Nỗi niềm với biển

Khi bãi tắm Hạ Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) dần trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, được quan tâm đầu tư phát triển thì các hàng quán buôn bán, kinh doanh trong các lều bạt tại khu vực bãi biển cũng được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có hướng giải quyết phù hợp.

Tuy nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện đầy nỗi niềm của các bà, các cô, các chị đã bao nhiêu năm mưu sinh với biển…

Chật vật mưu sinh

Mỗi buổi sáng, khi cái nắng hè bắt đầu chiếu rọi những tia nắng lung linh lên mặt biển đang tung tóe bọt sóng thì cũng là lúc công việc mưu sinh cho một ngày của năm chị em nhà bà Trần Thị Hay (68 tuổi, thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu. Đã bao nhiêu năm kể từ khi những vị khách du lịch đầu tiên đặt chân đến bãi tắm Hạ Thanh này thì cũng bấy nhiêu năm bà Hay gắn bó với việc kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các lều bạt che tạm tại khu vực bãi cát trên bờ biển.

Hầu hết các chị em phụ nữ buôn bán, kinh doanh trong các lều bạt che tạm tại bãi tắm Hạ Thanh đều không có công việc ổn định.

Bà Hay cũng chất chứa nhiều cảm xúc khi bãi tắm dần trở thành một địa điểm du lịch hiện đại. Vừa tự hào vì quê hương mình ngày càng phát triển, bà vừa lo lắng khi những vị khách đến với lều bạt của bà thưa dần. Đã có nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng mọc lên tại bãi tắm này từ mấy năm gần đây. Và dĩ nhiên, với nhu cầu ngày càng “sang” hơn, các hàng quán này luôn “ăn nên làm ra”. Trong khi đó, các lều bạt tạm như của bà Hay luôn phải chật vật mưu sinh từng ngày.

Bà Hay tâm sự, năm 2014, khi Quảng trường biển Hạ Thanh được triển khai xây dựng, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân kinh doanh, buôn bán trong các lều bạt tạm như bà dịch chuyển sang 20 m để nhường “mặt tiền” nhìn ra phía biển cho công trình này. Đến đầu năm 2016, các hộ dân này lại phải tiếp tục dịch chuyển đến một nơi khác cách xa vị trí cũ hơn 30 m khi một nhà hàng được xây dựng ngay khu vực phía trên đó. Và như vậy, vị trí hiện tại của tổ kinh doanh lều bạt tạm này (hầu hết là lao động nữ) nằm cách trung tâm bãi tắm hơn 50 m về phía bắc theo bờ biển.

Gần 70 chị em buôn bán đồng ý kinh doanh với một hình thức mới để đảm bảo trật tự. Có từ bốn đến năm chị chia thành một nhóm để “cùng làm cùng ăn” trong một lều. Các lều cũng phải thực hiện không tranh giành, chèo kéo khách để đảm bảo tính văn minh cho bãi tắm. Bà Hay cùng với bốn cô em gái của mình bây giờ không chỉ là người một nhà mà còn trở thành “người một lều” để cùng nhau mưu sinh. Bà cho biết, buôn bán ở lều bạt tạm tại bãi biển vô cùng khó khăn. Phải nấu nướng nhờ một hàng quán phía trên hoặc lấy các món ăn đã chế biến sẵn của các hàng quán khác để bán lại cho khách rồi ăn chia theo phần trăm. “Khi đông khách, năm chị em tôi thu nhập mỗi ngày được trên 100 nghìn đồng/người. Nhưng có những ngày ế khách, mỗi người chỉ được vài chục nghìn đồng” - bà Hay nói.

Năm chị em nhà bà Hay, trong đó có bốn chị em ruột và một cô em họ, tất cả đều đã lớn tuổi, như chị Trần Thị Phụng là ít tuổi nhất nhưng cũng đã 54 tuổi. Những người phụ nữ làng biển này cùng chung nước da ngăm đen vì nắng gió. Và ở họ còn cùng chung những số phận bất hạnh. Chị Phụng kể rằng, chồng của chị và chồng của các chị mình trước đây đều là những ngư dân bao đời làm biển. Nhưng đến khi sức khỏe yếu đi lại sinh ra lắm bệnh tật. Có người gãy chân, người bị mù lòa, người bị đau tim không đủ sức khỏe để lao động được nữa. Vậy nên dù tuổi già nhưng các bà cũng chưa thể có cuộc sống an nhàn mà phải tiếp tục mưu sinh để có cái ăn, cái mặc.

Viết tiếp ước mơ

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), lại có người mẹ ruột đang buôn bán trong các lều bạt che tạm tại bãi tắm Hạ Thanh, em Đỗ Thị Hiệp (SN 1995) bắt đầu hành trang bước vào trường Đại học Quảng Nam để theo học khoa Văn hóa - Du lịch với ước mơ sau này sẽ giúp cho mẹ mình kinh doanh, buôn bán, phục vụ khách du lịch tại bãi biển được tốt hơn. Trong thời gian theo học, em cùng một số bạn trong lớp lập thành một nhóm chuyên nghiên cứu, tìm ra các cách thức kinh doanh, buôn bán hiệu quả cho các lều bạt che tạm tại bãi tắm Hạ Thanh. Hiệp cho rằng, hiện nay, các lều bạt ở đây vì được làm một cách tự phát, tùy tiện nên trông rất nhếch nhác, không thu hút được khách.

Bên cạnh đó, cách mời và phục vụ khách của các chị em ở đây cũng chưa được chuyên nghiệp. Chính vì vậy, em đề xuất các thành viên trong mỗi hàng quán cần phải thiết kế cho mình một bộ đồng phục riêng để tạo được ấn tượng với khách. Bên cạnh đó, hiện nay khu vực các lều bạt che tạm nằm khá xa khu vực bãi tắm nên một số khách sẽ không nhận ra sự có mặt của loại hình kinh doanh này. Vì thế, mỗi lều cần làm các bảng chỉ dẫn và biển hiệu để thu hút được khách. Các lều hiện nay đang sử dụng những tấm bạt để che chắn gây mất mỹ quan nên cần dùng các vật liệu khác như lá dừa để thay thế, tạo cảm giác mát mẻ và thân thiện với thiên nhiên hơn. “Để tạo được điểm nhấn tại khu vực này, chúng ta cũng có thể tận dụng các ghe thuyền cũ để đặt vào đó những bộ bàn ghế cho khách ngồi. Đồng thời treo các vật dụng ngư lưới cụ để khách tham quan tìm hiểu thêm. “Em nghĩ nếu tạo được ấn tượng mạnh, không những sẽ giữ chân được khách du lịch mà còn có thể làm cho họ đến thêm nhiều lần nữa” - Hiệp cho biết.

Em Trương Công Thảo (thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam học cùng lớp với Hiệp) cho rằng, nếu như du lịch Tam Thanh phát triển sẽ vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương vừa đảm bảo sinh kế cho người dân. Vì thế, em đề xuất nên có những giải pháp để quy hoạch lại khu vực buôn bán, kinh doanh trên bờ biển. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân buôn bán, kinh doanh trong các lều bạt tạm nơi đây, bởi đa số họ là những người phụ nữ nghèo, không có công việc ổn định.

Thảo nói: “Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng chèo kéo khách của một số hộ buôn bán, kinh doanh đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch xã biển Tam Thanh. Tập trung chủ yếu là các hộ dân buôn bán trong các lều tạm. Do vậy, cần phải tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để giúp cho các cô, các chị hiểu được việc mình chèo kéo khách sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc buôn bán, kinh doanh chung. Qua đó, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết để họ có thể thu hút được khách du lịch một cách văn minh, lịch sự”.

Dù chỉ là những sinh viên năm thứ hai và chặng đường phía trước của hai em Hiệp và Thảo vẫn còn dài nhưng tin rằng, với tình yêu dành cho những con người quê biển, các em sẽ viết nên những trang mới tươi đẹp hơn cho cuộc sống quê hương mình.
Bài và ảnh: Tường Quân
Hợp tác phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên
Hợp tác phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên

Liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương là mục tiêu nhằm tăng trưởng du lịch vùng một cách bền vững của từng địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN