Xóa bỏ lò gạch thủ công, cần quan tâm việc làm người lao động

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 31/12/2017, mọi hoạt động của các lò gạch nung thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh sẽ chấm dứt.

Quang cảnh một lò gạch thủ công và vườn chuối được trồng kế bên đang bị hỏng dần do ảnh hưởng các lò gạch thủ công.

Đây là kế hoạch đảm bảo lộ trình xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công trên toàn quốc, đồng thời cũng là giải pháp tăng cường công tác quản lý vật liệu xây dựng, đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho hàng trăm lao động làm việc trong lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Bắc Kạn, năm 2015, địa bàn tỉnh mới chỉ có 66 lò gạch thủ công. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 94 lò gạch và 2 lò vôi thủ công. Các lò gạch hoạt động ở tất cả các địa phương, tập trung chủ yếu vẫn là tại thành phố Bắc Kạn, huyện Bạch Thông và huyện Ba Bể.

Trong mùa khô, trung bình một lò gạch thủ công có thể giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động. Tuy nhiên, đây đều là những lò gạch được đầu tư, xây dựng theo cách truyền thống, không có ống khói hay hệ thống xử lý khói. Vì vậy, các loại khí độc thải tự do ra không khí, gây ảnh hưởng sức khỏe, công tác sản xuất nông lâm nghiệp của người dân địa phương.

Toàn bộ lò gạch xây dựng theo công nghệ cũ, chủ yếu được làm bằng đất, nhiều lò đã cũ, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, gây nguy hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, có một thực tế ở những lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh hiện nay đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Hợp tác xã Tuân Đức ở tổ Phương My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn có trên 100 lao động. Đây là hợp tác xã chuyên sản xuất gạch gần 10 năm nay. Trong mùa khô, lúc cao điểm với 9 lò gạch thủ công ở đây có thể tạo việc làm ổn định cho 150 lao động ở địa phương. Những người lao động ở đây biết xóa bỏ lò gạch là chủ trương đúng và có lộ trình nhưng cũng đang lo lắng khi đối mặt với việc mất việc làm.

Để bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên đất và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho chính người lao động làm việc tại các lò gạch thủ công, cần phải xóa bỏ những lò gạch như thế này. Tuy nhiên, địa phương cần có những cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề, hoặc đầu tư những công nghệ, dây chuyền sản xuất mới.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Kạn, kể từ ngày 01/10/2016, tỉnh không cấp phép mới, không gia hạn việc tận dụng đất sét trong công tác cải tạo đồng ruộng, công trình nuôi trồng thủy sản để sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công.

Kể từ ngày 31/12/2016, tỉnh chấm dứt hoạt động của các lò gạch nung thủ công, thủ công cải tiến tại khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu. Từ ngày 31/12/2017 sẽ chấm dứt hoạt động của các lò gạch nung thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn toàn tỉnh.

Trên thực tế, hầu hết các lò gạch thủ công hiện nay đều thuộc sở hữu của người nông dân còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để xóa bỏ cũng cần có chính sách phù hợp như tư vấn về chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho nông dân, lao động tại các lò gạch thủ công trên địa bàn, có những cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất gạch theo công nghệ mới, tránh những tác động xấu đến môi trường, đảm bảo thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Vũ Hoàng Giang (TTXVN)
Xóa bỏ lò gạch thủ công: Cần cả thời gian lẫn quyết tâm
Xóa bỏ lò gạch thủ công: Cần cả thời gian lẫn quyết tâm

Cao Bằng đã thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công từ năm 2014. Tuy nhiên, trong khi các huyện khác đã hoàn thành mục tiêu thì vẫn còn duy nhất huyện Hòa An giữ nguyên hiện trạng với 15 lò gạch thủ công đang hoạt động. Điển hình là xã Đức Long có tới 11 lò, Nam Tuấn còn 3 lò và Hồng Việt 1 lò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN