Sức sống mới của vùng đất Hồ Thầu

Xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, một trong những vùng đất cách mạng của tỉnh Lai Châu đang đổi thay từng ngày.

 

Con đường bê tông dài 3 km vào bản Chù Lìn.

 

Đến Hồ Thầu, hỏi nhà cụ Tẩn A Sảo ai cũng biết bởi cụ là Phó Chủ tịch xã từ năm 1963 - 1973 và là một trong số ít người chứng kiến thời gian “bộn bề” khó khăn của Hồ Thầu. Nguyên Phó Chủ tịch xã Hồ Thầu Tẩn A Sảo kể: Ngày đó trên 90% dân số của xã không đủ lương thực và thực phẩm, người dân bị ốm không có thuốc chữa bệnh... Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất này ngày nào cũng bị phỉ, phản động hoành hành. Bà con phải lên nương, lên rừng, ở phân tán vì sợ bị địch phát hiện. Khó khăn là vậy nhưng quân dân như một, tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, người dân Hồ Thầu đã chiến đấu anh dũng để giải phóng quê hương.


Ngày nay, vùng đất cách mạng năm xưa đã và đang chuyển mình đi lên. Với tiềm năng sẵn có về rừng, ruộng nước, cùng những chương trình 134, 135... của Chính phủ, xã đã vận động người dân trồng mới hàng chục ha rừng, trồng xen cây thảo quả dưới tán rừng, đồng thời tham gia những dự án trồng cây ăn quả có giá trị cao như dẻ Trùng Khánh, cây Mắc ca, mít Thái Lan... Các công trình thủy lợi, bể chứa nước sạch bằng bê tông được xây dựng thay cho những đồ đựng nước bằng máng cây và chum vại. Hầu hết số hộ gia đình đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Mặc dù phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, song thấy rõ lợi thế có quốc lộ 4D chạy qua, chính quyền xã đã vận động nhiều hộ dân phát triển thêm các loại hình dịch vụ, kinh doanh. Nông sản được bày bán dọc bên đường vừa mang lại thu nhập cao, ổn định, vừa quảng bá đặc sản nông nghiệp cho xã.


Bản Chù Lìn cách trung tâm xã Hồ Thầu không xa. Con đường mòn dẫn vào chỉ vừa bước chân người lớn. Lầy lội bùn đất mỗi lúc trời mưa khiến khó khăn càng nhân lên khi đến với bản. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Chù Lìn hôm nay đã có đường bê tông rộng đẹp dài gần 3 km được xây dựng từ chương trình nông thôn mới. Với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", con đường có sự đóng góp hàng trăm ngày công của bà con trong bản. Xã vận động bà con khai thác nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương đồng thời huy động tối đa lực lượng tham gia, nên con đường được hoàn thành trong thời gian ngắn. Anh Chẻo Kim Bình, dân tộc Dao phấn khởi nói: Khi không có đường bê tông, mình toàn cưỡi trâu, cưỡi bò ra trung tâm xã cho đỡ bùn lầy. Nhờ có Nhà nước quan tâm, giờ thì bà con có thể "cưỡi" xe máy trên đường mà không sợ lầy lội.


Ông Đỗ Đăng Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, số hộ có đời sống kinh tế khá, giàu ngày càng tăng lên. Từ một xã đa phần là hộ đói nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 30% theo tiêu chí mới; thu nhập bình quân đầu người tuy còn thấp, nhưng đã khá hơn nhiều so với những năm trước, đạt trên 7,7 triệu đồng/người/năm; 100% số bản của xã đã có Chi bộ Đảng... Đáng mừng hơn là bà con dân tộc đã biết đầu tư cải tạo giống vật nuôi, thâm canh cây trồng. Nhiều hộ còn chủ động sử dụng các loại máy cơ giới hóa nông nghiệp; tham gia trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, nhờ hưởng nguồn lợi từ rừng mà đời sống cũng khá hơn. Đây là hiệu quả từ việc thành lập những tổ nông nghiệp chuyên trách xã và bản để cán bộ xuống từng hộ dân "cầm tay chỉ việc". Sắp tới xã sẽ vận động bà con trồng, mở rộng thêm diện tích cây thảo quả và xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo của xã.


Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng nỗ lực của bà con, Hồ Thầu trong tương lai sẽ ghi thêm những thành tích mới trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.


Bài và ảnh: Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN