Cách tính lương hưu khi có nhiều giai đoạn làm cho Nhà nước và tư nhân

Bạn đọc hỏi: Chú tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 1991. Từ năm 1991 – 1998, chú tôi làm việc trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Từ năm 2002 – 2013, chú tôi tham gia BHXH doanh nghiệp tư nhân. Đến tháng 1/2014, chú tôi lại chuyển sang làm cho doanh nghiệp Nhà nước. Vậy đến lúc về hưu, cách tính lương bình quân như thế nào?

Theo đại diện BHXH Việt Nam thông tin:

- Về mức hưởng lương hưu:

Mức hưởng lương hưu được quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014 và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ như sau: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

- Về tỷ lệ hưởng lương hưu:

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật BHXH năm 2014: Đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm từ năm 2022 trở đi được tính 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Chú thích ảnh
Chi trả lương hưu cho đối tượng hưởng.

- Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2025/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo khoản 3 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 3 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương cho người sử dụng lao động quyết định/Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó:

a) Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bằng tích số giữa tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Trường hợp người lao động có từ 2 giai đoạn trở lên thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính như điểm a khoản này. Trong đó, tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tổng số các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của các giai đoạn.

Việc tính hưởng chế độ hưu trí và mức lương hưu hàng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tổng thời gian đã đóng BHXH, diễn biến thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH cả quá trình đóng BHXH đến khi nghỉ hưu, tuổi đời, thời điểm nghỉ hưu, chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ,…

Do đó, BHXH Việt Nam cung cấp thông tin quy định chung của pháp luật về BHXH để chú của bạn nắm được và đến cơ quan BHXH nơi đơn vị chú của bạn đóng BHXH hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

XM/báo Tin tức
Lao động nữ 44 tuổi, khi đóng BHXH 20 năm liệu có được nghỉ hưu được không?
Lao động nữ 44 tuổi, khi đóng BHXH 20 năm liệu có được nghỉ hưu được không?

Bạn đọc hỏi: Đến năm 2026, chị tôi sẽ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm. Tuy nhiên, lúc đó chị tôi mới 44 tuổi, nghề nghiệp của chị tôi không thuộc nhóm công việc vất vả, độc hại, nhưng sức khỏe yếu nên muốn nghỉ sớm. Vậy chị tôi có đủ điều kiện để nghỉ hưu năm 2026 không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN