Sau vụ cháy chung cư: Kêu gọi 'thiện nguyện' thế nào cho hiệu quả và đúng pháp luật

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, việc kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng, quà từ thiện cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể là phải tuân thủ quy định của bộ Luật Dân sự và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Ngay sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người tử vong, nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra kêu gọi cộng đồng quyên góp, từ thiện nhằm giúp đỡ gia đình các nạn nhân. Hoạt động quyên góp tự phát này diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, có thể kể đến các tài khoản đang kêu gọi và thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân như: BeatVN, TheAnh28, Hà Nội 24h... Chỉ sau 2 ngày đăng tải thông tin, có tài khoản mạng xã hội thu về trên 4 tỷ đồng tiền ủng hộ từ người dân.

Chú thích ảnh
Sau gần 2 ngày xảy ra vụ cháy chung cư, có tài khoản trên mạng xã hội đã quyên góp được hơn 4 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn pháp lý, hoạt động kêu gọi thiện nguyện "tự phát" này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự minh bạch tài chính. Trước vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Thưa luật sư, quan điểm của ông như thế nào về hoạt động thiện nguyện trước những sự cố như thiên tai, địch hoạ; và với xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay, hoạt động này diễn biến như thế nào?

Ở góc độ pháp lý, hoạt động từ thiện có thể bản chất là tặng cho giữa người có tài sản và người đang có nhu cầu sử dụng, đây là quan hệ pháp luật phát sinh trực tiếp giữa người tặng cho và người nhận tặng cho. Tuy nhiên, còn có một hình thức từ thiện nữa là đứng ra kêu gọi người khác đóng góp ủng hộ cho người đang gặp khó khăn.

Người kêu gọi đồng thời là người tiếp nhận và phân phối quà, tiền từ thiện, đây là hoạt động trung gian, với danh nghĩa là người đại diện theo ủy quyền. Người trung gian này là những người có uy tín, có tiếng nói và được mọi người ủng hộ, tin tưởng nên đã đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phối hàng quà từ thiện.

Bản chất hoạt động này là quan hệ dân sự có 3 bên là bên tặng cho (bên có tài sản đóng góp để từ thiện), bên nhận ủy quyền để thực hiện việc tặng cho (người đứng ra kêu gọi và tiếp nhận hàng quà từ thiện) và bên nhận tặng cho (người đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, dưới góc độ pháp lý gọi là người hưởng thụ). Nếu như trước đây hoạt động từ thiện thường diễn ra trực tiếp giữa hai bên là bên từ thiện (người tặng cho) và bên nhận từ thiện (người nhận tặng cho) thì đến nay hoạt động từ thiện thường diễn ra gián tiếp bởi một bên thứ ba đứng ra kêu gọi quyên góp và trao hàng quà từ thiện.

Khi khoa học, công nghệ phát triển, với các thiết bị thông minh có kết nối internet, với các nền tảng mạng xã hội và dịch vụ internet banking thì việc kêu gọi từ thiện có thể có nhiều người cùng tiếp nhận thông tin và hưởng ứng, việc chuyển tiền từ thiện qua internet banking rất đơn giản Về việc trao quà từ thiện của người tiếp nhận cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Chính vì vậy việc kêu gọi, tiếp nhận, phân phát hàng quà từ thiện qua khâu trung gian ở giai đoạn hiện nay rất phổ biến và tương đối hiệu quả.

Chú thích ảnh
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, hoạt động thiện nguyện phải tuân theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính Phủ.

Trước đây hoạt động từ thiện, kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Trong đó Nghị định của Chính phủ không cho phép cá nhân tự đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận, phân phối hàng, quà từ thiện, nên đã gây tranh cãi trong xã hội.

Sự việc một vài nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện cho đồng bào miền Trung và những tranh cãi trên mạng xã hội, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo xảy ra với nhiều người, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân cũng như tạo ra những hoài nghi trong xã hội thời gian qua. Chính vì vậy, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.

Nghị định mới quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, thủ tục, trách nhiệm của người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện, tạo ra một thủ tục, quy trình công khai, minh bạch đối với hoạt động từ thiện để hạn chế những hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ hoạt động từ thiện. Đảm bảo những người đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện yên tâm hơn, tránh bị người khác nghi ngờ về lòng tốt của mình.

 Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, bên cạnh các đơn vị của Nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... thì nhiều tổ chức, cá nhân đã tự đứng ra kêu gọi quyên góp, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân. Vậy cần có chế tài nào quản lý để đảm bảo tính minh bạch cho các nguồn thiện nguyện này?

Với hoạt động thiện nguyện sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, cần phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ, để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, giảm bớt những nghi ngờ, tiêu cực, những vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện. 

Cụ thể, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tại khoản 1 Điều 2: Ngoài các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi từ thiện, thì cá nhân có đủ năng lực hành vi được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. ​

Việc cá nhân tham gia vận đông, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp từ thiện được quy định cụ thể tại Mục 2, từ Điều 17 đến Điều 19 của Nghị định này, cụ thể như sau: ​Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

​Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Ông có thể nói rõ hơn việc sử dụng nguồn thiện nguyện này sao cho đúng quy định của pháp luật?

Về việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện, căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ UBND cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

Chậm nhất trong 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.

​Về việc quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện thì tại Điều 19 Nghị định này cũng quy định rõ các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. ​

Chú thích ảnh
Sau vụ cháy chung cư mini, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản của các tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi "thiện nguyện" cho gia đình các nạn nhân.

Thời điểm công khai cụ thể như sau: ​

- Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;

​- Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 1 đến 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;​

- Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;

​- Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.​ ​

Nghị định này cũng nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, việc các cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền, quà từ thiện cho những người gặp khó khăn trong vụ hỏa hoạn này cần phải tuân thủ quy định của nghị định mới của Chính phủ về việc kêu gọi vận động từ thiện để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra hiệu quả nhất, hợp lý nhất, phát huy tối đa những giá trị tích cực của cộng đồng, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ kịp thời đối với những người gặp khó khăn và tránh được những nghi ngờ, điều tiếng, hệ lụy có thể xảy ra từ hoạt động từ thiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trung Nguyên(thực hiện)/Báo Tin tức
Phát động ủng hộ nạn nhân là cán bộ y tế trong vụ cháy chung cư ở Hà Nội
Phát động ủng hộ nạn nhân là cán bộ y tế trong vụ cháy chung cư ở Hà Nội

Công đoàn Y tế Việt Nam đã phát động quyên góp ủng hộ cho các gia đình nạn nhân là cán bộ y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN