'Thành phố này tôi đến tôi yêu' - điểm hẹn cho công chúng yêu thơ ca

Ngày 24/2 (tức 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu”.

Chú thích ảnh
Các thành viên đến từ nhiều câu lạc bộ thơ, nhạc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sinh hoạt, giao lưu ca nhạc.

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 có sự góp mặt của 12 Câu lạc bộ thơ, nhạc - nguồn lực lượng làm nên sắc màu cho ngày thơ. Ngoài hoạt động giao lưu giới thiệu tác phẩm với bạn yêu thơ, các câu lạc bộ này còn trình diễn nhiều tiết mục thơ nhạc được đầu tư và dàn dựng công phu.

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Bích Ngân cho biết, Ngày thơ Việt Nam không chỉ bó hẹp trong giới sáng tác văn chương mà còn là điểm hẹn ý nghĩa, thú vị cho sự kết nối tâm hồn của công chúng yêu thi ca. Năm 2024, Ngày thơ chính thức trở thành một trong những ngày lễ lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Trịnh Bích Ngân, Ngày thơ được tổ chức như một lễ hội, trực tiếp chứng minh giá trị thi ca song hành cùng Thành phố nghĩa tình. Trong đó, những câu thơ và bài thơ từ trang sách nhỏ bé được đưa ra không gian cộng đồng. Những câu thơ rộn ràng đem đến cho công chúng lời chúc phúc chân thành, còn những câu thơ lặng lẽ sẽ như một lời vỗ về, chia sẻ với người kém may mắn.

Chú thích ảnh
Các thành viên đến từ nhiều câu lạc bộ thơ, nhạc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tác phẩm với những người yêu thơ.

Dịp này, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khởi động triển khai việc thực hiện công trình 50 năm văn học nghệ thuật đã được phê duyệt. Đó là tổ chức in sách về những bài thơ hay, được phổ nhạc trở thành tác phẩm có giá trị, đi vào lòng người và lan tỏa sâu rộng. Cuốn sách này dự kiến phát hành vào đầu tháng 12/2024. Bên cạnh đó, Hội phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2”.

Đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, các nhà văn, nhà thơ, công chúng được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen với những bài hát nổi tiếng được phổ nhạc từ thơ, được nghe đọc thơ và trình diễn thơ… Bên cạnh đó là phần giao lưu với nhà thơ Hoài Vũ - người có nhiều bài thơ hay được phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng.

Hội Nhà văn phối hợp với Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc”, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sáng tác thơ và nhạc, cũng như làm rõ hơn mối tương quan giữa hai loại hình. 

Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh dành riêng một không gian cho thơ thiếu nhi với chủ đề “Thơ với tuổi thơ” gồm các hoạt động trong đó có giao lưu với nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi như Trần Quốc Toàn, Kim Hài, Lê Minh Quốc, Ngọc Khương, Lê Luynh, Trung Dũng, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Tiểu Quyên…

Thu Hương (TTXVN)
Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là chủ đề của tọa đàm nhân Ngày thơ Việt Nam
Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là chủ đề của tọa đàm nhân Ngày thơ Việt Nam

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, ngày 24/2, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm "Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ" tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Hội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN