Năm đêm nhớ kịch sĩ họ Lưu

Năm suất diễn đặc biệt của ba nhà hát hàng đầu phía Bắc: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát chèo Hà Nội (từ 28/8-1/9, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), trong chương trình "Lưu Quang Vũ- Nhớ anh" sẽ thực sự là những nén “tâm nhang” dành cho nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ nhân 26 năm ngày mất của ông và gia đình…


5 đêm nhớ Lưu Quang Vũ.


“Nén tâm hương” của nghệ sĩ cho nghệ sĩ


Nhà hát Kịch Việt Nam chọn “Bệnh sĩ” và “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt”. Nhà hát Tuổi trẻ không thể bỏ qua “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng”. Còn với Nhà hát chèo Hà Nội là “Nàng Sita”. Đó là những viên ngọc lấp lánh trong tài sản đồ sộ những kịch bản sân khấu mà kịch gia Lưu Quang Vũ để lại cho đời.


NSƯT Chí Trung (Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ), đại diện cho những nghệ sĩ đã nhiều năm gắn bó với kịch Lưu Quang Vũ, chia sẻ: “Năm nào đến ngày giỗ anh Lưu Quang Vũ, chúng tôi cũng ra mắt khán giả những tác phẩm của anh. Đó là cách mà các nghệ sỹ hôm nay, thắp một nén tâm nhang để tưởng nhớ tới một đạo diễn tài danh.


Một cảnh trong vở "Lời thề thứ 9".


Chính vì vậy, những lớp diễn viên được tham gia vào các đêm diễn đều "cháy" hết mình như một sự tri ân. Đó là Xuân Bắc, NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, Sĩ Tiến, Đức Khuê, Tuấn Anh,NSƯT Tuấn Hải,Trung Anh, Quốc Khánh, NS Phú Đôn, NSƯT Thu Huyền, NS Mạnh Dương…


Nghệ sĩ trẻ Chí Huy chia sẻ : "Chúng em thuộc thế hệ trẻ và là lớp đi sau, khi được biểu diễn các tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ trên sân khấu cùng các nghệ sĩ gạo cội của các nhà hát, chúng em vô cùng tự hào và mong mỏi được cống hiến hết mình cho đêm diễn".


Là người thổi một sự mới lạ, giữ “linh hồn” cho vở “Bệnh sĩ” được dàn dựng lần này, NS Xuân Bắc, Nhà hát Kịch Việt Nam, khẳng định: “Vở diễn thành công là sự nỗ lực chung của cả tập thể.” Bệnh sĩ “là một “món ăn lạ” mà Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến khán giả nên đã được chào đón nhiệt tình. Trong vở diễn, tôi có nhân nhá một số câu chữ gây cười, khiến khán giả nhớ như từ “chính” cũng là một sự sáng tạo mới”.


Còn với “Nàng Sita” đã ăn sâu vào nỗi nhớ của khán giả với lối diễn ngọt ngào của Lâm Bằng, Quốc Chiêm, thì lần dàn dựng này khán giả sẽ bất ngờ với diễn suất của Thu Huyền và Mạnh Dương. Họ diễn ngọt ngào, ăn ý và được khán giả thừa nhận “không kém những bậc đàn anh, đàn chị”. Chính Giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội cũng khẳng định: “Tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vai diễn cho lớp diễn viên trẻ hôm nay. Họ là những người nhiệt huyết với chèo có thanh, có sắc tốt”.


Sự tài hoa còn mãi


Đã 26 năm tháng kể từ lúc gia đình nhà thơ-nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ ra đi trong một vụ tai nạn giao thông oan nghiệt (29/ 8/1988), nhưng những tình cảm mà người trong giới và công chúng dành cho ông vẫn còn vẹn nguyên. Cũng bởi, những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sân khấu kịch thật sự là vô giá.


Một cảnh trong vở "Mùa hạ cuối cùng".


Bao năm qua, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn luôn được bạn bè trong giới văn nghệ, người đọc, người xem đón nhận và yêu mến. Các tập tuyển thơ của Lưu Quang Vũ vẫn đều đặn được xuất bản, các vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn đều đặn được một số đoàn dàn dựng lại.


Còn nhớ, những năm của thập kỷ 80, khi Lưu Quang Vũ chuyển sang viết kịch, mở ra những nguồn mạch vô cùng dồi dào của sức sáng tạo.Theo đánh giá của những người trong giới, xuất phát điểm từ thơ, nhưng chính ở mảng kịch- mới là nơi Lưu Quang Vũ có thể bộc lộ trực tiếp hơn những khám phá và nhận thức của anh, là nơi anh có thể đóng góp được một cách trực tiếp và tích cực hơn cho cuộc sống. Nói một cách khách, Lưu Quang Vũ làm thơ là để sống cho riêng mình và viết kịch là để sống cho mọi người.


“Mẫn cảm nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ viết nên những vở kịch chứa đựng nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống. Chọn cho mình con đường viết kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra con đường ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ. Trong khoảng thời gian gần 10 năm (1979-1988), Lưu Quang Vũ đã sáng tác được hơn 50 vở kịch, một khối lượng đồ sộ khiến nhiều người phải kinh ngạc”, một lãnh đạo Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết.


Năm 2013, nhân kỷ niệm 25 ngày mất của Lưu Quang Vũ, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn và gia đình đã tổ chức thành công ” Liên hoan các tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ”, một lần nữa giới sân khấu ghi nhận và tri ân những đóng góp đặc biệt vào sự phát triển sân khấu Việt Nam hiện đại của anh. Lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu nước ta, một liên hoan sân khấu chỉ dành cho một tác giả đã được tiến hành đầy ấn tượng.


-"Bệnh sĩ" (Nhà hát Kịch Việt Nam) diễn ngày 28/8.

-"Đêm thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh" và "Lời thề thứ 9" (Nhà hát Tuổi trẻ) diễn ngày 29/8.

-"Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt" (Nhà hát Kịch Việt Nam)diễn ngày 30/8.

-"Nàng Sita" (Nhà hát Chèo Hà Nội) diễn ngày 31/8.

- "Mùa hạ cuối cùng" (Nhà hát Tuổi trẻ) diễn ngày 1/9.


Cũng đúng vào dịp này năm ngoái, cũng tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, Công ty Đông Đô Show kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức thành công “Đêm nghệ thuật Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh” đầy ấn tượng, được dư luận đánh giá cao.


Và năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội và Công ty Đông Đô Show lại cùng tổ chức chương trình “Những đêm kịch Lưu Quang Vũ”. Thêm một lần nữa, tài năng và những giá trị nghệ thuật đích thực của Lưu Quang Vũ được vinh danh và tỏa sáng.


Anh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN