Tuyên Quang thiếu quyết liệt trong xóa bỏ lò gạch thủ công

Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thế nhưng việc triển khai thực hiện quyết định này dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Một lò gạch mới xây dựng đang chuẩn bị đốt lò.

Không thể phủ nhận hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết một số lượng đáng kể việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, với lối sản xuất thủ công, các lò gạch nơi đây đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân.

* Quyết định vẫn ở trên giấy?

Ngày 21/10/2013, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định 398/QĐ - UBND về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công đến năm 2020. Quyết định nêu rõ, từ nay tỉnh không cấp phép đầu tư mới các lò thủ công, lò thủ công cải tiến. Các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu (khoảng cách tính từ lò gạch đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100m) phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 21/12/2014.

Đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng chỉ được phép hoạt động đến hết năm 2015. Sau thời hạn trên phải chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch không nung. Các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31/12/2017... Đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung và phải chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch không nung.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu không nung. Đồng thời, có quy định cụ thể đối với việc sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Lộ trình đã có, thế nhưng việc triển khai thực hiện lại dường như đang giậm chân tại chỗ. Số lượng lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Những lò gạch cạnh khu dân cư vẫn ngày đêm hoạt động, những lò gạch mới vẫn tiếp tục được xây dựng. Nguyên nhân chính có lẽ là chính sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Trở lại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên - nơi tập trung số lượng lớn những lò gạch thủ công, hàng chục lò gạch vẫn đua nhau hoạt động. Những lò gạch nằm ngay sát khu dân cư vẫn thi nhau nhả ra những cột khói trắng toát, mùi khét lẹt. Tình trạng xây dựng mới vẫn diễn ra công khai theo kiểu "mạnh ai nấy làm", không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó trưởng thôn An Thạch 2, xã Thái Sơn cho biết, việc xây dựng các lò gạch mới là có, ở đây mạnh ai nấy làm, nhưng không thấy cơ quan chức năng nà kiểm tra quản lý. Riêng về vấn đề xóa bỏ các lò gạch cạnh khu dân cư thì cũng không thấy triển khai gì.

Trong khi đó thì các chủ lò gạch vẫn còn mơ hồ về quyết định của UBND tỉnh Tuyên Quang liên quan đến việc xóa bỏ các lò gạch thủ công. Theo họ thì việc chuyển đổi sang lò gạch công nghệ cao thì chi phí lớn không thể làm được.

Bà Đặng Thị Lan, chủ lò gạch cho biết, nếu không làm gạch nữa thì cả thôn này không biết làm nghề gì vì ruộng vườn cũng không có, còn nếu chuyển đổi sang lò gạch đốt cao thì kinh phí rất lớn, lên đến vài trăm triệu, phải 3-4 gia đình mới làm được một lò.

Làm việc với Chủ tịch UBND xã Thái sơn, ông Bùi Mạnh Hùng, thừa nhận trong khoảng 2 năm trở lại đây trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng xây dựng mới các lò gạch, xã cũng có lập biên bản xử lý. Hiện xã đang xin UBND huyện gia hạn cho thêm 1 năm để có thời gian chuyển đổi, tức là đến năm 2016 lò gạch thủ công phải chấm dứt, đến thời điểm đó nếu hộ nào không xỏa bỏ xã buộc phải cưỡng chế.

* Báo động tình trạng ô nhiễm

Hiện tại trên địa bàn xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), tập trung khoảng 30 lò gạch thủ công. Đây cũng là địa phương tập trung nhiều lò gạch nhất tỉnh Tuyên Quang. Vì vậy, tình trang ô nhiễm cũng nặng nề hơn các nới khác. Ban đầu chỉ có người dân thôn An Lâm xây dựng lò gạch rồi sau đó tại các thôn xung quanh như An Thạch 1, An Thạch 2... các lò gạch cũng đua nhau mọc lên. Những cột khói nghi ngút, đặc quánh gặp những cơn gió thì tràn vào nhà dân, trường học đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân nơi đây.

Cạnh nhà dân lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động.

Những lò gạch thủ công không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa màu gây thiệt hại lớn về kinh tế, đã có trường hợp bà con xẩy ra mâu thuẫn khi cây trồng bị ảnh hưởng. Chính quyền xã phải can thiệp yêu cầu chủ lò gạch đền bù chuyện mới tạm yên.

Ông Trần Văn Dũng, thôn An Thạch 2, xã Thái Sơn cho biết, khói lò gạch tràn đến đâu thì cây cối hoa màu bị ảnh hưởng tới đó. Quanh đây các loại cây cối, nhãn, mía không phát triển được.

Không chỉ ảnh đến cây trồng mà người dân thôn An Lâm, An Thạch 1, An Thạch 2, Thái Sơn đang phải khổ sở sống chung với khói lò gạch. Nhà ngay cạnh các lò gạch, ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn An Thạch 2, xã Thái Sơn bức xúc, khói của lò gạch rất độc hại, những lúc lò gạch hoạt động là khói tràn thẳng vào nhà rất khó chịu nhưng buộc phải chấp nhận. Trong thôn cũng đã có nhiều trường hợp chết vì bị ung thư phổi, bản thân ông cũng bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, suốt ngày ốm đau phải đi viện.

Nguy hiểm hơn, trong khu vực này lại là điểm trường thôn An Lâm, hàng ngày hàng trăm em học sinh tiểu học và mầm non bị vây quanh bởi làn khói trắng từ lò gạch. Chứng kiến các em phải sống chung với sự ô nhiễm, các thầy cô cũng như phụ huynh các em không khỏi lo ngại.

Anh Trần Văn Thắng, thôn An Thạch 2, xã Thái Sơn, cho biết con gái anh hiện đang học ở điểm trường thôn An Lâm, biết là khói lò gạch rất độc, người lớn còn bị ảnh hưởng huống hồ là các cháu, thế nhưng cũng không còn cách nào khác, bởi các điểm trường khác thì rất xa.

Là người đã từng tham gia giảng dạy tại điểm trường thôn An Lâm hơn 20 năm, cô Trần Thị Minh, thôn An Thạch 2 cho biết, vì điểm trường nằm ngay gần các lò gạch thủ công nên có những hôm gió về khói tạt thẳng vào các lớp rất khó chịu,  ảnh hưởng đến đường hô hấp cũng như sự tập trung học tập của cả cô và trò.

Mỗi lò gạch cho ra một lần để nung thì phải mất 15 - 16m3 than và củi trong đó phần lớn là than cho một lần nung, thời gian nung kéo dài 2 ngày 2 đêm. Như vậy có thể thấy lượng khói thải ra môi trường là rất lớn. Trong khi chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì hàng trăm hộ dân quanh khu vực các lò gạch thủ công ngày đem phải sống chung với khói lò gạch, chịu sự đe dọa sức khỏe, tính mạng và bài toán xóa bỏ lò gạch thủ công vẫn chưa có lời giải.


Nguyễn Văn Tý
Lò gạch thủ công vẫn đua nhau nhả khói
Lò gạch thủ công vẫn đua nhau nhả khói

Theo Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ, việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công phải kết thúc trước năm 2010. Tuy nhiên, đến nay tại một số địa phương, tình trạng sử dụng lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN