Khó khăn trong quản lý đông dược ở Bình Thuận

Theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng kinh doanh đông dược trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã tới mức báo động. Nhiều loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc được bày bán đe dọa sức khỏe người bệnh.

Người dân Bình Thuận từ trước tới nay vẫn còn thói quen sử dụng thuốc theo cảm tính, thuốc tự tạo không rõ nguồn gốc. Thói quen này là “mảnh đất tốt” cho đông dược kém chất lượng lưu hành. Qua kiểm tra trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ đông dược kém chất lượng khá cao so với các loại thuốc khác. Thậm chí còn có cả thuốc đông dược giả. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 327 điểm kinh doanh và hơn 16 cơ sở điều trị có kho cấp phát thuốc. Tỷ lệ đông dược không đạt chất lượng trong 5 năm trở lại đây là 87,4%, trong khi tân dược không đạt chất lượng chỉ 12,6%. Bên cạnh đó còn có loại đông dược ngụy tạo tân dược đánh lừa người dùng về hiệu quả điều trị, có khả năng gây tai biến cho người sử dụng.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất đông dược trên địa bàn đều thuộc diện nhỏ lẻ, chưa được đầu tư nhiều về trang thiết bị, dây chuyền sản xuất còn thô sơ chưa đạt tiêu chuẩn, dược liệu không đồng nhất, không được bảo quản và xử lý an toàn, không đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm làm ra không đạt tiêu chí về chất lượng... Không những vậy, vì lợi nhuận, có nhà sản xuất còn cố ý đưa hóa chất trộn vào chế phẩm, nguy hiểm cho người sử dụng.

Nan
giải chuyện kiểm nghiệm

Trung tâm Kiểm nghiệm Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Y tế̉ kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống kinh doanh, sản xuất thuốc trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Trung tâm thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc theo tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam và tiêu chuẩn cơ sở các nhà sản xuất. Đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất thuốc từ nông thôn tới thành thị, đảm bảo thuốc đến tay người dùng có hiệu quả và an toàn.

Mặt khác, Sở Y tế Bình Thuận phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm soát nguồn nguyên liệu, thành phần dược liệu, bao bì, mẫu mã... trước khi đưa tới người dân. Bên cạnh đó củng cố quản lý, kiên quyết xử lý tình trạng bán chui, bán thúng đông dược tại các chợ, bến xe... Tuy nhiên, theo Sở Y tế Bình Thuận, vấn đề hiện nay là bên cạnh các biện pháp xử lý kiên quyết thì ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn thuốc không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường.

Theo các cơ quan chức năng, việc kiểm nghiệm chất lượng đông dược là một vấn đề nan giải bởi loại dược liệu này không có quy định hàm lượng các thành phần là bao nhiêu. Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh đông dược đã phát triển đến các vùng sâu, vùng xa nên việc thanh tra, giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm càng gặp nhiều khó khăn.

Hồng Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN