Người đàn bà “thép”

Anh chị em của Nhà hát chèo Việt Nam gọi người chèo lái con thuyền nghệ thuật với hơn một trăm năm mươi thủy thủ đoàn, NSƯT Thanh Ngoan (ảnh), là người đàn bà “thép”. Cương quyết, cứng rắn, luôn khắt khe về nghề với đào kép và ngay với chính mình, với Thanh Ngoan, không ngoài khát khao nào khác là giữ lấy nghề tổ mà từ nhỏ chị đã say mê và sống trọn với nó.

 

Đã mang lấy nghiệp vào thân…


Thanh Ngoan là người đàn bà đẹp và sắc sảo của làng chèo. Bao nhiêu năm nay, những người yêu chèo và quan tâm đến chèo đã ghi nhớ khuôn mặt trái xoan, ánh mắt đen láy lúc nào cũng như cười, khuôn miệng tươi, chất giọng hơi khàn nhưng khỏe của chị trên chiếu chèo. Chị say mê hát chèo từ tấm bé. Niềm say mê ấy đã dẫn dắt cuộc đời chị đi từng chặng đường dài không ít buồn vui, không ít nhọc nhằn nhưng chưa khi nào nguội lạnh niềm khát khao được hát, được diễn, được cống hiến.


Chị bảo rằng, bao nhiêu năm nay, niềm đam mê ấy chưa khi nào vơi đi. Ngày xưa thì khát khao được diễn, và diễn sao cho đạt, cho tốt nhất, giờ thì trăn trở với việc làm thế nào để giữ được nghệ thuật chèo truyền thống trong lòng công chúng. Niềm đam mê ấy sâu đậm đến mức chị tự tin nói rằng, nếu niềm đam mê cháy bỏng trong chị mà tắt lịm thì chắc chẳng còn ai đến với chèo nữa.


Điều này Thanh Ngoan không hề nói quá lên chút nào. Cơm áo gạo tiền chẳng đùa với ai, nhưng bản thân chị, kể từ khi bước chân vào làng chèo từ năm 13 tuổi, chưa khi nào đi diễn mà chị nghĩ buổi diễn ấy được bao nhiêu tiền. Khi ấy, chỉ cần được đi diễn, được học nghề từ các bậc tiền bối giỏi giang, được nghe và xem họ diễn là cả niềm hạnh phúc không có gì sánh bằng.


Những tháng ngày khăn gói quả mướp từ Thái Bình lên Hà Nội học khi đã trúng tuyển vào Nhà hát chèo Việt Nam là những ngày tháng nỗ lực học nghề của Thanh Ngoan. Đi học, hết giờ ở lớp, chị còn nghía sang lớp khác, say sưa ngồi nghe. Học để biểu diễn, học để làm nghề, lúc nào chị cũng thấy mình phải học cái gì đó và không khi nào là đủ. Ngoài lúc học ra là đọc sách, chị đọc sách nghệ thuật, đọc tiểu thuyết các loại. Buổi tối, bạn bè đi chơi thì chị thắp đèn chúi mũi vào đọc truyện. Thói quen này chị vẫn giữ cho đến bây giờ dù luôn bận bịu. Việc đọc cũng giúp ích cho chị rất nhiều khi dựng vở. Gần đây, để có thể dựng vở Bắc Lệ đền thiêng, một vở được dựng để giữ gìn bản sắc hát văn, chị đọc Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

 
Trong suốt một thời gian dài, khoảng hai mươi năm (từ 1982 - 2001), Thanh Ngoan liên tục đứng trên sân khấu. Những chuyến lưu diễn trong nước và quốc tế dày đặc trong lịch trình của chị. Thời gian đỉnh điểm nhất của sự quay cuồng với những đợt đi diễn, ấy là vào năm 1993, khi chị đang mang thai cậu con trai bẩy tháng rưỡi. Thời điểm đó diễn ra hội thi các trích đoạn chèo tại Ninh Bình, vì không có ai thay thế nên dù bụng to vượt mặt chị vẫn vác bụng đi thi. Khi em bé trong bụng được hơn tám tháng, chị vẫn hăm hở vào vai Mẹ Đốp mà… không cần độn bụng. Khán giả xem chị diễn có người nói: “Cô này độn bụng khéo thế” khiến anh chị em diễn viên nhà hát cười nghiêng ngả.


Trong thời gian đó chị còn tham gia giảng dạy, ngày hôm sau sinh con, tối hôm trước chị mới gọi điện thoại báo nghỉ. Khi học sinh đến thăm cô giáo Thanh Ngoan mẹ tròn con vuông, ai cũng phải lắc đầu, chịu cái gan cóc tía của chị. Nhưng chưa hết, sau Tết năm ấy, khi cậu con trai được vài tháng tuổi, chị đã định khăn gói quả mướp vào TP.HCM đi diễn tiếp, nhưng vì con nhỏ quá nên đành xin ở lại, vào đoàn 1, tham gia vở Vua Chổm. Bây giờ nghĩ lại, chị cũng phải ngạc nhiên trước sự dẻo dai của mình, không hiểu sao mình có đủ sức lực để có thể lăn lộn, quăng quật như thế.


Luôn rực cháy ngọn lửa của đam mê


Lý giải cho tất cả những nỗ lực kia, những nỗ lực đã đem đến cho chị thành công, tỏa sáng trên sân khấu, nổi danh với các vai Hoạn Thư, vợ cả Dọc, Đào Huế,… đặc biệt là vai chủ quán Hồng Châu trong vở chèo Hồ Xuân Hương (vai diễn đã mang lại Huy chương Vàng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1988) chỉ có thể là bởi trong tâm trí chị, nghề tổ là nguồn vui sống, là lý tưởng và đích hướng tới. Hơn thế nữa, chị muốn làm điều mình mơ ước bằng tất cả khả năng có thể, bằng mọi nỗ lực có thể.


Chị tự nhận mình là người may mắn có thể theo đến cùng niềm đam mê cháy bỏng trong suốt bao nhiêu năm qua, tuy đã có lúc phải hy sinh cả cuộc sống gia đình. Nhưng chị chấp nhận điều đó và nghĩ rằng điều gì cũng có thể xảy ra, chỉ có con người phải dám đối mặt với hoàn cảnh. Để có thể nuôi ngọn lửa đam mê chiếu chèo, chị biết cách lấy nghề nuôi nghề. Chị tham gia diễn hài, hát xẩm, hát chầu văn, ca trù và rất nổi tiếng ở những lĩnh vực này. Năng động hơn nữa chị thường xuyên tổ chức các “sô” diễn trong nước cũng như quốc tế. Nắm bắt thời cuộc nhanh nhạy, chị biết ở đâu cần gì và mình có gì để đáp ứng nhu cầu đó. Chị nói, mình lợi thế hơn nhiều người, có thể tận tâm với nghề là vì thế. Nhưng cũng theo chị: “Nếu không biết đến một Thanh Ngoan chèo, thì làm sao khán giả lại biết đến một Thanh Ngoan hát xẩm, hát ca trù, hát chầu văn. Vì thế, dù là làm gì cũng nhớ đến nghiệp tổ và dù làm gì cũng là để giữ lấy nghiệp tổ”.


Cho đến bây giờ, Thanh Ngoan cũng vẫn làm việc bằng cung cách ấy, làm cái gì thì phải làm bằng được. Cái gì chưa biết thì tiếp tục học. Chị học không ngừng và đó là nhu cầu tự thân, học để không ngừng sáng tạo, trau dồi kỹ năng cho mình và cũng là cách làm mới mình. Trên chiếu chèo chị có thể phiêu cùng xênh cùng trống, nhưng khi người ta bảo chị “hát xẩm mà không biết kéo nhị thì chưa gọi là biết xẩm”, thế là gần đây chị thửa cho mình một cây nhị và tự học lấy cách chơi. Giờ đây, chị đã có thể chơi ngon lành được rồi.


Thanh Ngoan mê chèo bằng một niềm say mê tự thân, say mê và tận hiến, không đòi hỏi, không cần lợi danh. Ngay cả đến bây giờ, khi “thương hiệu“ Thanh Ngoan đã đi vào lòng công chúng, chị có thể kiếm bộn tiền với những show diễn bên ngoài mà nhiều nơi mời mọc, nhưng chị với trách nhiệm là Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, lại đau đáu với những dự định, những ý tưởng giữ gìn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Trên sân khấu rạp Kim Mã, nhà hát giới thiệu những trích đoạn chèo truyền thống, làm thêm các chương trình mang tính hài hước để kéo khán giả tới rạp.


Lo cho nồi cơm của diễn viên lúc đầy lúc vơi, ngoài chương trình của nhà hát, chị vẫn động viên anh em làm ngoài. Loay hoay đủ kiểu, nhưng giờ đây các nghệ sĩ vẫn đang phải tự “bơi”. Chị hiểu rõ khi cuộc sống không đảm bảo thì không phải ai cũng đủ nhiệt huyết để bền bỉ với nghề. Lo hơn nữa khi bấy lâu nay chưa có chiến lược đào tạo để mọi người có thể hiểu một cách thống nhất về nghệ thuật chèo truyền thống. “Kênh” truyền nghề thông qua những nghệ sĩ gạo cội giữ được cốt cách chèo cũng không còn nhiều.


“Điều quan trọng nhất bây giờ là gắn kết những con người trong làng chèo lại với nhau, truyền lửa cho họ, nhất là thế hệ trẻ, làm sao để các thế hệ diễn viên sau này nhận thức được việc giữ nghiệp chèo truyền thống như Trung Quốc giữ kinh kịch, Nhật Bản giữ kịch nô. Tôi đi khắp nơi trên thế giới rồi, chẳng đâu có chèo cả. Sợ nhất là những năm về sau, khi nghe chèo chẳng còn nhận ra chèo nữa”, chị nói.


Vì thế, bây giờ, chị mong lắm, bằng những việc làm của mình, sự tận tụy, tận tâm của mình có thể truyền cảm hứng say nghề đến cho lớp trẻ, tầng lớp kề cận nối tiếp truyền thống hơn 60 năm là cánh chim đầu đàn của Nhà hát chèo Việt Nam. Chị sẽ vui sướng biết bao khi phát hiện ra những tài năng mới, nhận thấy ở họ niềm đam mê như chị từng có, đang có; sẵn sàng tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội làm nghề và cống hiến.

 

Bài và ảnh:Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN