Thụy Điển sẽ tăng mạnh ngân sách quốc phòng để đáp ứng mục tiêu của NATO

Chính phủ Thụy Điển dự kiến sẽ cung cấp cho các lực lượng vũ trang khoản ngân sách khổng lồ 1,85 tỷ USD vào năm 2024 và khoản bổ sung khác trị giá 1,1 tỷ USD vào năm sau đó.

Chú thích ảnh
Xe tăng Thụy Điển trong cuộc tập trận quân sự năm 2022, quy tụ khoảng 30.000 binh sĩ từ các nước thành viên NATO với Phần Lan và Thụy Điển, ở Evenes, Na Uy, tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Theo đài Sputnik (Nga), Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson cho rằng biện pháp này là “hoàn toàn cần thiết”, sẽ cho phép Thụy Điển đáp ứng mục tiêu chi 2 % GDP cho quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Với động thái này, ngân sách quốc phòng của Thuỵ Điển dự kiến sẽ tăng lên 10,8 tỷ USD vào năm 2024. Giới chức cho biết nỗ lực thúc đẩy chi tiêu cho quốc phòng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Lực lượng Vũ trang Thuỵ Điển.

Quân đội Thụy Điển đã phải chi tiêu nhiều hơn do lạm phát. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Bộ trưởng Quốc phòng Jonson thậm chí còn nói rằng trong tương lai, chi tiêu quân sự của Thụy Điển có thể vượt mức 2% GDP. Đây là tín hiệu cho thấy Stockholm đang quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời điểm nước này chi tới 3% GDP cho các lực lượng vũ trang.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quốc gia Bắc Âu này đã giảm chi tiêu cho quốc phòng và mức chi này đạt mức thấp nhất khoảng 1% vào cuối những năm 2010. Song sau đó, con số này đã tăng vọt đáng kể với lý do tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa từ Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Năm 2022, Thuỵ Điển đã từ bỏ vị thế trung lập, lập trường không liên kết hàng thập kỷ và chính thức xin gia nhập NATO.

Triển vọng gia nhập NATO

Chú thích ảnh
HMS Koster, tàu quét mìn thuộc lớp Landsort quần thảo vùng biển ngoài khơi quần đảo Stockholm, Thụy Điển năm 2014. Ảnh: AFP

Hoàn toàn trái ngược với nước láng giềng Phần Lan, mặc dù đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào cùng thời điểm, nhưng nỗ lực của Thụy Điển đã bị cản trở bởi nhiều rào cản và hiện tại triển vọng gia nhập khối vẫn còn mờ mịt.

Đề xuất của Stockholm đã vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia cáo buộc nước này chứa chấp các thành viên và những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Ankara coi là nhóm khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là thành viên NATO duy nhất từ chối kết nạp Thuỵ Điển. Hungary cũng có mâu thuẫn với Thụy Điển vì những chỉ trích của Stockholm nhằm vào Thủ tướng Viktor Orban, hoạt động chính trị của đảng cầm quyền Hungary. Budapest coi những lời chỉ trích của Stockholm là không chính đáng và đã nhiều lần kêu gọi Thụy Điển kiềm chế.

Chi tiêu quân sự ở Bắc Âu

Tất cả các quốc gia Bắc Âu đều đang lên kế hoạch hoặc đã thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng khổng lồ.

Chẳng hạn, Quốc hội Đan Mạch gần đây đã tham gia một thỏa thuận khung rộng rãi có sự tham gia của hầu hết các đảng trong nghị viện. Theo thoả thuận, Đan Mạch sẽ chi tới 20,1 tỷ USD cho quân đội trong thập kỷ tới nhằm đạt được mục tiêu của NATO.

Xu hướng tương tự đã diễn ra ở Na Uy và Phần Lan, những nước cũng đang lên kế hoạch mua sắm vũ khí và các biện pháp củng cố quân đội. Các quốc gia Bắc Âu đã cạn kiệt đáng kể kho vũ khí sau khi viện trợ cho Kiev - từ xe tăng, phương tiện chiến đấu đến tên lửa và hệ thống phòng không.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Thổ Nhĩ Kỳ giữ nguyên điều kiện để chấp nhận cho Thuỵ Điển gia nhập NATO
Thổ Nhĩ Kỳ giữ nguyên điều kiện để chấp nhận cho Thuỵ Điển gia nhập NATO

Ngày 14/6, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng các quốc gia không nên mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi cách tiếp cận và chấp thuận để Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước hội nghị thượng đỉnh ở Litva, trừ phi Stockholm tuân thủ các nghĩa vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN