Đền Trần Thái Bình mở hội trên vùng đất của thủy tổ nhà Trần

Với ba lần chiến thắng giặc Mông Nguyên và những chiến công còn vang vọng đến ngày nay như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng, Vương triều Trần là một vương triều hiển hách nhất trong xã hội phong kiến Việt Nam trước đây.

Lễ rước nước đền Trần (Thái Bình)


Theo các bộ cổ sử thì họ Trần trước đây sống bằng nghề chài lưới. Thủy tổ nhà Trần là Trần Kinh, sống ở đất Tức Mặc, sinh ra Trần Hấp. Đến đời Trần Hấp và con là Trần Lý thì định cư ở đất Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá - xã Canh Tân - Hưng Hà - Thái Bình). Năm 1209, kinh thành có loạn Quách Bốc, thái tử Sảm (sau này là vua Lý Huệ Tông) đã được cha con Trần Lý đón về Lưu Gia. Tại vùng đất Hải Ấp, thái tử đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung, phong cho cha vợ (Trần Lý) tước Minh Tự; mở đầu cho thời kỳ họ Trần bước chân vào chính quyền Trung ương của Triều Lý. Tháng 12/1225, với sự đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng (con gái vua Lý Huệ Tông) đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (con thứ Trần Thừa, cháu nội Trần Lý) mở đầu giai đoạn lịch sử của vương triều Trần thống trị trên đất Đại Việt (1225 - 1400). Lê Quý Đôn từng viết: “Ở làng Thái Đường có mộ tổ nhà Trần, lại có 4 ngôi mộ của Thái tổ Trần Thừa, vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và mộ của 4 hoàng hậu...". Cách Thái Đường 2 km là xã Liên Hiệp, nơi đây có lăng mộ của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. Bà là người được sử gia Ngô Sỹ Liên ca tụng: “Trời sinh Linh Từ cốt là để mở nghiệp nhà Trần…”.

Long Hưng xưa, Hưng Hà (Thái Bình) ngày nay luôn chiếm giá trị đặc biệt trong tâm thức của các vị vua triều Trần. Vua Trần Thánh Tông sau khi lên ngôi hoàng đế (1258), vào năm 1259: “Mùa thu, tháng 7, bái yết sơn lăng, đặt quan Sơn Lăng và phong cung tần của Tiên đế để thờ phụng” (Đại Việt sử ký toàn thư -Tr34) - (nay là làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Nơi đây cũng chứng kiến lễ mừng chiến thắng hiển hách nhất trong triều đại phong kiến Việt Nam từ trước tới nay. Sau chiến thắng Mông Nguyên lần thứ 3, các vua Trần đã đem bọn bại tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp… về tế sống tại lăng mộ của các vua Trần ở Thái Đường lăng.

Đây là buổi lễ báo công mừng chiến thắng trước mộ tiên tổ nhà Trần rất trang trọng, hoành tráng, uy nghiêm, chưa từng có trong lịch sử phong kiến nước nhà; vừa có tính chất tôn giáo, vừa có tính nghi lễ, nghi thức quốc gia, mang đậm tinh thần tự tôn dân tộc.

Trải qua gần 8 thế kỷ, đến nay lễ hội truyền thống để tưởng nhớ các vua Trần ở đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, vẫn được tổ chức long trọng hàng năm với các nghi thức: Lễ rước nước (sáng 13 tháng Giêng năm Ất Mùi), lễ thi cỗ cá (14 tháng Giêng), thi thả diều, thi gói bánh chưng, thi pháo đất…

Ngày 30/10/1990, khu di tích khảo cổ học làng Tam Đường đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận là Di tích quốc gia. Đặc biệt là lễ giao chạ (đã tồn tại hơn 700 năm nay - được Nhà nước công nhận là văn hóa phi vật thể quốc gia đầu xuân Giáp Ngọ 2014), giữa hai làng: Thái Đường xã Tiến Đức và làng Vân Đài, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà: “Lệ làng tháng 9, tháng 2. Tam Đường chị xuống, Vân Đài em lên”. Đây là lễ hội tưởng nhớ hai công chúa con vua Trần Nhân Tông là Huyền Trân công chúa và Diệu Dung công chúa; đã có công với dân, với nước. Sau này khi tuổi cao, hai chị em về tu ở làng Thái Đường và làng Vân Đài. Sau khi hai bà mất đi, dân hai làng đã làm lễ kết chạ với nhau. Hàng năm, vào ngày giỗ Diệu Dung công chúa (chạ em) thì làng Thái Đường cử 84 người mang lễ vật xuống dự lễ và thăm hỏi chạ em trong 3 ngày. Vào ngày giỗ của Huyền Trân công chúa (chạ anh) vào rằm tháng 2 hàng năm thì chạ em (Vân Đài) lại cử đoàn lễ 64 với đầy đủ lễ vật xuống chạ anh để dự hội. Đặc biệt vài trăm năm nay, thanh niên nam nữ của hai làng này không được phép kết thành vợ chồng.

Ngày 3/1/2014, Nhà nước đã công nhân khu di tích lịch sử văn hóa lăng mộ, đền thờ các vua Trần và lễ hội văn hóa phi vật thể của đền Trần Thái Bình là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt (1 trong 14 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước).

Năm nay, lễ hội đền Trần Thái Bình sẽ được khai mạc lúc 19 giờ 45 phút ngày 3/3 (tức 13 tháng Giêng năm Ất Mùi) và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Thái Bình. Tiếp đó là lễ giỗ tưởng nhớ Thái tổ Trần Thừa từ 8 giờ - 11 giờ ngày 8/3 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi). Đây là một lễ hội lớn nhất của tỉnh Thái Bình, hàng năm thu hút hàng vạn du khách từ trong và ngoài nước về đây chiêm bái, hướng về cội nguồn dân tộc và xin lộc cầu may đầu xuân. Lễ hội cũng là dịp khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của vương triều Trần trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc (1225 - 1400). Đồng thời khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân với các bậc tiền nhân, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc trong việc xây dựng nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc.


Bài và ảnh: Đặng Hùng

Phục dựng nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ tại Lễ hội Đền Trần
Phục dựng nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ tại Lễ hội Đền Trần

Tại Khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) đã diễn ra Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN