Mưa lũ trái mùa gây thiệt hại nặng tại Quảng Ngãi

Theo thống kê ban đầu, tính đến 17 giờ ngày 27/3, mưa lũ trái mùa đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa và hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.


Điểm sạt lở núi nặng trên tuyến đường giao thông huyết mạch Ba Bích- Ba Nam. Ảnh: Sỹ Thắng- TTXVN


Tại huyện Sơn Hà, mưa lũ làm 1 nhà chính bị sập và 1 nhà phụ bị cuốn trôi và làm sạt lở bờ sông, núi gây ảnh hưởng đến 12 ngôi nhà của các hộ dân trên địa bàn huyện. Tại huyện Ba Tơ, mưa lũ cũng gây ngập lụt một số nhà tại xã Ba Cung và gây nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Về nông nghiệp, toàn tỉnh có 782 ha lúa bị ngập úng. Trong đó, huyện Mộ Đức bị nặng nhất, có tới 310 ha lúa bị ngập, tiếp đến là huyện Nghĩa Hành với 91,5 ha lúa bị ngập. Mưa lũ cũng đã làm ngập úng 45,9 ha ngô, 9 ha sắn và làm hư hỏng gần 32 ha rau, màu.


Các tuyến đường quan trọng như tuyến Quốc lộ 24 đã xảy ra nhiều điểm sạt lở tại đèo Vi Ô Lắc, cống ngầm tại xã Ba Liên (huyện Ba Tơ); tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng, tuyến Ba Tơ - Ba Bích - Ba Nam (huyện Ba Tơ) bị hư hỏng tại 37 vị trí. Hiện tuyến đường này người dân chỉ có thể đi bộ. Tuyến Ba Tơ - Ba Trang (huyện Ba Tơ) bị sạt lở tại vị trí Làng Treo với chiều dài khoảng 10m; 1 cầu tạm bị cuốn trôi tại huyện Nghĩa Hành.


Mưa lũ cũng làm sạt lở khoảng 250m tại khu vực Hàng Gòn (sông Rin), thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà. Hiện tại khu vực Đồi Ráy (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) có nguy cơ cao sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 6 hộ dân.


Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp đến các huyện Ba Tơ, Sơn Hà kiểm tra tình hình mưa, lũ và chỉ đạo biện pháp phòng, tránh, khắc phục.


Do ảnh hưởng của nhiễu động đới gió Đông trên cao, kết hợp không khí lạnh nên từ ngày 24 đến 27/3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được từ ngày 24 đến 27/3 tại các trạm khu vực miền núi của tỉnh ở mức 400 – 500 mm, cá biệt tại Trạm Giá Vực, huyện Ba Tơ có tổng lượng mưa đến 514 mm; khu vực đồng bằng có tổng lượng mưa phổ biến từ 80 – 150 mm. Mưa còn tiếp diễn, các khu vực miền núi có mưa to đến rất to, khu vực đồng bằng có mưa vừa đến mưa to.


* Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn đã làm hơn 50 ngôi nhà bị ngập, sạt lở một ngôi nhà. Một số tuyến đường từ huyện đi các xã bị chia cắt như khu vực cầu khe Rinh, cầu Mu Rùa, cầu Xưởng cưa. Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện nước vẫn còn ngập từ 1,5 - 2m nước, một số thôn bị cô lập hoàn toàn.


Mưa lớn cũng đã làm sạt tuyến đường Nông Sơn đi Đại Bình, Quế Phước đi Quế Lâm với khoảng 180m3 đất đá. Nước sông dâng cao làm hư hại hơn 120ha cây ngô và rau màu các loại, 150 ha cây lúa vụ Đông Xuân. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng hơn 7 tỷ đồng. Xã Quế Trung là nơi bị sạt lở nặng của huyện Nông Sơn.


Ông Hoàng Công Tám, ở thôn Trung Hạ, xã Quế Trung cho biết: Khoảng 13 giờ ngày 27/3, gia đình ông nghe thấy một tiếng rắc, khi ông chạy ra thì khu nhà bếp đã trôi xuống sông Thu Bồn. Toàn bộ bờ kè gần khu nhà ông cũng bị cuốn xuống sông, một phần khu nhà ngang cũng bắt đầu bị nứt.


Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn: Nguy cơ sạt lở đất và nhà vẫn tiếp tục đe dọa những hộ dân xã Quế Trung. Huyện đã cử các đoàn đi kiểm tra, vận động người dân di dời tài sản đến nơi an toàn đồng thời gắn các biển báo ở một số điểm sạt lở trên các tuyến giao thông.


Do chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên những ngày qua trên địa bàn huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam có mưa trên diện rộng, đặc biệt là từ tối 26 và đến chiều 27/3 mưa rất to. Lượng nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về đã làm cho nhiều nhà dân và phần lớn diện tích lúa đông xuân, hoa màu các loại chìm trong nước.


Đỗ Trưởng - Huỳnh Sơn

Cuối tuần Bắc Bộ mưa rào
Cuối tuần Bắc Bộ mưa rào

Đến cuối tuần này các tỉnh miền Bắc vẫn còn mưa, có nơi mưa rào và dông. Khu vực Trung Bộ có nơi mưa to nên có nguy cơ sạt lở vùng núi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN