Thành phố và dòng sông mẹ

“Người quê tôi gọi sông là “Mẹ”, bởi đó là cuộc sống, là tình yêu và sự no đủ. Con gái quê tôi uống nước sông, tắm nước sông mà có làn da trắng mịn như trứng gà bóc, có cái giọng mượt mà, đằm thắm để cất lên những làn điệu chèo làm nghiêng ngả sân đình, hay những câu ca quan họ da diết, tình tứ “người ở... người ơi!...” lưu luyến người đi!


Nơi bắt đầu của thành phố


Trên trái đất này, hầu hết các đô thị được hình thành từ những quần cư đông đúc sinh sống bên các dòng sông. Dòng sông là báu vật thiêng liêng mà tạo hóa sinh ra. Còn đô thị là sản phẩm văn hóa vật chất vĩ đại của loài người. Và cũng chính các dòng sông đã mang đến cho đô thị một diện mạo văn hóa khác biệt, tạo nên bản sắc của đô thị đó. Như Paris (Pháp) với dòng sông Seine thơ mộng, London (Anh) với sông Thames, Sait Petersburg (Nga) với dòng Neva huyền thoại, hay Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc) có sông Hoàng Phố, Châu Giang, đề tài bất tận của kho tàng văn học Trung Hoa...


Thành phố nơi tôi lớn lên và đi qua quá nửa đời người cũng có một dòng sông như thế, sông Hồng!

 

Sông Hồng đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội nhìn từ trên máy bay trực thăng.
Ảnh: Trọng Đức-TTXVN


Sông Hồng có tự bao giờ, không nhớ rõ. Chỉ biết rằng nó bắt đầu từ độ cao 1.776 m ở dãy Nhụy Sơn của tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam vào Việt Nam, qua Lào Cai, rồi chảy qua các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, xuôi về Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình... để rồi cuối cùng đổ ra Biển Đông qua vịnh Bắc Bộ với tổng chiều dài là 1.160 km, trong đó phần chảy trên đất Việt hơn 510 km. Sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau. Phần chảy trên đất Trung Hoa gọi là Nguyên Giang. Phần chảy trên đất Việt có tên gọi là sông Hồng, sông Cái. Khi chảy qua ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì thì được gọi là sông Thao. Hay xuôi đến Hà Nội uốn dòng như hình cái tai ôm ấp lấy kinh thành cổ thì có tên là Nhĩ Hà hay Nhị Hà. Và thành Thăng Long xưa sau này mang tên Hà Nội - thành phố trong sông, cũng là vì thế!


Sông Hồng có nhiều nhánh như sông Đà, sông Lô, sông Chảy, sông Gâm. Phân lưu phía tả ngạn có sông Đuống, sông Luộc. Phía hữu ngạn có sông Đáy, sông Ninh Cơ... Tất cả nối với nhau tạo nên một hệ sông ngòi dày đặc, bền bỉ suốt ngàn vạn năm chở phù sa bồi đắp nên một đồng bằng Bắc Bộ trù phú và giàu có. Người quê tôi gọi sông là “Mẹ”, bởi đó là cuộc sống, là tình yêu và sự no đủ. Những con sông quê đem nước mát tưới tắm cho con người, cho mảnh đất màu mỡ xanh bát ngát, trắng cánh cò bay. Con gái quê tôi uống nước sông, tắm nước sông mà có làn da trắng mịn như trứng gà bóc, có cái giọng mượt mà, đằm thắm để cất lên những làn điệu chèo làm nghiêng ngả sân đình, hay những câu ca quan họ da diết, tình tứ “người ở... người ơi!...” lưu luyến người đi! Thành phố của tôi hình thành nên cũng bởi chính dòng sông mẹ ấy!


Dòng sông bị lãng quên...


Thuở xa xưa, cách đây nghìn năm, khi mà đức vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra đây dựng nghiệp lớn, bởi người thấy rồng bay lên và vùng đất này “rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư muôn đời” (Chiếu dời đô). Ngày ấy, dòng sông và kinh thành như giao hòa là một. Phố xá nhìn ra sông. Khắp nơi tấp nập trên bến dưới thuyền giao thương sầm uất. Nghiên cứu về Hà Nội, các nhà Đô thị học gọi Hà Nội là thành phố của cây xanh mặt nước, mà chủ yếu là hồ. Ngẫm cho cùng, mặt nước hồ đầm ở Hà Nội như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Gươm... cũng chính là nước sông Hồng do biến đổi của tự nhiên mà tạo thành. Có lẽ vì thế mà để khái quát đặc trưng của đô thị cổ này, người ta đưa ra công thức: Đỏ - xanh lơ - xanh lục = Hà Nội.

Đỏ là sông Hồng. Xanh lơ là mặt nước hồ. Và xanh lục là màu của cây cối. Trong suốt hơn một thế kỷ đô thị hóa Hà Nội, cảnh quan kiến trúc thành phố luôn có hướng nhìn ra sông Hồng. Phía bờ phải là nơi có quá trình đô thị hóa sớm nhất, có nhiều kiến trúc có giá trị lịch sử như khu 36 phố phường, rồi tiếp đến là khu phố cũ thời Pháp mà ta quen gọi là khu phố Tây! Thế nhưng, sông Hồng không phải là dòng sông phẳng lặng, mà có chế độ thủy văn vô cùng khắc nghiệt. Về mùa lũ, nước sông dâng cao hơn 13 m. Mùa khô, nước cạn trơ cả lòng sông. Chính cái sự đỏng đảnh và dữ dội ấy đã làm cho thành Thăng Long nhiều lần chìm trong nước. Thân thiện nhưng cũng đầy đe dọa. Đó là sông Hồng. Để bảo vệ kinh thành khỏi sự đe dọa của sông, vào năm 1109, đoạn đê đầu tiên ở phường Cơ Xá được đắp lên, bước đầu tiên ngăn cách dòng sông với thành phố.

Sang đầu thế kỷ 20, đứng ở đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, vẫn có thể phóng tầm mắt nhìn ra sông Hồng. Nhưng rồi trải qua những trận lụt vào năm 1909, và nhất là sau trận lụt lịch sử năm 1925, nước sông Hồng dâng lên hơn 13 m, thì chính quyền thuộc địa đương thời đã cho xây dựng và gia cố lại toàn bộ tuyến đê, nâng cao tới 14,6 m. Bắt đầu từ đó, dòng sông bị đẩy ra xa... và cũng từ đó, thành phố ngoảnh mặt với dòng sông, để lại khu vực ngoài đê, đất bãi cho những người lao động nghèo tứ xứ đến trú ngụ, trồng trọt, đánh cá và sinh sống. Năm tháng trôi đi, những xóm nghèo ngoài đê ấy giờ cũng tấp nập và đông đúc lên đến chục vạn người. Bên cạnh những đường phố được chính quyền thành phố đầu tư quy hoạch chỉnh trang đô thị như khu An Dương, Đầm Trấu, Hàm Tử Quan, Bạch Đằng... thì vẫn còn nhiều lắm những khu nhà ổ chuột dưới gầm cầu Long Biên, ven bãi sông, bãi giữa.

Chính cư dân các xóm nghèo, các khu ổ chuột kéo dài suốt đoạn đê bờ phải sông Hồng đã và đang làm cho cảnh quan phía đông thành phố ngày một hỗn tạp và xấu đi. Môi trường sống bị hủy hoại bởi rác thải và nước bẩn. Dòng sông đang bị ô nhiễm và bị lấn chiếm bởi hàng ngàn tấn phế thải ngày đêm do con người đổ xuống. Dòng sông mẹ đang đứng trước nguy cơ bị bức tử. Còn trong đê, thành phố đang xây dựng ào ạt với tốc độ chưa từng có. Những ngôi nhà có khối tích to lớn cao hàng chục tầng đang mọc lên sát đê tạo nên một bức tường khổng lồ bằng bê tông và kính càng ngăn cách xa thêm con người với dòng sông.


Cách đây vài năm, một dự án đô thị ven sông Hồng được người Hàn Quốc lập, lấy thành phố bên sông Hàn làm ví dụ. Theo đó 4. 200 ha đất ven sông Hồng được quy hoạch với tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỷ USD (?!), để trong tương lai không xa, vùng đất bãi ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ trở thành những công viên xanh, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, khu thương mại quốc tế... cùng những khu nhà ở thấp tầng, cao tầng hiện đại. Và sau khi được trị thủy, sông Hồng dữ dội kia sẽ trở nên hiền hòa trong xanh và lãng mạn như sông Hàn bên Hàn Quốc, như sông Seine của thành phố Paris hoa lệ bên nước Pháp.

Câu chuyện về cái dự án đô thị ven sông Hồng với số vốn đầu tư khủng kia là có thật, được các nhà kiến trúc quy hoạch, các nhà khoa học thủy lợi và cả công luận khi ấy xôn xao, bàn tán, tranh luận. Nhưng đã chừng ấy năm trôi qua, cái tính hiện thực của dự án đó ra sao thì vẫn còn xa vời và mông lung lắm! Bởi một điều rất đơn giản mà ai cũng thấy được là sông Hồng của Việt Nam hoàn toàn khác sông Hàn bên Hàn Quốc và càng khác sông Seine bên nước Pháp. Và vì thế, dù ai lập dự án và dự án lập thế nào, đầu tư hết bao nhiêu tiền đi chăng nữa, thì cuối cùng nó phải là của Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam, bản sắc và văn hóa sông Hồng.


Vĩ thanh


Chiều cuối năm. Tôi lang thang dọc bờ bãi bên kia sông Hồng. Giờ đang vào mùa hoa cải. Một màu vàng bát ngát đến nao lòng trải ra trước mắt tôi. Bên những vườn hoa cải ngồng, nhiều đôi bạn trẻ váy voan trắng muốt đắm đuối bên nhau tràn đầy hạnh phúc chụp hình cho ngày cưới. Nhìn về thành phố, lổn nhổn những kiến trúc hỗn tạp cao thấp vô hồn và xa lạ. Dòng sông mẹ đang vào mùa cạn kiệt. Nước sông vẫn đỏ và lờ đờ chảy. Chao ôi! biết đến bao giờ thành phố của tôi sẽ lại nhìn ra sông...


(Hà Nội, chiều cuối năm)

KTS Phạm Thanh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN