Kết hợp phòng ngừa với xử lý nghiêm vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động

Ngày 8/5, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sình lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại lễ phát động.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, nguồn nhân lực, người lao động có vai trò đặc biệt quan trọng trong mỗi cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và trong mỗi quốc gia. Do vậy, việc tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động là việc làm cần thiết, để không chỉ đảm bảo an toàn lao động cho chính bản thân họ, gia đình họ, mà còn góp phần bảo vệ nguồn nhân lực tốt nhất cho đơn vị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên toàn địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động, người lao động và nhà nước.

Các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, thực hiện các đề tài khoa học như: xây dựng mô hình sản xuất an toàn, tư vấn áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, các mô hình quản trị an toàn mới...; đặc biệt, đầu tư mạnh hơn cho công tác an toàn vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động. Các cấp chính quyền quan tâm lồng ghép nội dung an toàn vệ sinh lao động trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế và môi trường lao động.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành trong các hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động, nhất là các ngành, nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: xây dựng, điện, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Các cơ quan truyền thông, báo chí cùng góp sức thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân lao động, các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn cùng biết và hưởng ứng các hoạt động chung của Thành phố vì mục tiêu phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2024. 

Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố đã và đang thúc đẩy sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp cũng như kỹ thuật công nghệ mới. Do vậy, yêu cầu về công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đặt ra những thách thức mới, nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động chính là bảo vệ sự ổn định, bền vững và phát triển của doanh nghiệp...

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố, năm 2023 trên địa bàn Thành phố xảy ra 703 vụ tai nạn lao động (giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 44 vụ (giảm 45%). Tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: sản xuất giày dép (chiếm 21,62%), gia công sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại (chiếm 13,08%), may mặc (chiếm 8,53%)… Qua công tác điều tra, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao (20,45%). Nguyên nhân chủ yếu là vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân...

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Thực hiện hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động
Thực hiện hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động

Ngày 6/5, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN