Triển khai Bảo hiểm hưu trí bổ sung

Mức lương hưu hiện tại không đủ đảm bảo mức sống cho người lao động (NLĐ) sau khi nghỉ hưu. Việc triển khai Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ là thêm một giải pháp để NLĐ chủ động tích lũy, cải thiện chất lượng cuộc sống khi về già.



Lương hưu khó bảo đảm mức sống


Theo TS Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), xu hướng già hóa dân số sẽ ảnh hưởng rất mạnh và sâu sắc đến Quỹ hưu trí sau 20 năm nữa, nên chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ.


 

Nếu chỉ với chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống NLĐ sau khi về hưu.

 

Chính sách hưu trí hiện nay có nhiều bất cập. Tỷ lệ người đóng trên số người hưởng hưu trí ngày càng giảm không phải do tác động của già hóa dân số mà do tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH của chúng ta quá chậm. Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm bình quân cả nước có thêm 1,5 triệu lao động mới bước vào thị trường lao động. Tuy nhiên, số đối tượng tham gia BHXH tăng thêm hàng năm chỉ đạt hơn 300.000 người.


Ông Giang cho biết, Bộ đang hoàn thiện Dự thảo Đề án Quỹ hưu trí bổ sung và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11/2013. Quỹ này thực chất là chương trình bảo hiểm xã hội có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và chủ DN dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính. Việc thí điểm loại hình bảo hiểm này không chỉ thực hiện ở các tập đoàn và DN lớn mà mở rộng tại tất cả các loại hình DN, bao gồm: DN nhà nước, DN cổ phần, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân.


Việc triển khai Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ khuyến khích NLĐ tích lũy để khi về hưu, họ có thêm nguồn thu nhập và có điều kiện cải thiện mức sống bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản.


Theo dự thảo đề án, Quỹ sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Ngoài khoản tiền đóng BHXH bắt buộc, các DN hoặc NLĐ tự nguyện đóng một khoản tiền khác dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Khi về hưu, bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được Nhà nước chi trả, NLĐ sẽ được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời. Mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hàng tháng của NLĐ và sẽ có quy định mức đóng tối thiểu cũng như mức đóng tối đa.


Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai Bảo hiểm hưu trí bổ sung là cần thiết, bởi những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tuy đang tăng lên nhưng khi nghỉ hưu, họ thường bị suy giảm sức khỏe và hay đau ốm. Chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống NLĐ sau khi về hưu. Theo tính toán của Vụ BHXH, sau 15 năm đóng góp, ngoài lương hưu cơ bản, số tiền NLĐ nhận được hàng tháng từ nguồn hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng trong 15 năm.

 

Lộ trình 3 giai đoạn


Bộ LĐ-TB&XH dự kiến, lộ trình thực hiện đề án này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2012- 2015), hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số DN.


Hiện nay, có khoảng 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Hầu hết các nước ở châu Á và ASEAN như: Thái Lan, Philíppin, Inđônêxia... đã thực hiện chương trình này để nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động sau nghỉ hưu.

Theo ông Carlos Galian, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều có bảo hiểm hưu trí do người sử dụng lao động và NLĐ đóng góp. Đây là cách để các quốc gia và xã hội bảo vệ NLĐ khi về già.


Theo ông Galian, có một số điều đáng lo ngại đối với việc thực hiện bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam đó là việc trốn và nợ đóng bảo hiểm. Theo một số nghiên cứu của ILO, 1/5 số DN có quy mô lớn không đóng bảo hiểm cho nhân viên. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát và xử phạt thật nặng các công ty không đóng bảo hiểm.


Đặc biệt, chuyên gia ILO cũng đề xuất ý tưởng, NLĐ và người sử dụng lao động nên đóng bảo hiểm dựa trên thu nhập thực tế, không phải “lương cứng”.


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN