Tướng Noriega - Đối tác và kẻ thù của Mỹ - Kỳ cuối: Hết tù ở Mỹ lại đến tù ở Pháp

Trong khi những người Panama thù ghét Noriega phẫn khích biểu tình trước Sứ quan Vatican đòi giết chết Noriega, thì chính phủ Bush đau đầu vì chiến dịch đưa quân vào Panama, bất chấp thành công về quân sự, có thể ẩn chứa những rủi ro về chính trị. Cuộc tấn công đã làm ít nhất 500 người thiệt mạng. Kẻ cướp hoành hành ở thủ đô cho tới khi quân cảnh Mỹ và những người trợ giúp địa phương tạm thời khôi phục lại trật tự.

Noriega bị giam tại nhà tù Miami, Mỹ.

Vấn đề nảy sinh là chính phủ mới của Panama thiếu tính hợp pháp về chính trị. Vị tân Tổng thống Guillermo Endara được tuyên thệ nhậm chức trong một căn cứ quân sự Mỹ thì không chịu tiến hành bầu cử lại với lý do đã được bầu lên trong tháng 5 cho “nhiệm kỳ 5 năm”. Nhưng việc kiểm phiếu khi đó đã bị Noriega dùng vũ lực ngăn cản và tuyên bố vô hiệu hóa.

Tại Mỹ, phần lớn tỏ ra vui mừng vì chiến thắng bên kênh đào Panama, tự hào về giới quân sự và về Tổng thống Bush, bất chấp việc một số nghị sĩ như Don Edwards của đảng Dân chủ gay gắt chỉ trích việc Mỹ trở lại với “chính sách ngoại giao pháo hạm”, mà Mỹ đã lạm dụng từ hơn một thế kỷ qua với các nước nhỏ bé ở Trung Mỹ.

Các nhà bình luận cho rằng Bush đã vượt qua thử thách mà lẽ ra tất cả các tổng thống Mỹ phải trải qua. Những gì mà Tổng thống Lyndon Johnson không tìm kiếm được ở Cộng hòa Đôminicana năm 1965 và Richard Nixon sau đó ở Việt Nam thì Bush đã tìm thấy ở Panama: Đó là bằng chứng cho sức mạnh của nước Mỹ. Người Mỹ luôn đặt sức mạnh tập thể của mình vào tổng thống, nên một tổng thống không được tỏ ra bất lực. Một thất bại như Jimmy Carter trải qua ở Iran năm 1980 với sứ mệnh giải cứu con tin bất thành đã đẩy người Mỹ tới chỗ tự hoài nghi sâu sắc và làm cho tổng thống bị hạ bệ.

Nhà báo Kevin Philipps cho rằng Tổng thống Bush có lẽ đã cần tới “chiến tích” này để cử tri quên đi “bản lĩnh mềm yếu” được gán cho ông trong thời gian vận động tranh cử.

Noriega bị dẫn độ sang Pháp.


Sự e ngại theo bản năng của Bush về việc phải huy động một lực lượng lớn quân đội Mỹ tham gia chiến dịch ở Mỹ Latinh chậm nhất đã được dẹp bỏ vào ngày 3/10/1989, khi một cuộc đảo chính của các sĩ quan Panama chống lại Noriega bị thất bại, vì những người đảo chính đã chờ đợi uổng công vào sự giúp đỡ của Mỹ. Thay vì chứng tỏ sự quyết đoán của mình, Bush lại tỏ ra quá thận trọng. Khi đó, tạp chí Newsweek đã đăng một bài dài về thảm bại này với nhan đề: “Giờ phút của những kẻ nghiệp dư”.

Không thể có một thất bại thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Tướng Colin Powell, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Mỹ, người ta đã soạn thảo kế hoạch tác chiến trong Lầu Năm góc. Cái cớ cho sự xâm lược đã tìm ra, khi giữa tháng 12, binh sĩ của Noriega đã bắn chết trung úy Mỹ Robert Paz.

Theo ý đồ của các nhà hoạch định kế hoạch của Lầu Năm góc, “Chiến dịch Sự nghiệp chính nghĩa” này là một cuộc tập dượt cho “Quân đội của tương lai”. Do buộc phải giảm thiểu lực lượng vũ trang vì ngân sách eo hẹp cũng như mong muốn giải trừ quân bị của phương Đông, quân đội Mỹ muốn thể hiện khả năng tăng cường sức chiến đấu.

Khác với cuộc chiến tranh “như hát tuồng” của người tiền nhiệm Ronald Reagan chống lại quốc đảo Grênađa nhỏ bé, việc đổ bộ quân bằng máy bay và hoạt động của biệt kích lần này diễn ra suôn sẻ. Lần đầu tiên một máy bay ném bom “tàng hình” cũng được đưa vào tác chiến.

Ký họa Noriega bác bỏ lời buộc tội rửa tiền tại phiên tòa ở Pháp.


Việc Noriega trốn thoát đã được Tổng thống Mỹ Bush làm giảm đi ý nghĩa khi cho rằng điều quan trọng là kết thúc “chế độ khủng khiếp” của Noriega và Bộ trưởng Quốc phòng Richard Cheney đã lên tiếng đòi Vatican phải trao trả Noriega cho cơ quan tư pháp Mỹ.

Ngày 3/1/1990, Noriega đã phải ra đầu thú. Các điệp viên của DEA đã bắt giữ Noriega, cho tay vào còng và dùng máy bay quân sự chở tới Florida. Tại đây, Noriega đã bị đưa ra tòa vì tội tòng phạm với những kẻ buôn lậu côcain và cần sa. Hình phạt tối đa cho 12 điểm cáo trạng có thể lên tới 145 năm tù. Theo bản cáo trạng, Noriega đã góp phần đưa 971 kg côcain bất hợp pháp vào Mỹ.

Ngày 10/7/1992, Noriega đã bị tòa án Mỹ ở Miami kết án 40 năm tù. Sau đó, vì cải tạo tốt, bản án được giảm xuống 17 năm. Sau quyết định của một thẩm phán liên bang Mỹ, Noriega được hưởng quy chế của một tù binh chiến tranh và thụ án tù trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi, có văn phòng làm việc có điện thoại, máy fax... trong nhà tù Miami, quận Dade ở bang Florida.

Sau khi mãn hạn tù ở Mỹ, ngày 17/7/2007, các thẩm phán Mỹ quyết định dẫn độ Noriega sang Pháp vào tháng 9 năm đó theo yêu cầu của cơ quan tư pháp nước này, vì từ năm 1999, Noriega đã bị Tòa án Pháp kết án vắng mặt 10 năm tù vì tội rửa tiền. Nhưng các luật sư của Noriega đã đấu tranh chống lại quyết định dẫn độ. Sau khi mọi phương tiện pháp lý được viện ra không có kết quả, ngày 26/4/2010, Noriega đã bị dẫn độ sang Pháp. Phiên tòa xét xử Noriega tại Pháp bắt đầu vào ngày 28/6/2010 và ngày 7/7/2010, một tòa án ở Pari đã kết án Noriega 7 năm tù vì tội rửa tiền lên tới nhiều triệu USD, tịch thu 2,3 triệu euro bị phong tỏa trong tài khoản và tước Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh mà Noriega đã được Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trao tặng năm 1987.

Khác với cuộc sống đầy đủ tiện nghi trong nhà tù ở Miami, Manuel Antonio Noriega, giờ đây đã ngoài 70 tuổi, sẽ bị giam trong một xà lim bình thường ở Pháp như một kẻ tội phạm hình sự.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Tướng Noriega - Đối tác và kẻ thù của Mỹ  - Kỳ IV: Cuộc chiến không cân sức của Mỹ chống Noriega
Tướng Noriega - Đối tác và kẻ thù của Mỹ - Kỳ IV: Cuộc chiến không cân sức của Mỹ chống Noriega

Sau khi lên nhậm chức tháng 1/1989, theo một phong tục cũ, George Bush đã thay bức chân dung của người tiền nhiệm mà mình yêu thích nhất. Bức tranh sơn dầu của Tổng thống Calvin Coolidge, một người theo đường lối tự do kinh doanh, được hạ xuống và thay vào đó là chân dung...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN