TP Hồ Chí Minh: Những chính sách ưu tiên với công nhân

TP.HCM là nơi xây dựng khu chế xuất (KCX) đầu tiên của cả nước - KCX Tân Thuận (năm 1991). Đến nay, TP.HCM có 3 KCX và 12 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với hơn 1.200 dự án đầu tư trên tổng diện tích đất 3.500 ha. Từ vài nghìn lao động lúc đầu, đến nay TP.HCM đã có lực lượng hùng hậu đến hơn 275.000 công nhân. Theo quy hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ có 23 KCN - KCX với tổng diện tích hơn 6.130 ha. Việc hình thành các KCX – KCN đã thu hút và giải quyết việc làm ngày càng nhiều cho lao động, kể cả lao động nông thôn và lao động thành thị. Năm 2011, khu vực công nghiệp và xây dựng đã đóng góp 4,42% trong tỷ lệ tăng trưởng 10,3% GDP của thành phố, góp phần vào việc nâng thu nhập bình quân đầu người của thành phố lên 3.220 USD/năm (năm 2012 phấn đấu lên 3.600 USD/năm/người). Chính vì thế, thành phố đã luôn chú trọng, chăm lo cho đội ngũ công nhân của mình.

Quan tâm người lao động

Có thể nói, TP.HCM đã luôn chăm lo mọi mặt cho đội ngũ công nhân, thể hiện qua những chính sách ưu tiên.

Hoạt động sản xuất của Công ty may Nhà Bè.


Ông Nguyễn Tấn Định - Phó Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM (HEPZA), cho biết: Công tác chăm lo chỗ ở, nơi lưu trú cho công nhân đã được thành phố quan tâm đặt lên hàng đầu. Hiện thành phố đã có khoảng 15 blốc nhà lưu trú đã đi vào hoạt động, giải quyết khoảng hơn 9.000 chỗ ở cho công nhân. Điển hình như nhà lưu trú của Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung), đáp ứng hơn 1.000 chỗ ở cho công nhân với trang bị hiện đại; nhà lưu trú Công ty Sadeco (KCX Tân Thuận, quận 7) đáp ứng khoảng 1.300 chỗ ở; nhà lưu trú của Công ty chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (quận 6), Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành (Củ Chi)… Theo ông Định, cuối năm nay và sang năm 2013 sẽ thêm 6.310 chỗ ở cho công nhân tại KCN Tân Tạo (2 lô nhà 12 tầng), KCX Linh Trung 2 (1 lô nhà 9 tầng), KCN Tân Thới Hiệp (50 căn nhà cấp 4), KCN Lê Minh Xuân (3 tòa nhà 5 tầng). Bên cạnh đó, thành phố còn chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với các quận, huyện vận động các chủ nhà trọ không tăng giá, xây dựng những khu nhà trọ văn hóa, triển khai việc lắp đặt đồng hồ điện, nước để được hưởng giá chính thức của Nhà nước cho các công nhân.

Thành phố còn quan tâm đến việc xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân. Hiện HEPZA đã đề xuất UBND thành phố xin cấp đất tại các vùng cách ly cây xanh trong KCX Tân Thuận (quận 7) 900 m2, KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) 3.000 m2, KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức) 3.200 m2, KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) 2.500 m2, KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) 3.246 m2 và KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) 800 m2 để xây dựng trường mầm non, làm nơi giữ trẻ, tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc.

Để chăm lo sức khỏe của công nhân, hiện đã có nhiều KCX - KCN đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phòng khám đa khoa như: KCX Tân Thuận, KCN Lê Minh Xuân, KCN Tân Tạo, KCN Tân Bình… Các KCN - KCX còn phối hợp với bệnh viện khám chữa bệnh phụ khoa, phát thuốc miễn phí cho nữ công nhân. Vận động các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn và thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Ngoài việc xây dựng các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của công nhân với giá cả thấp theo chương trình bình ổn giá, HEPZA còn phối hợp với hiệp hội các doanh nghiệp tổ chức chương trình bán hàng lưu động tại các KCN - KCX nhằm đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người lao động với giá cả ưu đãi.

Lớp giữ trẻ do Công ty Hà Giang (Gò Vấp) tổ chức cho con em công nhân giúp họ an tâm sản xuất.


Ngoài ra, hàng năm HEPZA đã cùng các đoàn thể, doanh nghiệp nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo Tết cho người lao động. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cũng được các đoàn thể phối hợp tổ chức như văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, chiếu phim, hội diễn văn nghệ, hội thi, hội trại truyền thống… đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho hàng trăm ngàn lượt người lao động. Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề thông qua các quỹ hỗ trợ…

Ông Phạm Xuân Thanh, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Legamex (Tổng công ty Dệt may Gia Định), cho rằng: “Việc chăm lo cho người lao động chính là chăm lo cho doanh nghiệp. Chính vì thế, ngoài việc hỗ trợ ăn, ở cho công nhân, công ty còn tìm mọi cách để nâng thu nhập cho người lao động. Năm 2011, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu nhập của công nhân vẫn đạt bình quân hơn 4,8 triệu đồng/tháng, tăng 51,56% so với năm 2010”.

Nâng “tầm” cho công nhân

Nhờ những chính sách nâng cao, ổn định chất lượng đời sống, người lao động đã gắn kết với doanh nghiệp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đã cải thiện. Ông Nguyễn Tấn Định nhìn nhận: Đội ngũ công nhân chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc ổn định sản xuất và phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM. Đây là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa do đó phải phát huy hết vai trò của đội ngũ thanh niên công nhân. Hiện nay, lao động trong các KCX - KCN đã tiếp cận được với máy móc thiết bị tiên tiến, làm việc với các chuyên gia nước ngoài nên đã nâng cao được tay nghề, kỹ năng lao động và rèn luyện tác phong công nghiệp. Các nhà đầu tư những năm gần đây đã đánh giá cao năng lực của lao động Việt Nam ở khả năng tiếp cận công nghệ cao, nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy, lực lượng công nhân lao động của TP.HCM ngày càng thực sự lớn mạnh.

Qua khảo sát số lao động đang làm việc tại các KCN - KCX, có hơn 70% lao động có nhu cầu học đại học, cao đẳng, ngoại ngữ, vi tính… Bên cạnh đó, đã có khoảng hơn 6.000 công nhân ưu tú được cử sang công ty mẹ ở nước ngoài đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm từng bước thay thế các chuyên gia nước ngoài... Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ,TB&XH TP.HCM, cho biết: Sở đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện và các doanh nghiệp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng bậc thợ cho công nhân và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời sở cũng có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề và doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng bậc thợ cho công nhân và người lao động theo yêu cầu đào tạo nghề của doanh nghiệp..., từ đó tạo nên nguồn lực mạnh mẽ cho lực lượng góp phần xây dựng, phát triển thành phố này.

Bài và ảnh: M.Thuyết - Đ.Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN