Triển vọng gia nhập NATO của Thuỵ Điển sau sự thành công của Phần Lan

Con đường trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thuỵ Điển vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cản trở, sau khi nước láng giềng Phần Lan chính thức gia nhập liên minh hôm 3/4.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) tại buổi lễ ở Brussels, Bỉ ngày 4/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Con đường gập ghềnh

Theo hãng tin Reuters (Anh), trong khi đơn gia nhập NATO  của Phần Lan được phê duyệt trong thời gian chớp nhoáng, các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thuỵ Điển cho đến sớm nhất là sau cuộc bầu cử ngày 14/5. Ngay cả thời điểm đó, vẫn chưa rõ điều gì sẽ thúc đẩy Tổng thống Tayyip Erdogan thay đổi quan điểm. Và Hungary cũng sẽ theo sau bước đi của Ankara. 

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Thuỵ Điển và Phần Lan đã quyết định từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ. Cả hai quốc gia này đều coi NATO – với hiệp ước phòng thủ tập thể - chính là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia. 

Hầu hết các thành viên NATO đều nhanh chóng phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu. Giới chức lập luận rằng Phần Lan - nước có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga - và Thụy Điển sẽ giúp củng cố liên minh ở vùng Baltic.

Sau những phản đối ban đầu, vào tuần trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trì hoãn phê chuẩn đơn gia nhập của Thuỵ Điển vì cho rằng nước này đã phớt lờ những lo ngại an ninh của Ankara và không tuân thủ thoả thuận đạt được ở Madrid hồi năm ngoái. Ankara tuyên bố chừng nào những mối lo ngại này chưa được giải quyết, họ sẽ không chấp thuận Thuỵ Điển gia nhập NATO. 

Bên cạnh đó, Hungary, một ngoại lệ khác trong liên minh, cũng đã có lập trường tương tự, tuy lặng lẽ hơn. Chính phủ Hungary nhiều lần khẳng định họ sẽ ủng hộ Thuỵ Điển gia nhập NATO, nhưng đã nhiều lần âm thầm trì hoãn quá trình này.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối tư cách thành viên NATO của Thụy Điển?

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters

Thụy Điển đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nhân quyền và vượt qua các tiêu chuẩn dân chủ, khiến các chính trị gia ở Ankara bất bình.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cáo buộc Thụy Điển chứa chấp các "phần tử khủng bố" người Kurd và yêu cầu nước này dẫn độ những nghi phạm theo yêu cầu của Ankara. Tuy nhiên, Thuỵ Điển đã bác bỏ cáo buộc này.

Căng thẳng giữa hai nước thậm chí leo thang hơn vào đầu năm nay sau những cuộc biểu tình đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Một số người tham gia biểu tình ở Stockholm còn đốt kinh Koran, hành động mà Tổng thống Erdogan cho là xúc phạm, đặc biệt đối với người Hồi giáo.

Ông Erdogan nói rằng Thụy Điển khó có thể mong đợi sự ủng hộ từ Ankara trong nỗ lực gia nhập NATO sau những hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 14/5 tới, đặt ra cho ông Erdogan thách thức chính trị lớn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền. Không rõ liệu vấn đề NATO có giúp chuyển hướng chú ý của cử tri khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong nước hay không. Song giới chuyên gia nhận định chiến thắng của phe đối lập có thể sẽ thúc đẩy cơ hội gia nhập NATO nhanh chóng của Thụy Điển.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển còn vấp phải sự phản đối của Hungary. Hungary cho rằng Thuỵ Điển đã có thái độ thù địch với Budapest trong nhiều năm. Ngày 29/3, Chính phủ Hungary cho biết đang tạm dừng việc phê chuẩn đơn của Thụy Điển vì “sự bất bình” trước những chỉ trích trước đây của Stockholm đối với các chính sách của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary không đưa ra tiêu chí yêu cầu Stockholm đáp ứng. Song Budapest nhấn mạnh những bất bình cần phải được giải quyết trước khi nước này phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Một số chuyên gia nhận định có thể Chính phủ Hungary đang chờ xem Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chấp thuận tiếp tục mở rộng NATO, thì lúc đó Hungary sẽ ở vị thế mạnh hơn nhiều để yêu cầu Thuỵ Điển nhượng bộ với tư cách là nước duy nhất không chấp nhận. 

Thời điểm Thuỵ Điển có thể gia nhập NATO

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp nhận đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển và Phần Lan, tại Brussels (Bỉ) ngày 18/5/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Khi cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc, con đường gia nhập NATO của Thụy Điển có thể rõ ràng hơn. Song vấn đề này không có thời gian cụ thể và cũng không thể đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khi đó sẽ chấp thuận.

Thụy Điển cho biết họ đã thực hiện thỏa thuận Madrid - bao gồm luật chống khủng bố cứng rắn hơn. Tuy nhiên, họ không thể đáp ứng một số yêu cầu khác của Ankara.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có bất đồng với các đồng minh NATO và đã nhượng bộ.

Ông Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm, nhận định: “Nhìn vào những bất đồng trước đó, chúng đã được giải quyết bằng áp lực từ các đồng minh, đàm phán và nhượng bộ. Kỳ vọng của tôi là điều tương tự có thể đạt được ở vấn đề này”.

Bên cạnh đó, bước ngoặt có thể xảy ra sau cuộc bầu cử, hoặc ông Erdogan có thể muốn thấy thêm bằng chứng từ Thụy Điển rằng họ đã lắng nghe những lo ngại về an ninh của Ankara.

“Trong trường hợp đó, bước ngoặt có thể xảy ra vài tháng nữa sau mùa hè. Nhưng thật khó để dự đoán”, ông Levin nói.

Về phần mình, Thụy Điển cho biết vị thế an ninh của nước này hiện tốt hơn. Thụy Điển đã nhận được bảo trợ từ các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Đức.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng nói rằng: “Khó có thể tưởng tượng được rằng liên minh sẽ không hỗ trợ Thụy Điển nếu nước này bị đe dọa”.

Thụy Điển đã hợp tác chặt chẽ với NATO và các biện pháp hội nhập đang được tiến hành. Thụy Điển có lực lượng không quân mạnh và hạm đội tàu ngầm phù hợp với điều kiện Biển Baltic. Và đây cũng chính điều giúp củng cố liên minh trong khu vực.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Chuyên gia Trung Quốc nhận định về việc Phần Lan gia nhập NATO
Chuyên gia Trung Quốc nhận định về việc Phần Lan gia nhập NATO

Phần Lan gia nhập NATO khiến bối cảnh an ninh tổng thể của châu Âu trở nên'bấp bênh' hơn, có thể thúc đẩy Liên bang Nga tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN