay, Trung tâm đã vận chuyển nước thô bằng sà lan khoảng 8.300 m3 (tại nhà máy nước Tân Hào, Lương Phú, Phước Long huyện Giồng Trôm và Long Định huyện Bình Đại).

Công Trí (TTXVN)
Thuận thiên thích ứng với hạn mặn
Thuận thiên thích ứng với hạn mặn

Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, nuôi trồng, chế biến thủy sản, cây ăn trái… nhưng đây cũng là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy khoảng 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân. Qua 2 tháng mặn xâm sâu vào khu vực này, lượng nước tích trữ đã sử dụng gần hết khiến cho sản xuất và đời sống của người dân đang gặp khó khăn. Tuy vậy, trải qua bao đời bám đất, bám ruộng, tác động của hạn mặn ngày càng được các địa phương trong vùng tiết chế tốt hơn với việc dự báo sớm, đầu tư các công trình thủy lợi và có kế hoạch ứng phó trong sản xuất theo hướng thuận thiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN