Liều mình cứu người giữa dòng thác dữ

Thấy các em nhỏ đang đi ở giữa dòng sông, bỗng nước lũ bất ngờ đổ về, hai anh em họ, Hoàng Văn Niên và Lều Văn Ương vội lao ra cứu vớt. Do dòng nước xoáy mạnh nên chỉ cứu được sáu em, còn một em bị nước cuốn đi mất. 


Hoàng Văn Niên và Lều Văn Ương ở bản Hỳ, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) làm nghề hút cát bên đoạn sông này được hơn 3 năm. Đứng bờ sông nơi xảy ra tai nạn, Hoàng Văn Niên đăm chiêu, nhìn về phía dòng sông dữ cuốn trôi em gái Sùng Thị Dở mất tích mà đau lòng.

 

Ngày thứ ba, tìm kiếm vẫn chưa thấy em học sinh Sùng Thị Dở, 10 tuổi, học sinh lớp 4, dân tộc Mông ở bản Noong Quoài mất tích. Hoàng Văn Niên hôm nào cũng có mặt để tìm kiếm, anh kể: “Từ khi nhà máy thủy điện Bản Chát bước vào phát điện, mùa khô nước xả ít còn mùa mưa nước thường xả nhiều hơn. Thường ngày, cứ đúng khoảng 8 giờ sáng là nước đã về đến khúc sông này, lúc đó anh em tôi cũng thu máy gần bờ hơn. Hôm đó tôi thấy lạ, gần 10 giờ mà vẫn chưa thấy nước đổ về. Chuẩn bị thu dọn đồ để nghỉ, tôi thấy một nhóm học sinh người dân tộc Mông lội qua sông, nước chỉ ngập quá đấu gối. Nghe thấy nước đổ về, tôi cố gọi các cháu quay lại bờ nhưng không còn kịp nữa”.

 

Anh Hoàng Văn Niên chỉ nơi xảy ra vụ việc thương tâm.


Không ngại nguy hiểm, Hoàng Văn Niên và Lều Văn Ương liền lao xuống giữa vòng xoáy vớt từng em lên bờ. Nước thượng nguồn đổ về quá bất ngờ cộng với lưu lượng lớn nên dòng sông chảy xiết. Sau khi đưa được mấy em vào bờ, Niên liền quay ra cứu em Sùng Thị Dở (nạn nhân mất tích) nhưng em đã bị nước cuốn mất. Niên nghẹn ngào cho biết: “Thương cháu nó lắm nhưng không làm sao cứu được em Dở. Đoạn thác Song Pa này nhiều đá to, khi tôi lao ra, nhiều em do sợ hãi nên ghì cổ dìm tôi xuống dòng nước. Tôi bình tĩnh đẩy ra, rồi nắm tay kéo vào bờ. Khi quay lại để cứu em còn lại nhưng không kịp, em bị nước cuốn trôi và vùi vào dòng nước xoáy”.

 

Niên lắc đầu nói: “Chỉ tiếc là không thể cứu được hết tất cả các em. Mong rằng công tác tuyên truyền cho nhân dân khi qua sông, đặc biệt em nhỏ được quan tâm hơn nữa để tránh tình trạng xảy ra vụ việc tương tự”.

 

“Lúc nước đổ về mạnh quá, anh em chúng tôi đã cố hết sức nhưng không cứu hết được. Em Dở ở phía xa, nước chảy xiết nên cuốn phăng em đi, bơi ra mà không thấy em nữa. Không cứu được em, tôi thấy buồn nhưng…”, anh Lều Văn Ương nghẹn lời kể.

 

Vợ ông Sùng Súa Gia, bà Thào Thị La, bố mẹ Dở khóc lóc, cùng với người nhà đi dọc sông để tìm con. Ông bà nói: “Không biết giờ nó đang nằm chỗ nào, có khi lại trôi theo dòng sông đi xa. Rồi mai này, tôi sẽ sống như thế nào, nó là con gái út. Bây giờ tôi chỉ mong tìm thấy xác để an táng cho yên lòng”.

 

Sáu em được cứu vớt, giáo viên Trường DTBT Tiểu học số 1, xã Ta Gia chăm sóc, động viên nên hiện tinh thần ổn định và mạnh khỏe, lên lớp học bình thường. Thầy giáo Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chiều thứ 6 hàng tuần, các em học sinh bản Noong Quoài xin phép thầy cô giáo về thăm nhà, chiều chủ nhật quay về trường để thứ hai bắt đầu một tuần học mới. Nhà trường đã hỗ trợ tiền đi đò cho 16 học sinh ở bản Noong Quoài và Ngân hàng VietinBank hỗ trợ cặp phao, do đường xa nên các em ngại mang theo nên mới xảy ra việc đau lòng này. Đây là bài học cho sự chủ quan, tự ý vượt sông của các em học sinh nói riêng và nhân dân nói chung”.


Việt Hoàng


 

 

 

Học sinh bị cuốn trôi sông ở Lai Châu không phải do thủy điện xả lũ bất ngờ
Học sinh bị cuốn trôi sông ở Lai Châu không phải do thủy điện xả lũ bất ngờ

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Phòng chống lũ bão huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, khẳng định: Nguyên nhân khiến 7 học sinh ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, bị trôi sông, một em đang mất tích là do tai nạn rủi ro khi đi qua sông, qua suối...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN