Cô gái mang hồn dân tộc vào âm nhạc đương đại châu Âu

Một dự án đầy tham vọng được ấp ủ từ rất lâu, đó là kết hợp âm nhạc dân tộc Việt Nam và âm nhạc đương đại châu Âu, đã được hiện thực hóa. Niềm vui vỡ òa khi hai buổi công diễn dự án trong khuôn khổ liên hoan âm nhạc Strom lần thứ ba tại thành phố Köhl ở Đức đã được khán giả đón nhận hết sức nồng nhiệt.


Thanh Lan (áo đen) giới thiệu tiết mục biểu diễn.


Người khởi xướng dự án có tên Osmosis (tạm dịch "Thẩm thấu") này là cô bé Cao Thanh Lan hiện đang theo khóa cao học âm nhạc chuyên ngành Piano đương đại tại trường Đại học Âm nhạc Köln, một trong những trường nhạc lâu đời và lớn nhất châu Âu. Cô cho biết dự án ấp ủ từ lâu này là sự kết hợp nghệ thuật giữa ca trù, hát xẩm, hát văn và ngâm thơ với âm nhạc châu Âu đương đại, ngẫu hứng theo cấu trúc. Hai buổi biểu diễn với kết quả ngoài mong đợi đã diễn ra ngày 7/9 tại Nhà hát LOFT và 8/9 tại Rhenania thành phố Köln trong khuôn khổ liên hoan Strom dành cho âm nhạc đương đại thể nghiệm.


Một tiết mục biểu diễn của ca sĩ Kim Oanh.


Lan tâm sự "Thẩm thấu" là nhịp cầu thời gian-không gian, đưa âm nhạc dân tộc từ góc nhìn hiện đại tới với những người con xa xứ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Quan trọng hơn, dự án còn góp phần giới thiệu nét đẹp ngôn ngữ và âm nhạc Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời mang âm nhạc đương đại thể nghiệm vốn còn xa lạ ngay cả với người dân châu Âu, tới gần hơn với công chúng yêu nhạc.


Âm nhạc trong dự án "Thẩm thấu" là sự kết hợp mới lạ của âm thanh điện tử xử lý tức thì, của các kỹ thuật tạo âm thanh mới từ âm nhạc cổ điển đương đại châu Âu và âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có điểm nhấn và cấu trúc chặt chẽ, "hòa nhập nhưng không hòa tan", dự án đã thuyết phục được cả những nhà chuyên môn khó tính.

Ca sĩ Kim Oanh là học trò cưng của nhiều nghệ nhân như nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ hay nghệ nhân cải lương Kim Sinh.


Sinh ra trong một gia đình làm âm nhạc truyền thống, những làn điệu cổ đã ngấm vào cô bé gốc Hà Nội một cách vô thức. Sau nhiều năm theo học âm nhạc tại Vương quốc Bỉ, được tiếp xúc với âm nhạc hàn lâm cổ điển châu Âu, cô bé sinh năm 1987 lại càng ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Cô chính là người biên đạo dàn dựng và thành lập nhóm thực hiện dự án, mời các nghệ sĩ tên tuổi đến từ Đức, Áo, Tây Ban Nha cùng tham gia dự án này.


Tuy nhiên, thành công của dự án không thể không kể tới sự đóng góp được coi là chủ đạo của ca sĩ Kim Oanh từ Việt Nam sang. Kim Oanh là người đã gắn bó hơn 40 năm với âm nhạc dân tộc, là học trò cưng của nhiều nghệ nhân như nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ hay nghệ nhân cải lương Kim Sinh.

Kim Lan cho biết trong suốt quá trình dàn dựng chuẩn bị cho buổi công diễn, cả nhóm đã làm việc không biết mệt mỏi, nhiều khi quên ăn quên ngủ, chỉ với một mong muốn duy nhất là được khán giả đón nhận, tạo đà cho những thử nghiệm tương lai sau này.


Tin: Mạnh Hùng
Ảnh:
Ismael Miquidade

Ngày âm nhạc Việt Nam nhiều thể nghiệm mới
Ngày âm nhạc Việt Nam nhiều thể nghiệm mới

Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ IV (3/9/2013) tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 3/9, gây ấn tượng cho khán giả bởi nhiều thể nghiệm mới trong những tác phẩm âm nhạc kinh điển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN