Nỗ lực để cấp nước sạch cho ngoại thành

Theo kế hoạch, năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành việc cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho dân cư khu vực quận Gò Vấp, Tân Phú, 12, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Dù vậy, tại thời điểm hiện nay, người dân vùng ven vẫn phải sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn giếng khoan, nước kênh, rạch…

Nguồn nước ngầm ô nhiễm

Chị Kim Thoa, một người dân tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho biết, mặc dù sống trong khu vực gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, cả môi trường sống lẫn nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng rất nhiều hộ dân nơi đây vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, thậm chí dùng làm nước uống hàng ngày. Giếng khoan của gia đình chị mặc dù khoan khá sâu nhưng càng về sau này, nước bơm lên không thể sử dụng được vì khi cho vào xô, nước lắng một lớp dày bùn nhuyễn như phù sa.

Công ty Cấp nước TP triển khai lắp các bồn chứa nước để cung cấp nước sạch cho người dân vùng ven.


Những người dân khu vực này cũng chia sẻ, phần lớn các giếng khoan dù chưa làm xét nghiệm, nhưng nếu chỉ nhìn bằng mắt cũng có thể thấy chất lượng nước được bơm lên từ giếng không đủ tiêu chuẩn để có thể dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ có những hộ dân có điều kiện mới có thể lắp nước máy để sinh hoạt và mua nước bình để uống. Những hộ chưa có nước máy thì phải đi xin hoặc mua thêm nước máy để dùng kèm với nước giếng.

Tình trạng người dân phải dùng nước giếng khoan, thậm chí nước bơm từ kênh rạch vẫn khá phổ biến tại các vùng ven, vùng ngoại thành. Bà Lan, người dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cho biết, hiện nay khu vực này vẫn chưa có nguồn nước máy nên gia đình bà nhiều năm qua phải sử dụng nước giếng khoan. Những năm trước nước giếng còn trong, thời gian gần đây nước đã bị nhiễm phèn. Nước lấy lên để chừng nửa tiếng đồng hồ là chuyển sang màu vàng, tắm rửa bị ngứa nên gia đình bà phải mua nước bình về để uống và nấu ăn, rất tốn kém. Ông Cư, ở tổ 5, khu phố Long Đại, phường Long Phước, quận 9 cũng cho biết, bà con ở đây chủ yếu vẫn bơm nước từ sông, rạch và chứa nước mưa để dùng sinh hoạt.

Ông Trần Ngọc Dung, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh cho biết: Toàn xã hiện có 4.200 hộ dân, hệ thống ống cấp nước trên địa bàn quá cũ nên không còn cung cấp đủ nguồn nước cho người dân. Vì vậy, đa số bà con phải tự khoan giếng và chấp nhận sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh. Trước tình trạng này, địa phương đã có kiến nghị với Công ty Cấp nước thành phố để triển khai xây dựng hệ thống giếng khoan ở ấp 4, khai thác nước để cung cấp cho người dân. Tuy nhiên dự án này cũng đang trong quá trình khảo sát. Để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu nước sinh hoạt hiện nay, xã đã phối hợp với Công ty Cấp nước thành phố lắp các hệ thống bồn chứa ở các khu vực đông dân cư để cung cấp nước sinh hoạt cho bà con.

Thực hiện chính sách xã hội hóa

Theo báo cáo của các ngành chức năng, tính đến thời điểm hiện nay, thành phố có khoảng 317.000 hộ dân chưa được cung cấp nước sạch, trong đó khu vực nông thôn chiếm khoảng 240.000 hộ tập trung chủ yếu tại 15 xã của các huyện Bình Chánh (78.046 hộ), 11 xã của huyện Hóc Môn (69.039 hộ) và 20 xã của huyện Củ Chi (93.200 hộ)... Theo kế hoạch, năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành việc cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho 1.935 hộ thuộc quận Gò Vấp, 748 hộ thuộc quận Tân Phú, 68.556 hộ thuộc quận 12, 19.345 hộ thuộc quận Bình Tân, 78.624 hộ thuộc huyện Bình Chánh và 69.852 hộ thuộc huyện Hóc Môn.

Dù vậy, thực tế khảo sát mới đây của lãnh đạo thành phố cho thấy, kết quả báo cáo thực hiện của các ngành chức năng chưa hoàn toàn sát với thực tế. Vì rằng, nếu căn cứ báo cáo thì hiện nay đã có 98% hộ dân thành phố đã được cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, kết quả giám sát của HĐND thành phố mới đây cho thấy, riêng huyện Hóc Môn, tính đến tháng 4/2015, chỉ 9.270/85.309 hộ dân tại địa bàn huyện được cấp nước sạch (chiếm 10,87%). Trong đó, có những xã có tỷ lệ được cấp nước sạch rất thấp, như: Thới Tam Thôn (2,13%), Tân Hiệp (3,05%), Tân Xuân (5,09%)... Toàn huyện có hơn 85.000 giếng khoan, cuối năm 2014 đã kiểm định 229 mẫu nước nhưng chỉ có 2 mẫu đạt chuẩn loại 2 (chỉ sử dụng tắm, giặt). Hoặc tại huyện Bình Chánh, dù kết quả báo cáo cho thấy có hơn 148.700 hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong đó chỉ có gần 46% được sử dụng nước sạch, còn lại là sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngoài ra người dân phải sử dụng 44.000 giếng khoan mà phần lớn chưa được kiểm tra chất lượng nước.

Từ kết quả thực tế công tác giám sát trên địa bàn, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND thành phố, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đối với sở ban, ngành, quận, huyện rà soát, kiểm tra chất lượng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân trên địa bàn. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước cho vùng ngoại thành theo kế hoạch đã đề ra, thành phố cũng đã có chủ trương xã hội hóa cấp nước nông thôn, cụ thể như việc đồng ý cho Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn làm chủ đầu tư thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước và phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi, dự kiến sẽ hoàn thành hệ thống cung cấp nước sạch (gắn đồng hồ riêng đến từng nhà dân), nước hợp vệ sinh cho 100% hộ dân trên địa bàn huyện vào cuối năm 2019.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) mua lại 65% cổ phần của Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tân Hòa (cấp nước các quận Tân Bình, Tân Phú) thực hiện chủ trương thí điểm xã hội hóa cấp nước trên địa bàn thành phố. Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, mục tiêu phấn đấu của ngành cấp nước năm 2015 là bảo đảm cho 100% số hộ dân thành phố có nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh sử dụng. Thành phố đã cổ phần hóa nhiều đơn vị cấp nước, song vẫn chưa đủ động lực để thu hút thêm nguồn lực đầu tư cũng như động lực để phát triển kinh doanh... Chính vì vậy, sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn hy vọng sẽ là động lực lớn cho ngành cấp nước thành phố phát triển, nhất là trong việc chống thất thoát nước.

Lê Hiền
Tìm nước sạch cho vùng núi Phú Yên
Tìm nước sạch cho vùng núi Phú Yên

Tình trạng nắng nóng diễn ra trên diện rộng ở tỉnh Phú Yên đã làm nhiều công trình nước sạch không phát huy hiệu quả, khiến cho hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nhất là vùng miền núi, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN