Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức tọa đàm "Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế", với sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban, ngành, các nhà làm phim hoạt hình, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hoạt hình…

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự và phát biểu ý kiến tại tọa đàm. 

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam được thành lập ngày 9/11/1959 tại Hà Nội và ngày này được coi là ngày thành lập của ngành hoạt hình Việt Nam. 63 năm đồng hành với lịch sử dân tộc qua các giai đoạn chiến tranh, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập, phim hoạt hình là một bộ phận không thể thiếu được của điện ảnh Việt Nam, là người bạn mến yêu của các thế hệ khán giả nhỏ tuổi. Điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất hiện nay là 17 - 18 phim/năm. Gần một trăm bộ phim hoạt hình đã được trao giải thưởng Bông Sen vàng, Bông Sen bạc, Cánh Diều vàng, Cánh Diều bạc và các giải quốc tế.

Trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành phim hoạt hình Việt Nam đã có những sự thay đổi lớn, nhất là ở khu vực tư nhân, tuy nhiên chưa có cuộc hội thảo nào để trao đổi, đánh giá.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, nhiều công ty có hoạt động sản xuất “hoạt hình” với quy mô lớn, sản phầm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có sự trao đổi hợp tác thường xuyên với nước ngoài. Điều này chứng tỏ, năng lực sản xuất phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan hoạt hình ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của các công ty này chưa được tính vào các thống kê số liệu chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các báo cáo tổng kết hàng năm hay tổng kết 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bà Ngô Phương Lan cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá năng lực, cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bà Ngô Phương Lan cho biết, đây là tọa đàm đầu tiên chuyên về phim hoạt hình, qua đó đánh giá thực lực đội ngũ làm phim hoạt hình, năng lực sản xuất, khả năng và phương thức phổ biến phim hoạt hình Việt Nam ở trong và ngoài nước. Mục tiêu của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam là xác định xu hướng hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam, nhằm từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản, vừa góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình…

Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về sự phát triển của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay, những điểm mạnh, điểm yếu, những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức đối với việc sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam trong thời đại 4.0 hiện nay; xu hướng làm phim hoạt hình nhà nước, phim hoạt hình tư nhân; giải pháp để phim hoạt hình nhà nước tiếp cận được với công chúng nhiều hơn cũng như đưa được phim hoạt hình Việt Nam ra thế giới, để ngành hoạt hình Việt Nam vươn xa…

Tin, ảnh: Phương Lan (TTXVN)
Nhật Bản gây quỹ bảo tồn khu rừng trong phim hoạt hình 'My Neighbour Totoro'
Nhật Bản gây quỹ bảo tồn khu rừng trong phim hoạt hình 'My Neighbour Totoro'

Thành phố Tokorozawa của Nhật Bản đã phát động chiến dịch gây quỹ nhằm giúp bảo tồn một khu rừng đặc biệt, địa điểm truyền cảm hứng cho bộ phim hoạt hình được yêu thích “My Neighbour Totoro”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN