Lục Ngạn - rộn ràng hội hát

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng cao huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), mùa xuân mà thiếu hội hát thì coi như chưa có Tết. Bởi vậy, từ bao đời nay, nhân dân địa phương vẫn duy trì đều đặn các hội hát dân ca vào đầu năm.


Tháng Giêng, khi hương vị Tết vẫn còn tràn trề từng thôn xóm, bản làng vùng cao, thời điểm mà sắn, ngô đã xong mùa thu hoạch, cũng là lúc đồng bào các dân tộc trong vùng Lục Ngạn rủ nhau đến hội hát mùa xuân. Những âm điệu thiết tha, trữ tình và độc đáo ấy lại được ngân lên giữa núi ngàn.


Chuẩn bị trang phục đi dự hội hát.


Mấy ngày đầu năm này, tôi có dịp đến nhiều nơi tại “vương quốc vải thiều” để tham gia vào các lễ hội truyền thống của đồng bào địa phương. Tại hầu hết các lễ hội này đều có hình ảnh các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số trong trang phục màu chàm, đeo túi vải xuống chợ dự hội hát dân ca. Khung cảnh ấy đã tạo nên nét đặc trưng và đậm đà bản sắc.


Tại Tân Sơn, ngày 12 tháng Giêng âm lịch, khi những màn sương còn chưa tan trên khóm mía, luống rau thì từ các ngả núi, đồng bào thuộc các xã Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn… thậm chí từ Đồng Mỏ, Chi Lăng (Lạng Sơn) lại rủ nhau “xuống núi” dự hội hát soong hao tại chợ phiên (mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào ngày này). Từ người già tóc bạc đến những em bé còn say giấc ngủ trên lưng mẹ cũng về hội góp vui.


Đi chợ với đồng bào cũng chính là đi hội, đến chợ không chỉ để trao đổi mua bán mà còn là nơi mọi người giao lưu, gặp gỡ và uống rượu, nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất. Họ khoe sắc, đua tài, tỏ tình và trao gửi lời yêu thương, đặc biệt hơn là được hát giao duyên qua những điệu soong hao mộc mạc, trữ tình. Gặp chị Vi Thị Dùng, dân tộc Nùng, xã Tân Sơn trong ngày hội hát dân ca của xã, chị Dùng cho biết, lên 6 tuổi đã được mẹ dạy hát soong hao và hiện nay gia đình chị có đến 3 thế hệ đều biết hát loại hình dân ca này, hiện chị đang tích cực truyền dạy hát cho con cháu để duy trì nét văn hóa dân tộc.


Cũng theo chị Dùng, hát soong hao có nhiều loại gồm hát giao duyên, hát trong đám cưới, về nhà mới, bên cạnh những bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa phù hợp với thanh niên trai gái thì còn có những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, con người…


Người dân đi xem hội hát dân ca xã Tân Sơn.


Chúng tôi đến các xã Đèo Gia, Tân Hoa, Khuôn Thần, Giáp Sơn, Quý Sơn… những ngày đầu năm, cảm nhận được không khí rộn ràng với những khúc hát dân ca trữ tình làm say đắm lòng người. Xã còn tổ chức thêm các môn thi đấu thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đấu vật… làm cho hội hát càng thêm sôi động. Ông Lê Xuân Thắng, Chánh Văn phòng UBND huyện Lục Ngạn (nguyên Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện) cho biết: Lục Ngạn có 7 dân tộc thiểu số, (chiếm 49% dân số toàn huyện), đồng bào còn duy trì được nhiều loại hình hát dân ca như: sịnh ca, soong hao, shoóng cộ, hát then, hát páo dung, của các dân tộc Cao Lan, Sán Chí, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu…


Trước đây đồng bào hát quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát giao duyên, qua những canh hát kéo dài, nếu hai người thấy “kết nhau” thì dắt tay nhau đi chơi. Cuộc hát kéo dài đến lúc xế chiều, họ hát say sưa trên cả các ngả đường đi về bản, rồi từng đôi trai gái tìm nơi vắng vẻ trò chuyện tâm tình, nhiều đôi đã nên vợ thành chồng sau những cuộc hát ấy…


Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua ngành chức năng của huyện đã quan tâm duy trì, phát triển hoạt động hát dân ca, qua đó góp phần quan trọng đưa đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đi lên. Đặc biệt, phong trào hát dân ca tại đây phát triển sâu rộng trong toàn huyện, hình thành nhiều đội văn nghệ mạnh, tổ chức được nhiều hội diễn và giao lưu văn nghệ ở cơ sở. Năm 1996 huyện đã khôi phục hội hát soong hao tại Khuôn Thần và đến nay trở thành Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện vào ngày 18 tháng hai (Âm lịch) hằng năm. Qua đó tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào trong huyện.


Hát soong hao giao duyên tại xã Tân Sơn.

Không khí vui tươi trong hội hát xã Tân Sơn.


Đến nay toàn huyện đã thành lập được 18 CLB hát dân ca Sán Dìu, Nùng, Sán Chí, Tày… Trung bình mỗi CLB từ 30 đến 40 thành viên. Các CLB tiêu biểu là thôn Trại Bèo, Trại Muối, Trại Chão, Thái Họa, Dọc Mùng (xã Giáp Sơn); Bến Huyện, Trại Lâm, Trại Cảnh (xã Nam Dương); Bắc Một, Thum Cũ (xã Quý Sơn); Hà Thanh (xã Thanh Hải); Trại Chính (xã Hồng Giang) và tại các xã Biên Sơn, Phong Vân, Tân Hoa, Biển Động.


Những khúc hát dân ca dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn đang được đồng bào nâng niu, gìn giữ như một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Thông qua các buổi hát ấy bà con động viên nhau cố gắng quên đi mệt nhọc để chăm lo sản xuất, phục vụ cho cuộc sống gia đình. Và đó cũng là một trong những con đường để Lục Ngạn hướng tới danh hiệu huyện văn hóa.



Bài và ảnh:Kim Sa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN