Phát triển hệ sinh thái các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam

Một hệ sinh thái mở, đa dạng với sự tham gia của của các đối tác khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận giúp các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài chính, gia tăng kết nối và nâng cao năng lực để vượt qua những thách thức ở hiện tại, bứt tốc trong kinh doanh.

Tại Việt Nam, hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Social Impact Business - SIB) đang phát triển nhanh chóng, ước tính có khoảng 26.000 SIB.

Theo đuổi mô hình kinh doanh tạo ra giá trị kép, các SIB cũng đang tạo ra một làn sóng làm thay đổi triết lý và định hướng kinh doanh của các tổ chức kinh doanh truyền thống.

Song song với lợi ích kinh tế, ngày càng có nhiều tổ chức kinh doanh đặt yếu tố mong muốn mang lại tác động tích cực cho xã hội và môi trường vào mô hình kinh doanh cốt lõi.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ lựa chọn chuyển dịch hoàn toàn sang mô hình SIB, đồng thời nhiều doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư tác động cũng thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng đồng hành cùng SIB. Nhóm các tổ chức kinh doanh này cũng đóng góp cho quá trình hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cộng đồng SIB Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển sôi động.

Trung tâm Nâng cao năng lực cho người khuyết tật Nghị Lực Sống là ví dụ thành công trong tiếp cận nguồn vốn từ các doanh nghiệp tiên phong, thay đổi mô hình hoạt động để tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng người khuyết tật.

"Khởi điểm, Nghị Lực Sống hoạt động theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận, việc duy trì trung tâm phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Sau nhiều năm nỗ lực, chúng tôi đã kết nối được với gần 20 lãnh đạo của các tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư tiền và hỗ trợ khác để thành lập Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội. Theo tôi, chìa khóa giúp chúng tôi thuyết phục thành công các doanh nghiệp tiên phong chính nằm ở mục đích tốt đẹp hướng đến cộng đồng, một kế hoạch phát triển rõ ràng cũng như cam kết mạnh mẽ theo đuổi, thực hiện kế hoạch đó. Nhờ sức mạnh của sự kết nối, Nghị lực sống có doanh thu, tạo ra việc làm và thu nhập cho người khuyết tật, đồng thời dành 100% lợi nhuận trao cho cộng đồng người khuyết tật", chị Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghị Lực Sống chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghị lực sống chia sẻ bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp tiên phong.

Nhìn từ phía doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư, đồng hành với SIB tại Việt Nam dần trở thành một trong những định hướng phát triển lâu dài. Do đó, thay vì chờ đợi các SIB tiếp cận, nhiều đơn vị đã chủ động kết nối và "bắt tay" với SIB để tháo gỡ những khó khăn thông qua các hỗ trợ về tài chính, đào tạo nâng cao năng lực cho lãnh đạo/chủ sở hữu SIB.

Chia sẻ tại sự kiện dành cho cộng đồng SIB được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2023, đại diện Unilever Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp lớn đang dần chuyển dịch sự chú ý sang mô hình kinh doanh tạo tác động, khi nhìn thấy nhiều tiềm năng phát triển. Một số sáng kiến, chương trình hỗ trợ cũng đã được triển khai, nhằm giúp phụ nữ, nhóm người yếu thế, thành lập SIB và quản lý hiệu quả mô hình kinh doanh bền vững này. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, những kết nối và hợp tác thành công giữa doanh nghiệp tiên phong và SIB còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, đại diện của các Quỹ đầu tư tác động như Beacon Fund hay IIX cũng chia sẻ rằng họ rất quan tâm và có nguồn vốn lớn hướng tới các SIB. Tuy vậy, mức độ sẵn sàng và khả năng hấp thụ nguồn vốn của các SIB tại Việt Nam cũng còn hạn chế.

Có thể thấy, năng lực nội tại của SIB, hay sự quan tâm, cởi mở của doanh nghiệp tiên phong, các tổ chức hỗ trợ, là yếu tố cần, nhưng chưa đủ để thúc đẩy hệ sinh thái các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam.

Cần thêm giải pháp toàn diện, bao trùm, mà trong đó không chỉ kết nối các SIB với nhau, kết nối SIB với doanh nghiệp tiên phong và đơn vị phân phối, mà còn cần có sự tham gia tích cực của cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tác động.

Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian qua, thông qua việc tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết các vấn đề liên kết và mang tính hệ thống, dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19”(ISEE-COVID) đã tích cực triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực của SIB, xây dựng năng lực và kết nối giữa các đơn vị hỗ trợ SIB, và tập trung hỗ trợ chính phủ trong việc tăng cường năng lực hoạch định và xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho SIB. Dự án được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC) và đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tính đến tháng 12/2023, dự án ISEE-COVID đã hỗ trợ cho hơn 300 doanh nghiệp SIB, đảm bảo nguồn việc làm cho hơn 6000 người lao động, đa số là phụ nữ và thuộc nhóm yếu thế. Đặc biệt, nhiều SIB đã có thể duy trì và tăng doanh thu tới 19 lần so với thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra. Bên cạnh đó, dự án còn chú trọng đào tạo 55 chuyên gia hỗ trợ SIB, cung cấp 700 giờ huấn luyện chất lượng cao miễn phí cho hơn 110 SIB trên khắp các vùng miền. Hơn 150 người đến từ các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB cũng được nâng cao năng lực và tăng cường kết nối nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp cho các SIB.

Cùng với dự án ISEE-COVID, ngày càng có nhiều tổ chức, trung tâm, diễn đàn hoạt động với mục đích kết nối và hỗ trợ SIB. Nổi bật có thể kể đến BizCare từ tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho nhóm doanh nghiệp thương mại thông thường nay có thêm dịch vụ cho các SIB hay trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) với hành trình 10 năm hỗ trợ và hình thành mạng lưới Doanh nông trẻ. Bên cạnh đó là mạng lưới kết nối do chính các SIB xây dựng và vận hành trên khắp Việt Nam nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức và cơ hội kinh doanh, hỗ trợ nhau bán hàng và mở rộng thị trường. Đây là những tín hiệu tích cực giúp giải quyết những thách thức mang tính hệ thống của SIB đồng thời tăng tốc hệ sinh thái SIB tại Việt Nam.

Dù đã có những thành công bước đầu, nhưng nhìn chung hệ sinh thái các tổ chức hỗ trợ SIB tại Việt Nam còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và sự kết nối. Những thách thức chính mà các SIB phải đối mặt có thể kể đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; các tổ chức hỗ trợ SIB còn ít và khó tiếp cận đặc biệt tại các địa phương; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các thành tố trong hệ sinh thái.
PV
Được hỗ trợ sinh kế, phụ nữ vùng cao vươn lên làm chủ kinh tế
Được hỗ trợ sinh kế, phụ nữ vùng cao vươn lên làm chủ kinh tế

Nhờ được giao vốn, hướng dẫn tổ chức mô hình chăn nuôi, hỗ trợ máy móc, nhiều chị em người dân tộc thiểu số đã có trong tay “cơ nghiệp” do chính mình làm chủ, từng bước thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN