Hà Nội Nỗ lực chống úng ngập-Bài cuối: Sau năm 2013, liệu Hà Nội có hết ngập?

Trả lời câu hỏi khi nào Hà Nội hết ngập, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Chỉ khi nào dự án thoát nước cải thiện môi trường giai đoạn II được đưa vào vận hành, lúc đó nội thành Hà Nội mới hết ngập.

 

Cải thiện tình trạng mưa là ngập


Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II có tổng mức đầu tư hơn 6.314 tỷ đồng, gồm 14 gói thầu (1 gói thầu tư vấn và 13 gói thầu xây lắp), có mục tiêu chính là chống ngập úng cho thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch với lượng mưa 310mm/2 ngày. Hầu hết các gói thầu đã khởi động và một số hạng mục đã hoàn thành. Tuy nhiên, gói thầu chủ lực (gói thầu số 9) nhằm thu nước khi mưa lớn trong nội thành, mới chỉ khởi động từ 1/3/2012 và sẽ kéo dài đến cuối năm 2013.


 

Thi công tại khu vực hồ điều hòa Linh Đàm. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

 

Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Gói thầu số 9 sẽ triển khai thi công lắp đặt hệ thống cống trên 44 tuyến phố thuộc 7 quận nội thành, với tuyến cống dài 21.160 m, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, trong đó riêng quận Hoàn Kiếm có 20 tuyến phố, quận Ba Đình 5 tuyến, quận Hai Bà Trưng 9 tuyến... Mục tiêu chính của dự án là thay đổi năng lực thoát nước, tăng khả năng thu nước từ mặt đường xuống cống, nâng kích cỡ các loại cống để tăng khả năng lưu thoát của dòng chảy.


Do thi công trong các tuyến phố đông dân nên sẽ chia ra làm 2 giai đoạn: Thi công 21 tuyến trong năm 2012, các tuyến còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2013. “Hầu hết hệ thống cống ngầm hiện nay trong phạm vi gói thầu số 9 có “tuổi đời” 60 - 80 năm, nhiều đoạn đã bị lún, sụt, cản trở dòng chảy. Thậm chí khảo sát một số đoạn cống cũ cho thấy, cả gạch xây vòm cũng đã bị “mủn” do thời gian sử dụng quá lâu, nhiều viên gạch có thể lấy tay dỡ ra dễ dàng. Bên cạnh đó, do tuyến cống ngầm này đều nằm trong khu vực đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, nên khi đào đường đặt cống sẽ vướng nhiều công trình ngầm hay hệ thống cấp nước, cáp điện, thông tin viễn thông... Đồng thời, việc đào hệ thống cống trên tuyến phố cổ thường thiếu mặt bằng thi công, vật liệu nên rất cần tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ”, ông Phạm Văn Cường cho biết. “Để hạn chế bức xúc của dân, chúng tôi yêu cầu các đơn vị khi thi công phải tiến hành nhanh, không dây dưa kéo dài ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh của hộ dân hai bên đường. Khi cải tạo xong cống ngầm 44 tuyến này, khả năng tiêu thoát nước trong khu vực nội thành sẽ được cải thiện rất lớn và các quận cơ bản sẽ không còn ngập úng cục bộ nữa. Vì thế, mong người dân cùng chia sẻ, ủng hộ, chúng tôi sẽ thi công với tốc độ khẩn trương nhất...”.

 

Sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người dân


Để vừa đảm bảo tiến độ thi công, và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân trên các tuyến phố thi công cống, UBND TP đã chấp thuận cho thi công cả ngày lẫn đêm tại 14 tuyến, là những tuyến cống có đường kính lớn, mặt đường đủ rộng để đáp ứng phân luồng giao thông.


Còn 29 tuyến chỉ được phép thi công vào ban đêm (từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau). Các đoạn phố thi công được làm hàng rào tôn di động, thi công trong rào, đến 5 giờ sáng hoàn tất việc san lấp cát, đổ và đầm đá móng đường, phủ tôn đảm bảo giao thông.


 



Tình trạng ngập úng sẽ được cải thiện sau khi Dự án thoát nước cải thiện môi trường giai đoạn II được đưa vào vận hành.

Riêng tuyến cống Lò Đúc được đánh giá phức tạp nhất trong 44 tuyến cải tạo lần này. Theo thiết kế, hệ thống cống ngầm ở phố này cực lớn, chiếm gần hết bề rộng mặt đường. Cửa xả ra sông Kim Ngưu cũng choán hết mặt phố Kim Ngưu. Dự kiến, trên tuyến phố này, sẽ lắp đặt cống hộp đôi kích cỡ lớn (2x2.600x2.300). Tuy nhiên, phương án thi công cụ thể hiện còn chưa rõ.


Để đảm bảo an toàn, Sở Xây dựng Hà Nội đã thống nhất yêu cầu các đơn vị thi công tại tuyến phố nào sẽ lắp biển báo, đèn tín hiệu, người chỉ dẫn và phân luồng giao thông tại chỗ. “Dù đặt ra kế hoạch chỉ thi công cuốn chiếu trên cơ sở không quá 2 tuyến trên một quận trong nội thành tại một thời điểm, nhưng chắc chắn việc thi công sẽ ảnh hưởng đến giao thông và đời sống người dân”, ông Phạm Văn Cường cho biết. Tuy nhiên, theo ông Cường nếu đúng tiến độ, cuối năm 2013 gói thầu 9 sẽ hoàn thành, và từ năm 2014 trở đi, Hà Nội sẽ giải quyết được tình trạng úng ngập cục bộ hiện nay.


Xuân Cường

Chống úng và chống "khát" cho nội thành Hà Nội
Chống úng và chống "khát" cho nội thành Hà Nội

Đến hẹn lại lên, cùng với cái nắng oi ả mùa hè, người dân Thủ đô lại thường trực nỗi lo đối phó với úng ngập và thiếu nước sạch trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN