Đuổi bóng ma “H” ở Vũ Tây

Cách đây 13 năm, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương vốn bình yên bỗng “dậy sóng” và trở thành “tiêu điểm” của tỉnh Thái Bình một cách… bất đắc dĩ. Cái tin “bão AIDS” giáng xuống trong sự ngỡ ngàng và đau xót với nhiều người dân nơi đây. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, các cấp chính quyền và người dân địa phương đã cùng nhau “đuổi” bóng ma HIV ra khỏi lũy tre làng và trả lại màu xanh cho sức sống mới…


Bão “H” đi qua và nỗi đau ở lại


Năm tháng lùi xa, nỗi đau cũng vơi dần nhưng với người dân xã Vũ Tây thì năm 1999 là một chuỗi những ký ức buồn. Với nguồn sống chủ yếu từ mỗi năm hai vụ lúa,Vũ Tây không có nghề phụ gì khác. Trong cái khốn khó ấy, nhiều đàn ông trong xã lập thành từng nhóm đi làm ăn tứ xứ với đủ các ngành nghề từ phu hồ, bốc vác đến lái xe, xẻ gỗ, đào than thổ phỉ để tăng thu nhập. Có lúc cao điểm cả xã gần 9.000 nhân khẩu thì có tới hơn 1.000 người đi làm ăn xa.


Cuộc sống xa gia đình, thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm nên nhiều người trong số họ đã rơi vào cái bẫy của “nàng tiên nâu”, một số lại sa đà vào quan hệ tình dục không lành mạnh với gái mại dâm, rồi cờ bạc, tiêm chích… Từ mục đích tốt đẹp là kiếm tiền nuôi gia đình, bỗng chốc họ trở thành những nạn nhân của các tệ nạn xã hội khi không giữ được mình trước những cám dỗ. Nguy hiểm hơn, họ không hề biết mình đã mang căn bệnh thế kỷ ấy và vô tình trong nhiều trường hợp đã gieo rắc cái án tử hình cho vợ, con và người thân trong gia đình.


Chị Bùi Thị Biển -Chủ nhiệm CLB “Vì Ngày mai tươi sáng” cùng các thành viên trong CLB với mô hình trồng nấm rơm.


Năm 1999, Vũ Tây phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên và sửng sốt hơn khi trong một đợt vận động được 28 người đi xét nghiệm đã có 25 người dương tính với HIV. “Cơn bão” HIV ập vào Vũ Tây khi kiến thức về căn bệnh thế kỷ này còn quá eo hẹp và tất nhiên người dân ngậm ngùi, xót xa đón nhận cái chết đã định sẵn, người thì cầu nguyện cho cơn bão ấy đừng “quét” qua gia đình mình.


Cuối năm 2004, chị Vũ Thị T. (xóm 6, xã Vũ Tây) hoảng hốt khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Tìm hiểu mãi thì chồng chị mới nói là trong thời gian đi làm bốc vác ở Điện Biên, Lai Châu anh đã tiêm chích ma túy. Không lâu sau, chị đưa con gái đi xét nghiệm với hy vọng cháu bé không mắc căn bệnh thế kỷ như của bố mẹ. Cuối cùng mọi sự hy vọng của chị đều sụp đổ khi nhận tờ kết quả…dương tính. Vậy là cái bóng ma HIV đã đeo bám, bủa vây cả gia đình chị, kèm theo nó là sự kỳ thị của chính những người thân trong gia đình và ngoài xã hội. Gia đình bé nhỏ ba con người cùng chung số phận, chung một căn bệnh nương tựa vào nhau sống cho qua ngày.


Chị chia sẻ thời gian đó chỉ có một suy nghĩ là tìm đến cái chết nhưng cứ nhìn thấy đứa con thơ dại mới chưa tròn 3 tuổi mà chị lại không cầm lòng. Đứa trẻ không có tội và nó cũng chưa biết tới 3 chữ cái HIV ghép lại lại có thể cướp đi tất cả gia đình như thế. Nghĩ vậy chị lại cố sống tiếp. Đến nay, con gái chị cũng là cháu bé duy nhất của xã Vũ Tây bị nhiễm HIV từ bố mẹ còn sống. Ánh mắt ngây thơ của cô con gái năm nay đã học lớp 5 như một nỗi đau thương với chị T. Chị kể, không riêng gì gia đình chị, trong xóm 6 này có 3 cặp vợ chồng cùng có “H”, và hơn 10 cặp có vợ hoặc chồng nhiễm và đã chết.


Cách nhà chị T. không xa, gia đình bà H. có 3 người con, 2 người con trai và 1 người con gái. Đáng lẽ ở cái tuổi lục tuần, bà sẽ được nghỉ ngơi dưỡng già, vui vầy bên con cháu, trái lại bà H. vẫn cảnh côi cút một thân một mình. “Bão” AIDS đã cướp đi của bà cả hai người con trai kéo theo hai cô con dâu tuổi mới ngoài 30 mang trong mình mầm bệnh.


Chung tay “đuổi” bóng ma “H”


Liên tục từ năm 2000 đến năm 2005, mỗi năm Vũ Tây phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mới từ nhiều con đường khác nhau. Gần 75% số người nhiễm HIV là do tiêm chích ma tuý, 24% lây truyền HIV qua con đường tình dục và 1% lây truyền từ mẹ sang con. Cao nhất là năm 2003, phát hiện được 36 trường hợp nhiễm mới. Từ đó, chính quyền xã đã xác định nếu không đẩy lùi được sự lây lan đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng thì Vũ Tây sẽ không thể phát triển được.


Việc phòng, chống HIV/AIDS đã “đi” vào nghị quyết của xã với quyết tâm cao nhất là ngăn chặn đại dịch lây lan. Bắt đầu từ việc thành lập các mô hình tự quản tại các thôn, xóm. Lực lượng này có nhiệm vụ giải quyết những tệ nạn xã hội phát sinh trên địa bàn kiêm tuyên truyền viên về HIV/AIDS tới người dân.


Mặt khác, vai trò của hệ thống y tế thôn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trạm y tế xã cũng tham gia tích cực phòng, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS trên địa bàn. Họ là những người cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm bắt tỉ mỉ gia đình nào trong thôn có con cái đi làm ăn xa. Tranh thủ dịp những người lao động xa nhà về nghỉ, những nhân viên y tế sẽ đến tuyên truyền về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, cấp phát miễn phí bao cao su, các tài liệu tờ rơi, tờ gấp chống HIV/AIDS, đồng thời vận động gia đình cam kết không để con em dính vào các tệ nạn xã hội. Đối với những người có “H” sẽ được tư vấn các dịch vụ điều trị.


Chị Phạm Thị Bảo Lan, Trưởng Trạm y tế xã Vũ Tây cho biết, xã hiện có 15 cán bộ y tế tại 9/9 thôn. Hầu hết các nhân viên y tế này đều giữ các chức vụ kiêm nhiệm như chi hội trưởng chi hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, vì vậy thuận lợi hơn trong các hoạt động truyền thông lồng ghép.


Trong tất cả các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể đều đưa kiến thức về HIV/AIDS vào tuyên truyền, giảm bớt sự kỳ thị của xã hội với người có “H” và biết cách chăm sóc họ cũng như các biện pháp để bảo vệ bản thân trước nguy cơ nhiễm HIV. Từ việc nắm được danh sách những người có "H" nên dễ dàng hơn trong việc chăm sóc. Hầu hết những người có "H" ở đây đều đã được uống ARV ngăn chặn sự nhân lên của tế bào HIV, tăng sức đề kháng cho cơ thể.


Chị Bùi Thị Biển là một trong những nạn nhân bị lây nhiễm HIV từ chồng và chị cũng là người đầu tiên của Vũ Tây dám công khai mình là người có “H”. Vượt qua nỗi đau và nhiều rào cản, chị đã trở thành chủ nhiệm CLB "Vì ngày mai tươi sáng" của những người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Khi tham gia sinh hoạt CLB, họ được cung cấp các thông tin, kiến thức về HIV/AIDS, được chia sẻ những tâm tư tình cảm, được chăm sóc, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong cuộc sống, lúc đau ốm, chia sẻ các kiến thức và cách nhận biết các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tư vấn tuân thủ trước điều trị ARV...


Từ đó nhiều người đã thay đổi nhận thức, dũng cảm công khai danh tính của mình và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV /AIDS tại cộng đồng. CLB của chị đã tập hợp được 85 thành viên trên địa bàn huyện Kiến Xương và được nhân rộng trên khắp 8 huyện/thành phố. Hiện tại, chị Biển đang thành lập một tổ sản xuất trồng nấm rơm với 6 thành viên cùng tham gia sản xuất. Trong đó có 3 người nhiễm HIV, dường như ở đây khoảng cách giữa âm - dương tính với HIV đều không còn, giữa họ chỉ còn lại tình người và niềm vui trong lao động.


Theo thống kê đến tháng 11/2012, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn xã là 142 người. Trong đó số người còn sống là 65 người, đã tử vong là 79 người. Hiện tại địa phương đang quản lý 36 người có “H”, số còn lại đi làm ăn xa. Ông Bùi Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây cho biết, từ năm 2009 trở lại đây mỗi năm xã cũng chỉ phát hiện được thêm 1 - 2 ca nhiễm mới. Hậu quả và nỗi đau của đại dịch HIV/AIDS vẫn còn nhưng điều đáng mừng ở Vũ Tây hôm nay là chính con em của những người có "H" đã biết vượt qua rào cản, kỳ thị vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Năm 2012, xã có 40 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Chính sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao trong phòng, chống HIV/AIDS từ các cấp chính quyền đến ý thức từng người dân đã là sức mạnh để đẩy lùi bóng ma HIV.



Bài và ảnh: Thu Hoài

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN