Hoàn thiện khung pháp lý cho lao động giúp việc gia đình

Hôm qua (15/11), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn về lao động giúp việc gia đình: Nhận diện và định hướng chính sách. Với những đặc thù riêng, mặc dù lao động giúp việc gia đình chưa chính thức được nhìn nhận như một nghề, nhưng việc ban hành một nghị định về quản lý lao động giúp việc gia đình ở nước ta là việc cấp thiết.

Hai thiếu và những rắc rối Thiếu chuyên môn và thiếu quan hệ pháp lý đang là những đặc thù, cũng là những bất cập trong quan hệ giữa người giúp việc và người thuê lao động giúp việc. Thực tế đó không những gây thiệt thòi cho người lao động giúp việc mà còn gây không ít rắc rối ảnh hưởng đến cuộc sống của những gia đình thuê họ đến làm.

Thiếu chuyên môn, người giúp việc yếu thế



Mặc dù nhu cầu người lao động giúp việc tay nghề cao ngày càng lớn nhưng thực tế, những người giúp việc gia đình hiện nay đa số là lao động chưa qua đào tạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người giúp việc biết sử dụng các thiết bị thông dụng trong gia đình ở đô thị không cao. Chỉ có khoảng 19% người lao động biết sử dụng máy giặt; 6,7% người giúp việc biết sử dụng lò vi sóng... Tuy thời gian đầu khi mới về làm việc, họ cũng được chủ hướng dẫn nhưng tình trạng làm hư hỏng đồ dùng, thiết bị rất dễ xảy ra. Một số trường hợp họ phải bị trừ tiền công để bồi thường thiệt hại.

Bà Trần Thị Hồng, chuyên gia ở Viện Gia đình và Giới cho biết: “Điều này khiến chủ nhà không hài lòng, gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa người giúp việc và chủ”.

Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm người giúp việc gia đình không cần chuyên môn. Đa số cho rằng chỉ kinh nghiệm cũng đủ để làm giúp việc gia đình. Thực tế, nhiều lao động giúp việc gia đình chưa được đào tạo cơ bản để có thể thích ứng với những gia đình ở đô thị. Do đó, họ thiếu các kỹ năng chăm sóc các thành viên trong gia đình nhà chủ. Thiếu kỹ năng khiến họ yếu thế hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mức lương được trả và thái độ ứng xử của người chủ sử dụng lao động với người giúp việc.

Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên theo điều tra khảo sát ở Hà Nội, tỷ lệ người lao động có nhu cầu đào tạo nghề giúp việc rất ít. Kết quả nghiên cứu của một đề tài do Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện cho thấy, khi hỏi về nhu cầu đào tạo chuyên môn giúp việc gia đình, chỉ khoảng 54% số người được hỏi mong muốn được đào tạo. Không ít người cho rằng giúp việc gia đình rất đơn giản, những người có kinh nghiệm làm việc nhà, chăm sóc con cái và người già là có thể đảm nhận mà không cần đào tạo.

Theo bà Hồng, ở một chừng mực nào đó, trong chính sách quy định về quản lý đối với lao động giúp việc, cần có quy định đào tạo nghề, phải chú trọng hơn kỹ năng cơ bản cho người lao động để người lao động tự tin hơn, có những quyền lợi cần thiết khi làm việc.

Thiếu quan hệ pháp lý, khó cả đôi bên

Điều 139 trong Bộ luật Lao động đã quy định: Người được thuê mướn để giúp việc trong gia đình có thể giao kết hợp đồng bằng miệng hoặc bằng văn bản, nếu được thuê mướn để trông coi tài sản thì phải ký kết bằng văn bản. Thứ hai, người sử dụng lao động phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc.

Tuy nhiên, tỷ lệ ký hợp đồng lao động không nhiều, phần lớn là hợp đồng miệng nên thiếu các thỏa thuận cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của hai bên. Theo một đề tài nghiên cứu của Vụ Gia đình chỉ có 42,6% số người giúp việc cho biết họ có làm hợp đồng với người thuê mướn họ. Gần 60% số người lao động cho biết cả họ và chủ nhà đều thấy không cần thiết phải lập các bản hợp đồng này. Đối với những trường hợp có hợp đồng, phải đến gần 70% làm “hợp đồng miệng”. Thiếu hợp đồng bằng văn bản là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giúp việc có thể tự ý nghỉ việc, tự ý đòi tăng lương cũng như tình trạng chủ sử dụng lao động sẵn sàng cho người giúp việc nghỉ hẳn nếu họ không hài lòng.

Bên cạnh đó, loại hình công việc này chưa có quy định pháp lý rõ ràng, dẫn đến tình trạng thỏa thuận giữa hai bên không được thực hiện, chủ có thể cho người giúp việc nghỉ việc bất cứ lúc nào.

Nhiều ý kiến ái ngại, thiếu tính pháp lý sẽ dẫn đến người giúp việc thiệt thòi. Trong những trường hợp người lao động ốm đau, rất khó giải quyết. Những nghề như chăm sóc người già, người ốm, rất dễ xảy ra tình huống người già (người ốm) bị tai nạn hoặc bị đột tử, khi đó, người giúp việc có nguy cơ bị bạo hành, bị nghi ngờ oan... thì cơ chế nào để bảo vệ người giúp việc?

Thực tế cho thấy, do nhu cầu về người giúp việc hiện nay rất cao nên có lúc gây khó khăn cho người sử dụng lao động. Mặt khác, thời gian làm việc và mức tiền lương, tiền công của lao động giúp việc gia đình chủ yếu trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người giúp việc, chưa có quy chế trong việc quy định mức lương tối thiểu cũng như chưa có quy định trong việc tăng lương bao nhiêu. “Điều này dẫn đến việc có thể người giúp việc đòi tăng lương khi người ta cảm thấy nhu cầu giúp việc cao. Đôi khi, người chủ còn phải tuân theo yêu cầu của người giúp việc”, bà Hồng cho biết.

Với những bất cập trên, nhiều ý kiến đều cho rằng, nếu có quy định rõ ràng về mặt pháp lý thì cả người giúp việc gia đình và người thuê lao động giúp việc đều được hưởng lợi.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN