Chùa Hương thông thoáng ngày khai hội

Ngày 24/2/2015 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi) đã diễn ra nhiều lễ hội lớn: Lễ khai hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), Hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, lễ hội Cổ Loa (Đông Anh)... Năm nay, ở hầu hết các lễ hội, lượng người tham gia không quá đông, không diễn ra tình trạng chen lấn nghẹt thở như những năm trước.

Chùa Hương không chen lấn

Sáng mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi (tức ngày 24/2/2015), lễ khai hội chùa Hương, một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm, đã diễn ra tại sân chùa Thiên Trù, khu di tích danh thắng Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Lễ hội chùa Hương năm nay có chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”.

Tại sân chùa Thiên Trù, lễ khai hội chùa Hương đã diễn ra long trọng. Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, thay mặt chư tăng ni chúc Phật tử và du khách một mùa lễ hội tràn đầy hạnh phúc và an lạc. Sau các nghi lễ khai mạc, Thượng tọa Thích Minh Hiền và các vị quan khách, chư tôn phật tử thành kính thực hiện nghi lễ dâng hương, lễ Phật cầu cho Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân hoan lạc.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng ngày khai hội, dù lượng khách đổ về chùa Hương đông, nhưng không quá đông đúc, không xảy ra tình trạng dồn ứ, chen lấn như mọi năm. Tuyến đường đi từ suối Yến lên chùa Thiên Trù, đường lên động Hương Tích cũng khá vắng vẻ. Hàng quán quy củ, văn minh, không còn tình trạng treo, xẻ thịt động vật trước các cửa hàng quán. Nạn đổi tiền lẻ năm nay đã giảm hẳn, song vẫn còn một vài đối tượng lén lút hoạt động. Vấn nạn rải tiền lẻ vẫn còn, nhưng cũng đã giảm nhiều.

Tổ chức tế lễ trong hội Gióng ở đền Sóc. Ảnh: Lê Phú.


Trong buổi sáng ngày khai hội, hầu như không có tình trạng cò mồi chèo kéo khách. Được biết, trước ngày khai hội (23/2), để bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội chùa Hương, cơ quan chức năng đã tuần tra kiểm soát, phát hiện 11 đối tượng “cò mồi” đang thực hiện hành vi lôi kéo khách đi tham quan lễ hội chùa Hương ở khu vực Ba La thuộc quận Hà Đông. Tổ công tác đã tạm giữ phương tiện, xử phạt hành chính các đối tượng “cò mồi” này theo nghị định 167 về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Năm nay, BTC lễ hội chùa Hương đã tăng số lượng đò lên khoảng 5.000 chiếc, các đò thuyền đều được kiểm định chất lượng, các chủ đò chở khách đều được ký cam kết với đơn vị và chính quyền địa phương trong việc chấp hành đúng các quy định pháp luật; chở đúng số người quy định, đúng giá vé niêm yết.

Các chủ đò sẽ không được thu quá số tiền công, trong đó đò chất lượng cao là 40.000 đồng/người, đò thường là 35.000 đồng/người. BTC cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành về xử lý vi phạm xuồng, đò. Đò đưa vào hoạt động nếu không có giỏ đựng rác, có biểu hiện chèn ép, chặt chém khách... thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Hệ thống cáp treo được bảo trì và sẵn sàng phục vụ du khách. Giá vé cáp treo niêm yết là 140.000 đồng/người cho cả lượt đi và về.

BTC lễ hội chùa Hương năm 2015 khẳng định, toàn bộ nguồn thịt động vật bày bán trong lễ hội chùa Hương đều là động vật nuôi được cung ứng từ các trang trại nuôi xung quanh Hà Nội. Vì vậy, người tiêu dùng và khách thập phương phải hết sức cảnh giác với các thông tin giới thiệu, tiêu thụ thịt thú rừng từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Lễ hội chùa Hương sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của BTC, lễ hội chùa Hương năm nay sẽ diễn ra an toàn, lành mạnh.

Hội Gióng tưởng nhớ vị Thánh đánh giặc Ân

Cũng trong ngày mùng 6 tháng Giêng, tại khu đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Hội Gióng ở đền Sóc cũng đã chính thức khai mạc, cùng với lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt dành cho quần thể kiến trúc khu di tích đền Sóc.

Được tổ chức để tưởng nhớ Đức Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng, một trong bốn vị “Tứ Bất Tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hội Gióng ở đền Sóc gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng (ở làng Phù Đổng) sau khi đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước đã phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Để tưởng nhớ công đức của Ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm từ ngày mùng 6 - 8 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội đền Sóc được xem là một trong những “hội trận” độc đáo nhất tại khu vực phía Bắc.

Bên cạnh những hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo, lễ hội đền Sóc vẫn còn những nghi lễ khiến không ít du khách cảm thấy... hồi hộp. Trong đó phải kể đến là tục cướp “giò hoa tre”. Đây là một trong 8 lễ vật cung tiến thần linh tại lễ hội đền Sóc (cùng với voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ, cầu húc và ngựa Gióng). Sau phần nghi thức cung tiến, những lễ vật này bị người dân tranh cướp để cầu may.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong lễ hội năm nay, màn cướp giò hoa tre, cướp trầu cau để lấy “lộc thánh” vẫn khá lộn xộn. Sau khi rước vào tế ở đền Thượng, giò hoa tre được rước xuống đền Hạ để tế lễ.

Nhóm thanh niên bảo vệ giò hoa tre cố gắng bảo vệ được giò đến trước cửa đền Hạ thì đã bị những người dân ào vào tranh cướp hết chỉ trong chớp nhoáng. Còn đối với kiệu trầu cau, thì ngay sau khi làm lễ tế, ra khỏi sân đền Thượng đã bị người dân nhảy vào tranh cướp xơ xác, còn trơ lại khung tre. Nhóm thanh niên rước và bảo vệ kiệu trầu cau đành bất lực, chỉ rước được khung tre xơ xác xuống đền Hạ tế lễ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, năm nay, hội Gióng diễn ra cùng với việc đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho khu Di tích đền Sóc, nên UBND huyện đã đầu tư kinh phí, mua sắm trang phục mới, tu sửa kiệu rước, chuẩn bị lễ vật, phẩm vật chu đáo... “Đối với việc cướp giò hoa tre, cướp trầu cau, vốn là một phần của lễ hội từ xưa, mặc dù BTC đã tuyên truyền vận động nhiều, song vẫn còn một số người thiếu ý thức, xông lên cướp, sau đó người dân sẽ ùa lên cướp theo, và tình trạng lộn xộn là khó tránh khỏi”, ông Đoàn Văn Sinh chia sẻ.

Cũng trong ngày mùng 6 tháng Giêng, tại Hà Nội còn diễn ra hai lễ hội lớn là lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh (khu di tích đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội và Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) theo nghi thức truyền thống, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.


Phương Lan - CTV


Hà Nội tưng bừng khai hội chùa Hương
Hà Nội tưng bừng khai hội chùa Hương

Các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội tưng bừng diễn ra trong tiết trời nắng ấm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN