Tiền đề cho cải cách hệ thống bảo hiểm hưu trí

Đề án thí điểm chính sách BHHTBS đang được Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) lấy ý kiến của các bên liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội xung quanh vấn đề này.

 

´Theo ông, vì sao Bộ LĐTB&XH quyết định triển khai BHHTBS vào thời điểm này?


Thời điểm thực hiện chính sách BHHTBS thường vào thời điểm “dân số vàng”, khi người trong độ tuổi lao động chiếm từ 50-60% tổng dân số. Thời điểm “dân số vàng” của Việt Nam dự kiến kéo dài đến năm 2025. Đây là thời kỳ lao động “dân số vàng” tạo ra của cải cho xã hội và có điều kiện tích lũy nhất.


Bên cạnh đó, nhận thức xã hội về BHHTBS nói riêng và bảo hiểm hưu trí nói chung cơ bản đã được nâng lên, nhất là ở khối doanh nghiệp lớn.

 

´Khi thực hiện chính sách BHHTBS, các bên tham gia có lợi ích như thế nào?


Trước tiên là lợi ích của người lao động. Trong thời gian qua, mức lương hưu bình quân hiện nay khá thấp, khoảng 3 triệu đồng/tháng dẫn đến áp lực tăng lương hưu là rất lớn. Chính sách BHHTBS là tầng thứ 2 bổ sung cho tầng hưu trí cơ bản để nâng mức hưởng khi nghỉ hưu.


Lợi ích tiếp theo là người lao động sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp khi biết chắc tương lai được đảm bảo.


Về phía doanh nghiệp, kinh nghiệm cho thấy, BHHTBS được coi là một trong những công cụ giữ chân và thu hút tài năng, tạo sự gắn bó với doanh nghiệp.


Về phía Nhà nước, đây là bước đệm cho cải cách lương hưu theo hướng hình thành hệ thống bảo hiểm hưu trí đa tầng. Đồng thời góp phần giảm chi ngân sách do tăng lương hưu. BHHTBS phù hợp với xu thế hội nhập. Ngoài tầng hưu trí cơ bản, hiện có trên 80 nước trên thế giới đã triển khai tầng thứ hai là BHHTBS. Trong khối APEC, chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai loại hình này.

 

´Với điều kiện kinh tế hiện nay, theo ông có khó khăn gì khi triển khai BHHTBS này?


Điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ có phần ảnh hưởng khi triển khai, nhưng chính sách BHHTBS sẽ là tiền đề cải cách hệ thống bảo hiểm hưu trí. Về định hướng sau nay, Nhà nước chỉ đảm bảo mức sàn tối thiếu, mức gia tăng lương hưu phụ thuộc vào chính sách BHHTBS này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu vẫn vươn lên với việc đảm bảo thu nhập cho nhân viên. Đây cũng là giải pháp để doanh nghiệp chăm lo đời sống cho người lao động thông qua BHHTBS.


Tại Việt Nam đã có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia mô hình này và coi đây là công cụ tốt để hỗ trợ người lao động.


´Mô hình đã có, vậy chính sách BHHTBS sẽ thí điểm ở khâu nào?


BHHTBS đã được áp dụng ở nhiều nước và đã chứng minh những lợi ích của loại hình này. Thí điểm BHHTBS tại Việt Nam là cách thức tổ chức thực hiện. Cách thức tổ chức BHHTBS hoàn toàn khác với phương thức tổ chức truyền thống với loại hình hưu trí cơ bản: Hoàn toàn dựa vào công nghệ thông tin, không phát sinh bộ máy, con người. Mỗi người có tài khoản cá nhân và đề án này sẽ thí điểm xem tài khoản cá nhân vận hành như thế nào, sự kết nối giữa công nghệ thông tin các tổ chức quỹ ra sao, để từ đó đúc rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

 

´Vậy mức hưởng của người lao động ra sao khi nghỉ hưu?


Đến lúc nghỉ hưu, tổng tài khoản tích lũy sẽ từ ba nguồn: Từ nguồn người lao động đóng góp, từ người sử dụng lao động đóng góp và lãi đầu tư trong quá trình đó. BHHTBS dành cho những nguồn người có nhu cầu mong muốn tiếp cận lương tích lũy cao hơn và mang tính an sinh xã hội. Đối tượng tham gia là đối tượng có thu nhập nhất định và số lượng sẽ ít hơn so với tầng hưu trí cơ bản. Để đảm bảo an toàn cho quỹ BHHTBS, theo quy định, ít nhất 70% tài sản tích lũy trong Quỹ hưu trí bổ sung phải được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Như vậy kể cả công ty quản lý quỹ làm ăn thua lỗ, công ty đối tác thì người lao động vẫn hưởng từ phần trái phiếu Chính phủ.


Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc Quỹ Viet Fund: Xuất phát từ tính chất phi thương mại của chính sách BHHTBS, người lao động sẽ nhận được tất cả các kết quả đầu tư phát sinh từ khoản đóng góp, sau khi chi trả phí cho các tổ chức cung cấp dịch vụ. Do mang tính chất an sinh xã hội nên Nhà nước đóng vai trò giám sát, tạo cơ chế.

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động: Chính sách BHHTBS sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động với mức lương hưu cải thiện khi nghỉ hưu. Trên thực tế, đã có doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư ở Việt Nam triển khai mô hình này. Tuy nhiên, việc thiết kế chính sách ban đầu quan trọng, nhất là giai đoạn thí điểm và cần tham khảo quốc tế. Đề án cần xác định những ràng buộc liên quan trước khi thực hiện. Trên thực tế, việc đóng bảo hiểm xã hội dành cho hưu trí cơ bản còn nhiều doanh nghiệp trốn, chây ỳ nên với hình thức tự nguyện của BHHTBS cần thay đổi cách thức tổ chức để minh bạch hơn, ưu việt hơn.

Lương hưu sẽ tăng khi triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung
Lương hưu sẽ tăng khi triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đang hoàn thiện đề án triển khai thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định thực hiện thí điểm từ tháng 1/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN