Ngày Tết nói chuyện lì xì

Trẻ con mong đợi Tết từng ngày, từng giờ, bởi Tết đến, chúng được đi chơi thỏa thích, được bố mẹ đưa về nội, ngoại cùng nhiều nơi khác và vui thích nhất là được nhận tiền lì xì (mừng tuổi).

Sắp đến Tết, trẻ thường được mẹ mua cho con lợn đất có một khe nhỏ trên lưng và chiếc ví nho nhỏ có dây quàng qua cổ để bỏ tiền lì xì. Ngày Tết, khách đến nhà ít ai quên lì xì cho trẻ. Nhiều em còn được bố mẹ dắt đi chúc Tết và cũng nhận được tiền lì xì.


Các em đưa tay đón nhận với sự hồi hộp mừng vui khôn xiết. Các em run run nói câu cảm ơn mà cha mẹ đã dạy nhiều lần nhưng miệng cứ lắp bắp không nói nên lời.

Ảnh minh họa.

Ngày Tết, lì xì tiền cho trẻ là một phong tục đẹp của người Việt từ bao đời nay. Lì xì trẻ trong dịp đầu năm mới chính là một sự quan tâm chăm sóc, động viên nhắc nhở trẻ chăm chỉ học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi. Lì xì trẻ năm mới thể hiện cụ thể tinh thần toàn xã hội cưu mang, đùm bọc trẻ em, “dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”. Tiền lì xì không cần nhiều, nhưng thường là những đồng tiền mới. Có thể cầm tiền lì xì, cũng có thể chuẩn bị sẵn tiền trong những chiếc bì đỏ xinh xắn để lì xì.

Hằng ngày, trẻ em đem tiền lì xì bỏ vào con lợn đất với biết bao niềm hân hoan thích thú. Sau Tết, các em “mổ lợn ra” với cảm giác nôn nao, vui sướng. Các em sắp xếp lại những đồng tiền ấy trong sự vui thích khôn cùng.


Các em sẽ nhờ cha mẹ, anh chị hoặc tự mình đi mua một vài đồ vật mà các em hằng ao ước, đỡ cho gia đình một khoản tiền không nhỏ. Nếu là gia đình nghèo khó thì giá trị lại càng tăng lên rất nhiều. Không ít trẻ em con nhà nghèo đã dùng tiền lì xì để may áo, may quần hoặc mua quyển sách, cây bút, chiếc cặp mới...

Lì xì cho trẻ ngày Tết là một phong tục hay, một nét đẹp văn hóa, thể hiện rõ tình thương yêu, quý mến trẻ. Đáng tiếc, phong tục này bây giờ đã có những biến tướng, méo mó, lạm dụng, làm giảm đi ý nghĩa rất nhiều. Đó là tình trạng mượn cớ lì xì cho trẻ để thực hiện sự nịnh nọt với cấp trên, sự ban ơn với cấp dưới, sự móc ngoặc trong mánh mung, phe phái, bè cánh...


Sếp càng lớn thì con của sếp càng được lì xì nhiều. Bố mẹ càng giàu thì con cái càng được lì xì những tờ tiền lớn. Nhiều bà mẹ khi khách vừa ra về đã gọi giật con lại mà hỏi “Ông ấy lì xì mày bao nhiêu?”. Không ít ông bố “trấn lột” tiền lì xì của con để đi đánh bạc... Những điều đó đã làm hoen ố tâm hồn con trẻ, làm cho con mình chỉ chăm chú đến tiền lì xì khi có khách tới nhà mà không hề để ý tới chuyện chào hỏi, thưa gửi.

Đã có những đứa trẻ khi khách đến chơi nhà cứ chăm chăm đứng chờ tiền lì xì, và khi khách vừa lì xì xong đã reo lên hớn hở nếu được nhiều tiền, hoặc nhăn mặt bĩu môi khi khách cho ít.


Có trường hợp khách vừa lì xì xong, đứa trẻ đã cầm tờ tiền chạy xuống bếp, lu loa với mẹ: “Chỉ được hai mươi nghìn mẹ ạ!”. Có đứa trẻ nọ vừa nhận phong bao đã chạy ra trước ngõ, oang oang nói với đứa bạn hàng xóm: “Hôm qua, bố tao lì xì mày năm chục, mà hôm nay bố mày lì xì tao có ba chục”...


Nhiều trẻ em con nhà giàu, con các vị sếp lớn toàn nhận tiền lì xì bằng tờ năm trăm nghìn đồng. Chúng lại dùng tiền ấy chơi bời, phung phí, không trân trọng giá trị của đồng tiền và sau Tết là học hành giảm sút trông thấy.

Còn biết bao chuyện đáng buồn, đáng cảnh báo trong việc lì xì Tết cho trẻ em mà các bậc làm cha, làm mẹ cần phải điều chỉnh kịp thời.

Lê Ngự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN