Dày công xây dựng “xã hội học tập”

Nước ta vừa trải qua tuần lễ hưởng ứng cuộc vận động “Học tập suốt đời” năm 2014 và xây dựng “Xã hội học tập” do Đảng, Nhà nước phát động và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm, chủ trì, kiểm tra, đôn đốc. Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt và hợp lòng dân nên được đại bộ phận nhân dân hưởng ứng và cố gắng thực hiện.

Ngay từ khi Cách mạng tháng 8/1945 mới thành công và nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập, Bác Hồ đã đề ra chủ trương phải cùng một lúc tập trung sức diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cũng chính Bác đề ra chủ trương thành lập Nha bình dân học vụ và phát động phong trào cả nước học tập lấy tên là phong trào “Bình dân học vụ”, trong đó người biết chữ dạy cho người không biết chữ, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít hơn… Bản thân Bác đã nêu tấm gương là người suốt đời học tập về các mặt, rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mình ngày một trong sáng. Bác luôn luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, lãnh đạo nhân dân và cũng luôn luôn học tập và phục vụ nhân dân vô điều kiện.


Một lớp bổ túc văn hoá dành cho CN công ty Free Trend, KCX Linh Trung (quận Thủ Đức, TP HCM).Ảnh: K.Giang


Dưới sự lãnh đạo, rèn luyện và chỉ dẫn của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, nghị định cụ thể để khuyến khích phong trào học tập, lấy giáo dục đào tạo con người là quốc sách hàng đầu. Nhờ đó mà nước ta từ một nước có tới 80 - 90% người dân là mù chữ khi mới thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, cho tới nay đã trở thành một nước có tỷ lệ người thoát nạn mù chữ và có nền giáo dục, văn hóa phát triển vào loại khá cao trên thế giới và đứng vào loại nhất nhì ở khu vực Đông Nam Á này.

Trình độ dân trí và văn hóa của nhân dân ta ngày càng được nâng cao; kinh tế và đời sống của nhân dân không ngừng phát triển và cải thiện; khoa học công nghệ có những bước tiến vượt bậc, có những lĩnh vực không thua kém gì thế giới; sức mạnh tổng hợp của đất nước ta được nâng lên; sự hội nhập và hợp tác của chúng ta với thế giới bên ngoài ngày càng được mở mang và có hiệu quả; vị trí và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên quốc tế ngày một được nâng cao…

Tuy nhiên, đối chiếu với sự quan tâm, đầu tư to lớn của Đảng và Nhà nước vào cuộc vận động này; với những việc mà toàn dân đã tham gia, đóng góp… thì kết quả và những lợi ích thu được lại không tương xứng. Cuộc vận động lúc lên, lúc xuống, lúc nào “kích” thì “động”, không lại thôi; có nhiều việc làm mang tính hình thức, chưa chú trọng hiệu quả thực tế; chất lượng học sinh, sinh viên được đào tạo ra thua kém nhiều nước xung quanh; số lượng thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư được phong học hàm học vị thì đông, thậm chí còn cao hơn nhiều nước nhưng những bậc có học hàm học vị này nhiều khi không thể hiện được rõ vai trò của mình và ít có những việc làm người ta có thể thấy rõ vai trò của họ.

Nhân dân hay lấy những việc rất nghịch lý ra làm ví dụ: Trong hàng ngũ các giáo sư, tiến sĩ không thấy có phát minh gì nhiều mà những người hay phát minh, sáng chế ra máy này, máy nọ, công trình này, công trình kia lại là các bác nông dân hay công nhân, thậm chí các cháu sinh viên ít học, chưa có tầm cỡ và học hàm, học vị gì. Vì sao lại có nghịch lý đó?

Các cuộc vận động toàn dân học tập lại nặng về hình thức, có tính phong trào nên kết quả không chắc chắn, lúc lên, lúc xuống. Cá biệt hiện nay ở nhiều nơi, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc vẫn còn người mù chữ hoặc học trước, quên sau. Ngay tại các Hội khuyến học, cả Hội khuyến học ở Trung ương cũng có những chuyện lình sình, tai tiếng không hay đã lọt ra ngoài, thiên hạ đều biết, đều nghe. Còn những người gương mẫu trong cuộc vận động này, tự mình cố gắng học tập nhiều thứ để nâng mình lên, nhưng xã hội chẳng dùng họ vào việc gì, thậm chí chẳng quan tâm và động viên họ…

Vậy để thực hiện được việc “Học tập suốt đời” hay xây dựng “xã hội học tập” cần phải làm nhiều việc, nhất là đối với cơ quan và cá nhân được giao trách nhiệm theo dõi và đôn đốc cuộc vận động này. Những việc cần làm là:

- Có ngay, có nhiều biện pháp để kiểm tra việc thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các nghị định và chính sách của Nhà nước để tìm ra những lỗ hổng, những khe hở ở đâu để sửa chữa, khắc phục.

- Cuộc vận động này không nên làm tràn lan, làm có tính phong trào hình thức mà phải đi vào thực chất, lấy trọng tâm là ở đâu, lấy đối tượng chính là những người nào? Phải chăng cần phải lấy việc nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học là trọng tâm. Ta phải thực hiện được điều khi sinh thời Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay dạy chúng ta: Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp; phải dạy tốt và học tốt, thầy phải ra thầy và trò phải ra trò. Không thể coi nhẹ những lời dạy này.

- Những người cố gắng tự học hoặc đi học ở trường có hiệu quả phải được động viên, cổ vũ kịp thời. Số nào học xong có hiệu quả phải được bố trí công tác, việc làm nghiêm túc, không phải bỏ công “chạy vạy” hay “lo lót” mới tìm được việc làm. Việc tuyển sinh vào các trường đại học phải căn cứ vào nhu cầu của các ngành, các địa phương để đề ra kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể.

- Nhiều nước có nguồn trí thức và nhân tài đông đúc, thậm chí lớp người này cũng đã có tuổi rồi, như nước Nhật chẳng hạn, vậy mà số người này vẫn được tận dụng triệt để. Ta có thể tận dụng tốt lớp người này bằng nhiều cách, kể cả việc “xuất khẩu chất xám”, “xuất khẩu tri thức” .

- Muốn xây dựng được “xã hội học tập” thì trước hết các cán bộ tại cơ quan, bộ ngành, đoàn thể của Đảng, Nhà nước và Mặt trận …phải là những người đi đầu trong cuộc vận động này tránh biểu hiện chủ quan, bằng lòng với cương vị và công việc hiện tại.


Hồ Đức Minh

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với nền giáo dục, văn hóa đất nước
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với nền giáo dục, văn hóa đất nước

Ngày 19/10/1975, nhà bác học, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người đã gắn bó cả đời với sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà, đã vĩnh biệt chúng ta. Ông là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN