Quê lụa vẫn vang lời “hịch” kháng chiến

Một ngày tháng Tám về quê lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Nằm bên dòng Nhuệ Giang uốn lượn như dải lụa mềm mại, nơi đây vẫn thanh bình với tiếng thoi đưa êm ả. Ít ai hình dung ra rằng Vạn Phúc trong kháng chiến đã từng gắn với nhiều sự kiện lớn của dân tộc: Là an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, là nơi phát lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc năm 1945, nơi được đón Bác Hồ về ở và làm việc. Và tại đây, Bác đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”...

 

An toàn khu của Đảng


Làng Vạn Phúc xưa, nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội, có nghề dệt lụa cổ truyền nổi tiếng. Người dân nơi đây giàu truyền thống yêu nước và sớm có phong trào cách mạng ngay từ những ngày đầu. Thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939), đây đã là an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, được đón nhiều lãnh đạo cao cấp về đây hoạt động như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt...

 

Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vạn Phúc là một trong những nơi được chỉ đạo khởi nghĩa đầu tiên, trước khi tổng khởi nghĩa. Theo chỉ thị và hướng dẫn của Xứ ủy, 12 giờ đêm ngày 16/8/1945, chi ủy đã họp khẩn cấp và phân công cụ thể kế hoạch khởi nghĩa luôn trong đêm đó, gồm: Một đơn vị canh gác và sẵn sàng chiến đấu từ cầu Am đến đầu xóm Ngoài, một đơn vị làm nhiệm vụ ở khu cửa chùa và bờ sông, một đơn vị chính gồm 3 tổ đi bắt bọn đầu sỏ phản động, một tổ đi gặp những người làm việc cho địch nhưng đã ngả theo ta, để báo cho họ mang sổ sách ra nộp. Cuộc khởi nghĩa đã tiến hành rất khẩn trương, đi tới đâu thắng tới đó. Chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ, những tên từng làm tay sai cho địch lần lượt bị bắt, Phó Lý Tô (quyền Lý trưởng) đã đem đầy đủ sổ sách, triện bản ra nộp cho cách mạng.


Theo tài liệu “Lịch sử đấu tranh cách mạng Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc”, làng mạc lúc đó hoàn toàn trong không khí thiết quân luật, bên ngoài im ắng, lặng lẽ, nhưng bên trong sôi sục, khẩn trương. Đêm 16/8/1945 là đêm lịch sử cả Vạn Phúc đều thức dậy. Đến sáng sớm 17/8, Vạn Phúc đã giành được chính quyền, cờ đỏ sao vàng, cờ Việt Minh rực rỡ tung bay trước ngôi đình làng, trong từng xóm ngõ. Các câu khẩu hiệu như: “Tự do, độc lập”, “Đánh đổ phát xít Nhật và tay sai”, “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng”... giương cao trong sân đình, báo hiệu sự thắng lợi đầu tiên để tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.


Trong không khí phấn khởi chiến thắng, đồng chí Phúc Khánh (tức Nguyễn Tấn Phúc, nguyên ­­­Tỉnh ủy viên tỉnh Hà Đông) lúc đó đang ở Ban công tác đội Trung ương, đã viết câu thơ:


“Bao năm mới có một ngày
Tự do, độc lập, tràn đầy niềm vui”


Sau thắng lợi ở địa phương, ngày 19/8, nhân dân Vạn Phúc lại giương cao cờ đỏ sao vàng, vượt qua mũi súng quân đội Nhật ở Hà Đông để tiến ra Hà Nội, tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng.

 

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, nơi từng vinh dự đón Bác về ở và làm việc trong 16 ngày đêm.


“Vạn Phúc là địa phương có phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ từ năm 1937, có tổ chức Đảng từ năm 1938. Cũng từ đó cho tới năm 1945, địa phương liên tục là nơi có phong trào đấu tranh chống ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, phát xít Nhật, đồng thời cũng là cơ sở vững chắc, tin cậy của Tỉnh ủy Hà Đông, của Xứ ủy Bắc kỳ, nơi Xứ ủy quyết định khởi nghĩa toàn xứ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945...”, đó là những lời mà đồng chí Hoàng Quốc Việt dành cho quê hương Vạn Phúc, khi ông về thăm lại nơi đây vào năm 1989.


Làng lụa đón Bác


Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp lại nuôi dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tích cực chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đầu tháng 12/1946, khi tình hình căng thẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, xóm Ngoài, làng Vạn Phúc. Căn nhà Bác từng ở và làm việc trước kia, nay trở thành Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những hiện vật rất đơn sơ: Chiếc giường, bàn làm việc, bàn tiếp khách, đôi tạ tay Bác tập thể dục mỗi buổi sáng...


Theo sự chỉ dẫn của anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ văn hóa - thông tin phường Vạn Phúc, tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hà, là con gái thứ hai của ông Nguyễn Văn Dương, người đã từng dành ngôi nhà của mình để đón Bác về ở và làm việc trong suốt 16 ngày đêm, từ ngày 13 - 19/12/1946. Dù đã gần 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Hà vẫn còn minh mẫn để kể cho tôi nghe từng chi tiết về những ngày gia đình bà được đón Bác về ở và làm việc.


Ngày ấy, ông Nguyễn Văn Dương, cha của bà Hà là một chủ thương hiệu lụa nổi tiếng, đã từng tham gia rất nhiều việc để phục vụ cách mạng. Vì thế, khi Bác nói rằng cần phải có một nơi ở tuyệt đối bí mật để làm việc và phải gần Hà Nội để thuận tiện đi lại, người giúp việc cho Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Ban công tác đội Trung ương, đã tìm đến Vạn Phúc, nơi có nhiều đồng chí trong Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ đã ở và làm việc trước đó. Khi đồng chí Trần Đăng Ninh trao đổi với đồng chí Phúc Khánh, từng là ủy viên Tỉnh ủy Hà Đông, cả hai đã quyết định chọn nhà ông Dương, nơi từng là cơ sở bí mật của nhiều cán bộ Trung ương trước đó.


“Tối 3/12/1946, khoảng hơn 18 giờ, khi ấy là mùa đông nên trời đã xẩm tối, có một chiếc xe con đi vào trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông, nơi dinh công sứ Pháp đóng ngày trước. Xe dừng lại và có 5 người bước xuống, tất cả lặng lẽ ra phía cổng sau, qua cầu Am rẽ vào Vạn Phúc. Có một người đi giữa, trang phục giống hệt những người cùng đi, đầu đội mũ cát, chân đi giày vải, khoác áo dạ dài, nhưng có khăn mùi xoa che miệng. Người đó là Bác, Bác đã không để lộ chòm râu”, “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc” đã ghi lại như vậy.


“Ngày Bác về nhà tôi ở và làm việc, tôi mới 8 tuổi, cũng chưa có nhiều sự tinh nhanh để chú ý hay quan sát. Nhưng tôi vẫn nhớ, có một hôm cha bảo anh em tôi dọn xuống tầng 1 để ở, nhường gác 2 cho các cán bộ cách mạng làm việc, thế là thời gian đó gia đình tôi sinh hoạt ở tầng dưới, vì bảo đảm bí mật nên ít khi lên gác trên. Ngày ấy, không ai biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở trong nhà tôi. Ngay cả cha tôi cũng không biết điều đó, chỉ “ngờ ngợ” nhưng không bao giờ dám nói ra. Chỉ có một lần anh trai tôi kể lại rằng, anh nhớ ra mình để quên chiếc bút trên tầng 2 và chạy lên lấy, thì nhìn thấy một người mặc bộ quần áo kaki giản dị, tay cầm điếu thuốc đang đi đi lại lại quanh căn phòng và trầm ngâm suy nghĩ, khi anh khoanh tay chào thì người đó mỉm cười rất hiền từ, nụ cười mà anh tôi nhớ mãi, cho đến mãi sau này mới biết mình đã vinh dự được gặp Bác Hồ”, bà Hà kể lại.


Những ngày Bác về Vạn Phúc làm việc là những ngày tình hình cách mạng cực kỳ căng thẳng, Bác hầu như không ngủ và cứ miệt mài làm việc, suy nghĩ. Những ngày này, Bác đang trăn trở để soạn thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và đã đưa ra để thông qua trong Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng mở rộng họp ngày 17 và 18/12, ngay tại nhà ông Dương.


Ngày 19/12, khi ta bác bỏ tối hậu thư của Pháp đòi Chính phủ ta trao quyền kiểm soát an ninh thành phố cho chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán: “Chỉ không đầy 24 giờ nữa, Pháp sẽ nổ súng” và Trung ương đã ra luôn chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”. Cũng ngày hôm đó, Bác đã quyết định rời khỏi Vạn Phúc. Tối 19/12, trước khi lên đường, Bác đã gặp gỡ chủ nhà và ngỏ lời cảm ơn ông Dương cùng gia đình đã giúp đỡ cán bộ của Trung ương.
“Lần đầu được nhìn thấy Bác, ngồi đối diện với Bác, bố tôi đã mạnh dạn hỏi Bác một câu: ‘Kính thưa cụ! Giặc Pháp mạnh, có tàu bay, có xe tăng, đại bác mà ta còn yếu thì đánh thế nào ạ?’. Bác nói: ‘Kháng chiến nhất định thắng lợi, còn thắng nhanh hay thắng chậm là do ta. Nếu nhân dân ta, ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có mạnh đến mấy, chúng cũng phải thua’. Trọn 16 ngày đêm Bác về ở và làm việc ở nhà tôi, sống cùng nhà, nhưng không ai hay biết, đến lúc Bác ra đi chúng tôi mới được tiết lộ, khi Người đã ra đến cổng thì tất cả mới chạy theo gọi với: Bác ơi! Bác ơi!”, bà Nguyễn Thị Hà rưng rưng xúc động kể lại.


Ngay sau khi Bác rời khỏi Vạn Phúc, ngày 20/12, trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, như một bài “hịch” kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc.


Không chỉ gia đình ông Nguyễn Văn Dương, quê lụa cũng đầy tự hào với niềm vinh dự được đón Bác về làm việc, tự hào là nơi gắn với nhiều dấu ấn của lịch sử đấu tranh cách mạng. Với bề dày lịch sử, Vạn Phúc là mảnh đất luôn kiên cường trong tranh đấu, và ngày nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nơi đây đã trở thành trung tâm của quận Hà Đông với đời sống kinh tế ổn định, làng nghề phát triển. Doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỉ đồng nhờ uy tín của thương hiệu lụa Vạn Phúc đã bao đời nay. Lụa Vạn Phúc đi qua chiến tranh không đứt đoạt, nó vẫn nối dài cho tới ngày nay như một nét đẹp của mảnh đất anh hùng trong kháng chiến.

 

Bài và ảnh: Tạ Nguyên

Làng văn hóa du lịch - lịch sử
Làng văn hóa du lịch - lịch sử

Với gần 20 điểm di tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống còn được lưu truyền, đồng bào Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) luôn tự hào về ngôi làng của mình. Làng Tân Lập năm 1945 được biết đến là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN