TP.HCM: Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Những năm gần đây, việc dạy nghề, đào tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) đã được sự quan tâm của Nhà nước thông qua nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ khác nhau. Tuy nhiên, hiện vẫn có không ít NKT chưa tiếp cận được các chính sách, hỗ trợ, ưu tiên trên.


Khó kiếm việc


Chị Đỗ Anh Thư, bị khuyết tật một chân tâm sự: “Dù bị khuyết tật một chân nhưng tay tôi vẫn làm việc bình thường, tôi vẫn muốn kiếm được công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, khi nộp đơn xin việc tại các doanh nghiệp (DN), thấy tôi KT họ thường từ chối nhận bằng nhiều lí do như: sức khỏe của tôi không đảm bảo công việc, công ty không nhận NKT,…”


Hiện, TP Hồ Chí Minh có khoảng 15.000 NKT đang trong độ tuổi lao động, nhưng số NKT có việc làm chưa quá 40%. Trong đó, số NKT tìm được việc làm chỉ có khoảng 25% duy trì được công việc ổn định. Nguyên nhân một phần do điều kiện làm việc của DN chưa phù hợp với sức khỏe của NKT, thậm chí có DN còn tâm lý e ngại khi nhận lao động là NKT. Do mức thu nhập bình quân của người lao động KT chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng không đủ để người KT trang trải cuộc sống...


Người khuyết tật khi vào các trung tâm dạy nghề rất cần được học nghề phù hợp với công việc tại doanh nghiệp. (ảnh chụp tại Trung tâm bảo trợ và dạy nghề cho người khuyết tật TP.HCM)


Theo bà Trần Thị Doan, Trưởng phòng tư vấn giới thiệu việc làm thuộc Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố: NKT sau khi học nghề xong khó kiếm việc trước hết do tình trạng khuyết tậ của họ, ví dụ có bạn khuyết tật một tay làm sao tham gia lao động phổ thông, hoặc nếu có làm cũng làm rất chậm, không đảm bảo năng suất. Thứ hai là công tác đào tạo, dạy nghề cho NKT hiện nay chưa tập trung, chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, hầu hết các trang thiết bị dạy nghề tại trung tâm đã rất cũ, lạc hậu, trong khi bên ngoài (DN) liên tục đổi mới công nghệ vì vậy NKT đào tạo trong trường xong ra không đáp ứng được công việc của DN. Hệ quả, sau khi đào tạo xong hầu hết NKT đều phải đào tạo lại.


“Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc diễn biến bệnh tật của NKT tăng thêm, hay do NKT từ tỉnh xa lên thành phố học khi nhà có công việc họ lại bỏ việc về quê… Những điều này cũng góp phần làm gia tăng số NKT bị mất việc, hoặc không có việc làm ổn định.”- bà Doan cho biết thêm.


Nâng cao trình độ NKT


Hiện nay, có không ít DN cũng với tâm huyết nhận lao động KT vào làm việc song vì nhiều lý do DN vẫn không thể nhận lao động là NKT.


Ông Ngô Viết Hưng, Chủ tịch Công ty thực phẩm chay Khiết Tâm cho biết: Công ty mới thành lập hơn 1 năm với mục tiêu sử dụng 70% lao động là NKT. Khi các em làm việc sẽ được công ty bao ăn, bao ở, với mức lương cơ bản 3 triệu đồng/ người (dù có học hay có học). Sau một thời gian làm việc lương các em sẽ tăng theo tài năng hoặc sức lực mà các em đóng góp cho công ty. Hiện công ty đã có 5 em là lao động khuyết tật đang làm việc, sắp tới công ty sẽ tuyển thêm gần 30 em khuyết tật. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của DN là xin giấy phép để mở nhà xưởng, xây nhà lưu trú cho các em khuyết tật cho nên công ty vẫn chưa thể nhận thêm lao động khuyết tật.


“Công ty nhận NKT vào làm việc từ khi mới thành lập. Khi làm việc, có một số bạn khuyết tật cũng có cố gắng, nhưng cũng có một số bạn cũng không kiên trì. Vì vậy, để duy trì công việc, trước hết các bạn khuyết tật phải yêu công việc đó. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên hỗ trợ hơn nữa ngoài việc hỗ trợ về thuế để doanh nghiệp có thể hỗ trợ lại cho NKT. Có như vậy sự tương tác, hỗ trợ giữa doanh nghiệp - NKT mới bền vững.”- bà Trần Thanh Châu, Giám đốc một công ty may tại quận Thủ Đức cho biết.


Vì vậy, để NKT được học nghề, có việc làm ổn định, bà Trần Thị Doan cho rằng: “Trước hết cần nâng cao trình độ chuyên môn của NKT. Muốn vậy, NKT phải được đào tạo nghề phù hợp với trang thiết bị của DN. NKT cũng phải có sự đầu tư để vững vàng về chuyên môn, giỏi tay nghề, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thực tế, gần đây trình độ tay nghề, chuyên môn, văn hóa của NKT có xu hướng ngày càng tăng chứng tỏ NKT đang được đào tạo, học hành đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng chứng tỏ DN tuyển dụng lao động khuyết tật có trình độ cũng đang tăng dần, kéo theo tỉ lệ NKT có thu nhập cao cũng tăng lên.”


Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP cho biết: Vấn đề cần giải quyết hiện nay là từ hai phía. Phía NKT cần phải trang bị các kĩ năng nghề nghiệp, cũng như các kĩ năng mềm, kĩ năng hòa nhập cuộc sống để phù hợp với DN hơn. Còn DN cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NKT khi vào làm việc. Riêng Sở Lao động thương binh và xã hội TP sắp tới, sẽ tiếp tục làm công tác tuyên truyền tuyên truyền cho cộng đồng xã hội, cả DN để họ tự nguyện tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tạo công ăn việc làm cho NKT.


Bài, ảnh: Hoàng Tuyết


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN