Tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào: Thắm thiết và trong sáng

Bên lề hội nghị “Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam - Lào, Đoàn kết - Hữu nghị” được tổ chức tại Sơn La, phóng viên TTXVN đã gặp gỡ, trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo, cán bộ lão thành cách mạng của Việt Nam và Lào, đã có nhiều đóng góp vào việc vun đắp mối quan hệ thắm thiết, đoàn kết thủy chung trong sáng giữa hai nước. Chính tình đoàn kết gắn bó keo sơn ấy đã làm nên những trang sử mà thời gian càng lùi xa thì những trang sử ấy càng có giá trị trường tồn.

* Thực hiện lời dạy “Giúp bạn là giúp mình”

Từng là chuyên gia giáo dục của Ban chuyên gia Tuyên văn giáo huấn Việt Nam, thuộc Ban Công tác miền Tây từ năm 1965-1973, giờ đây là cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu, nhưng Bác Vũ Xuân Tửu vẫn không khỏi xúc động mỗi khi nhớ lại những năm tháng sống và làm việc tại Viêng Xay, vùng giải phóng của nước bạn Lào. Bác Tửu tâm sự: Ngày đó, bác cùng các cán bộ, chuyên gia Việt Nam thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn như giúp mình”, kề vai sát cánh cùng nước bạn Lào vượt qua khó khăn đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Gần 40 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại thời gian tham gia chiến trường C ngày ấy, bác Vũ Xuân Tửu vẫn nhớ như in: Trước khi được cử sang giúp các bạn Lào, các chuyên gia Việt Nam phải học 2 đến 3 tháng tiếng Lào và nắm bắt tình hình của Lào. Khi sang đến nước bạn, bác được phân công làm nhiệm vụ giúp bạn biên soạn sách giáo khoa cấp 1 và cấp 2. Vào thời gian này ở Lào đang thiếu trầm trọng giáo viên dạy cấp 2 nên bạn muốn chuyên gia Việt Nam giúp đào tạo giáo viên. Phía Việt Nam đã đề nghị lãnh đạo cao nhất của Lào lúc đó cho phép chuyên gia Việt Nam dạy với thời gian rút ngắn từ 3 năm xuống còn 1 năm. Sau thời gian này, nhu cầu về giáo viên cấp 2 của Lào đã phần nào được đáp ứng. Cũng chính từ khóa học đó mà nhiều giáo viên của Lào sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cả ở địa phương và Trung ương. Như đồng chí Bun thoong Sảy khăm ny, sau hòa bình đã học đại học ở Việt Nam và trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục, sang làm Đại sứ của Lào tại Việt Nam nhiệm kỳ 2003 - 2007. Đồng chí Mun kẹo O-la-bun cũng học xong lớp trung cấp sư phạm, rồi học lên đại học ở Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Lào.

Bác Vũ Xuân Tửu cũng cho biết: Công việc là thế, nhưng cuộc sống của các chuyên gia cũng gặp không ít những khó khăn. Sự thiếu thốn, vất vả ấy đã trở thành những giai thoại. Mà sau này mỗi khi gặp đoàn chuyên gia giúp nước bạn Lào năm ấy, mọi người trong đoàn đều nhắc lại và coi đó như là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên:

"Chuyên gia như thể chúng mình
Khắp trên hạ giới, thiên đình đều khen
Nhà hang đốt củi thay đèn
Cơm vui cá mắm nhà quen lá rừng.

Có lần các chuyên gia Việt Nam đưa giáo sinh người Lào đi thực tập ở các địa phương. Nhóm chuyên gia gồm hai người đã ở nhà ông Khăm Phạu ở bản Khọ, Tà Xẻng, Xiềng Mèn. Để có gạo ăn, một phụ nữ trong nhà đã phải dậy từ 4 giờ sáng để giã thóc thành gạo, cho tới 10 giờ trưa mới đủ gạo nấu cơm đãi khách. Những lần giã thóc sau, các thành viên trong nhóm đã đề nghị được giã cùng, vì thế thời gian giã thóc đã rút ngắn, chỉ đến khoảng 8-9 giờ là hoàn thành. Nhưng cũng chính từ đấy, quan niệm về công việc giã thóc dành cho phụ nữ trong gia đình của người Lào đã dần thay đổi và việc nặng nhọc ấy đã được san sẻ cho những thanh niên mạnh khỏe trong nhà.

Sau này khi trở thành cán bộ ngoại giao đi rất nhiều nước trên thế giới, bác Vũ Xuân Tửu vẫn giữ mãi tình cảm ấm áp, chân thật của người dân Lào dành cho các chuyên gia Việt Nam. Đó là tình đoàn kết trong sáng Việt - Lào khó có thể tìm thấy ở đâu trong mối quan hệ quốc tế.


Chương trình nghệ thuật " Hướng về cội nguồn, tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào" diễn ra tối 24/4 tại Sơn La. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.




* "Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa"


Nguyên là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn la, Đại tá Quảng Văn Song, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La hào hứng kể: Quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân Lào trong từng thời kỳ đều gắn liền với sự ủng hộ giúp đỡ, kề vai sát cánh của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam anh em. Hai bên đã cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chung chiến hào, cùng lập lên những chiến công vang dội, hy sinh cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.

Từ năm 1970 đến năm 1976, Đại tá Quảng Văn Song, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La đã có những năm tháng công tác tại đơn vị Trung đoàn 335 quân khu Tây Bắc. Ông làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Lào ở địa bàn tỉnh Luông Pha băng và tỉnh Xiêng Khoảng, hay còn gọi là cánh đồng Chum Xiêng Khoảng và mảnh đất này đã để lại không ít kỷ niệm khó quên trong tâm trí người chiến binh năm nào.

Khi được hỏi về những tình cảm của người dân Lào dành cho quân tình nguyện Việt Nam ngày ấy, Đại tá Quảng Văn Song cho biết: Lào - Việt là hai nước láng giềng, uống nước chung nguồn, ăn cá cùng sông. Nhân dân hai nước có truyền thống quan hệ đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau từ hàng ngàn năm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Nhất là vào khoảng thời gian tháng 12 năm 1971, mở chiến dịch đánh địch tại chiến trường cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, bộ đội ta được nhân dân Lào hăng hái dẫn đường đánh địch. Cũng trong chiến dịch này, nhân dân Lào đã rất tích cực vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam. Khi bộ đội bị thương, nhân dân Lào đã đùm bọc và tận tình cứu chữa...

Nhân dịp này, Đại tá Quảng Văn Song gửi lời cảm ơn chân thành tới cán bộ và nhân dân Lào anh em đã nhiệt tình giúp đỡ bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, hoàn thành công việc được giao. Từng lăn lộn trên chiến trường Lào, gắn bó với quân dân Lào anh em, với Đại tá Quảng Văn Song, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành lẽ sống, tình nghĩa ruột thịt, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được.

* Trở lại Việt Nam như trở về nhà

Vui mừng phấn khởi là một thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội Lào sang dự Hội nghị hợp tác Quốc hội Lào - Việt Nam ở Sơn La, Phó Thủ tướng Sổm sa vạt Lênh sa vắt, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam cho biết: Mỗi lần đặt chân đến mảnh đất Sơn La, tỉnh có truyền thống cách mạng anh dũng kiên cường và cũng chính là tỉnh đã dành sự giúp đỡ vô tư trong sáng cho cách mạng Lào, ngay từ những ngày đầu gian khổ cho đến nay. Mỗi lần như vậy, ông nhớ ngay đến những năm 60 của thế kỷ trước. Trên đường làm nhiệm vụ giữa tỉnh Hủa Phăn với các tỉnh Bắc Lào, ông đã từng đi lại nhiều lần ở tỉnh Sơn La, mỗi lần qua lại đều được chính quyền, nhân dân địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi. Lần này sang cũng vậy, các bạn Việt Nam tiếp đón rất trọng thị và nồng nhiệt đối với đoàn đại biểu Quốc hội Lào, khiến ông có cảm giác như được trở về nhà của mình.

Phó Thủ tướng Sổm sa vạt Lênh sa vắt, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam nhận thấy, hội nghị hợp tác Quốc hội Lào- Việt Nam được tổ chức tại Sơn La rất có ý nghĩa, bởi địa phương này là biểu tượng của mối quan hệ bền chặt giữa cách mạng hai nước. Bản Lao Khô là căn cứ vững chắc cho Chủ tịch Kay son Phôm vi hẳn hoạt động để xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên giáp biên giới và từ đó mở rộng ra cả tỉnh Hủa Phăn và cả nước Lào.

Đảng và nhân dân Lào luôn trân trọng, biết ơn nhân dân Việt Nam anh em, luôn đề cao tinh thần quốc tế trong sáng, dành sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời theo yêu cầu của cách mạng Lào, dù nước mình vẫn còn những khó khăn. Phó Thủ tướng Sổm sa vạt Lênh sa vắt mong muốn: Nhân dân hai nước sẽ mãi thủy chung, kiên định mối quan hệ hợp tác, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau như anh em một nhà.

Nguyễn Hồng Điệp

Tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào
Tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt - Lào, tối 24/4/2012, tại thành phố Sơn La (Sơn La) diễn ra chương trình nghệ thuật "Hướng về cội nguồn, tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN