Đường Hồ Chí Minh tạo động lực cho Tây Nguyên: Ưu tiên đầu tư cho quốc lộ

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đã từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, dù đã được ưu tiên đầu tư nhưng hệ thống giao thông này vẫn còn nhiều hạn chế...


Kết nối các vùng trọng điểm


Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, từng bước khắc phục những khó khăn của vùng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xây dựng và trình Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cũng như kêu gọi các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trước hết là ưu tiên đầu tư các tuyến quốc lộ (QL) có tính đột phá, có vai trò động lực phát triển vùng, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14 cũ).

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Khánh Hòa, tháng 9/2014.


Đường Hồ Chí Minh chạy qua bốn tỉnh Tây Nguyên, gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông có chiều dài khoảng 663 km từ Đắk Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước). Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây là tuyến trục chính kết nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như với các khu vực duyên hải miền Trung thông qua các tuyến đường ngang như QL 24, 25, 19, 26, 27, 28 và QL 55.


Ngoài 110 km từ Đắk Giôn - Tân Cảnh (Kon Tum) đã hoàn thành giai đoạn 1, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp 553 km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước), với phương án, quy mô đầu tư toàn tuyến (đoạn ngoài đô thị) theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng cho hai làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ, với vận tốc 80 km/h.

Một số đoạn qua đô thị được mở rộng bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ, chủ yếu mở rộng hai bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn… Vốn đầu tư, gồm trái phiếu Chính phủ được bố trí giai đoạn 2012 - 2015 là 1.340 tỷ đồng và giai đoạn 2014 - 2016 là 10.000 tỷ đồng, huy động tối đa vốn ngoài ngân sách thông qua hình thức BOT là 5.830 tỷ đồng, với nguyên tắc các trạm thu phí được bố trí có khoảng cách theo đúng quy định của Nhà nước (trung bình khoảng 70 km), còn lại sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.


Hoàn thành vào cuối năm 2015


Các địa phương có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đã tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (cơ bản đã bàn giao xong mặt bằng) tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.  

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Ảnh: Tiên Minh


Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn đầu năm là mùa khô của Tây Nguyên, Bộ GTVT đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình các dự án đã được bố trí đủ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 để hoàn thành khoảng 132 km các đoạn qua đô thị của các tỉnh Tây Nguyên và đoạn từ Kon Tum - Pleiku (Gia Lai).

 

Hiện nay hệ thống đường bộ của vùng Tây Nguyên có chiều dài khoảng 32.220 km, trong đó, QL có tổng chiều dài trên 2.100 km, bao gồm 2 trục dọc đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ), QL 14C chạy dọc biên giới. Các tuyến đường ngang gồm QL 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40, 40B và QL55. Đường tỉnh lộ có độ dài khoảng 2.030 km, đường giao thông nông thôn dài trên 25.600 km… Các tỉnh Tây Nguyên còn có đường Trường Sơn Đông, dài khoảng 670 km đang được Bộ Quốc phòng đầu tư. Về hàng không, trên vùng Tây Nguyên có 3 cảng hàng không, gồm Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai).

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện sáu dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016, gồm các đoạn Km 444+ 400 Tân Cảnh - Km 478 Kon Tum, đoạn Km 607 + 600 - Km 678 + 734, đoạn Km 765 - Km 817 và cầu Sêrêpốk, đoạn Cây Chanh Km 887 + 200 - Cầu 38 Km 921 + 025, đoạn Đồng Xoài Km 970 + 600 - Km 994 + 188 và 14 cây cầu yếu trên tuyến, với chiều dài khoảng 210 km. Tổng mức vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tiếp tục khởi công thêm hai dự án (đoạn Cây Chanh - Cầu 38 và đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã khởi công từ năm 2013.


Hiện nay, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên, hầu hết các nhà thầu đã triển khai thi công tích cực trên công trường, đáp ứng được tiến độ của dự án. Công tác đào đắp nền đường đã cơ bản hoàn thành, một số nhà thầu đã triển khai thi công lớp thảm bê tông nhựa đường như Công ty Băng Dương, Hoàng Nam, Hoàng Lộc, Công ty Phát triển Nông thôn - Công ty 145 và Công ty Đông Hưng. Tuy nhiên, còn một số nhà thầu triển khai thi công chậm, không đáp ứng được tiến độ hoặc sử dụng nhà thầu phụ không đúng quy định, Bộ GTVT đã xử lý chấm dứt hợp đồng với Công ty Sông Hồng (gói thầu số 9 đoạn qua Đắk Lắk), cắt giảm khối lượng 3,8 km (gói thầu số 2 đoạn qua Đắk Lắk) của nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long chuyển cho các nhà thầu khác có đủ năng lực thực hiện thi công…


Đối với dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên huy động vốn đầu tư theo hình thức BOT, gồm 5 dự án (đoạn Pleiku Km 542 - Cầu 110 Km 607 + 850, đoạn 678 - Km 704, Km 734 + 600 - Km 765, Km 817 - Km 887, Km 921 + 025 - Km 962 + 331) có độ dài khoảng 208 km, với tổng mức đầu khoảng 5.830 tỷ đồng. Hiện nay, các nhà đầu tư đã huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.


Theo đánh giá của Bộ GTVT, với tiến độ triển khai thi công như hiện nay, dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) qua Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình phước) sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015 như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 13 Hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn Tây Nguyên.


 

Bài và ảnh: Quang Huy

Yêu cầu 5 tỉnh giải phóng mặt bằng QL1 và đường Hồ Chí Minh
Yêu cầu 5 tỉnh giải phóng mặt bằng QL1 và đường Hồ Chí Minh

Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ I và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN