Siết chặt đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

Cả nước hiện có gần 800 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô. Tuy nhiên, các cơ sở hiện chỉ coi trọng việc đào tạo kỹ năng lái xe, mà chưa quan tâm giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho học viên.

Tồn tại nhiều lỗ hổng


Việc quản lý đào tạo lái xe chưa thường xuyên, đã tạo “kẽ hở” cho nhiều cơ sở “tự do” tuyển dụng học viên vượt hơn chỉ tiêu nhiều lần, thậm chí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tình trạng “loạn” cơ sở đào tạo lái xe, với những trung tâm đào tạo học lái xe đảm bảo cho học viên được học và thi sát hạch “siêu tốc” hoặc “chống trượt”…

Trung tâm đào tạo lái xe Học viện An ninh nhân dân C500 Hà Nội.


Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Hà Nội hiện có 53 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô được cấp phép. Qua kiểm tra của Thanh tra GTVT Hà Nội vừa công bố, hàng loạt sai phạm tại các trung tâm đào tạo được phát hiện như: Sổ giáo trình giảng dạy, đăng ký tuyển dụng không minh bạch; một số cơ sở sử dụng xe cũ nát để đào tạo; chất lượng đào tạo không cao


Điển hình, tại các trung tâm dạy nghề Ngọc Hà, Trung tâm dạy nghề Hùng Vương, Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân... có tình trạng giáo viên dạy thực hành không có báo cáo công tác giảng dạy hàng ngày, lái xe thực địa không đúng địa điểm được cấp phép hoạt động, làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, vi phạm các quy định của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX). Thậm chí, tại Hà Nội đã xuất hiện nhiều địa điểm tập lái xe “tự phát” do trung tâm đào tạo lái xe thuê theo giờ để dạy ngoài giờ. Cụ thể như tại khu đất của Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Toàn Hiền ở phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) được Trung tâm đào tạo Đông Đô, Trung tâm Lạc Hồng… thuê 50.000 đồng/giờ để dạy thực hành lái xe và gắn biển “đào tạo” tại khu đất. Thực tế, khu đất này là địa điểm tự phát, không được cấp phép đào tạo.


Còn theo Thanh tra giao thông Hà Nội, việc tổ chức thi sát hạch GPLX cũng có nhiều tiêu cực. Không ít trung tâm đang có những quy định “ngầm”, trong sân tập lái luôn có những ký hiệu riêng để giúp học viên vượt qua bài thi. Chương trình dạy thì bị “cắt” triệt để, nên nhiều học viên sau khi được đào tạo cấp tốc xong không dám cầm vô lăng ra đường. Anh Đức Quang ở quận Long Biên, học viên vừa tốt nghiệp tại một trung tâm đào tạo của quận Long Biên cho biết: Nhiều tiết học về lý thuyết, kỹ năng lái xe địa hình đèo dốc, nhất là kỹ năng sửa xe cơ bản đều bị cắt giảm trong quá trình đào tạo, sau đó giáo viên phổ biến cho học viên kỹ năng “chống trượt” khi thi.

Sẽ phạt nghiêm cơ sở vi phạm


Tới đây, liên bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - Công an sẽ triển khai kiểm tra trên diện rộng về việc thực hiện các quy định trong đào tạo sát hạch cấp GPLX. Qua đó, cơ sở nào không tổ chức đào tạo nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên để dự sát hạch sẽ bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe 6 tháng. Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo sẽ bị cách chức hoặc buộc thôi việc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Bộ GTVT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch trong cả nước, nhất là các địa phương có nhiều cơ sở đào tạo lái xe, có tỷ lệ tai nạn giao thông cao, nhằm chấn chỉnh kịp thời các vi phạm phát sinh.


Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, để tăng cường quản lý và kiện toàn hệ thống cơ sở dữ liệu đào tạo, sát hạch cấp GPLX, các cơ sở được cấp phép đào tạo, sát hạch cấp GPLX hiện nay phải đăng ký và báo cáo danh sách người học sau khi khai giảng khóa học, danh sách người dự sát hạch sau khi kết thúc khóa học về các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý. Quy trình này sẽ hạn chế được hiện tượng thay đổi danh sách học viên đăng ký vào học, làm cơ sở dữ liệu cung cấp cho các cơ quan chức năng quản lý sau này.


Bài và ảnh:Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN