Để cây dong riềng xóa được nghèo

Những năm gần đây, cây dong riềng được xác định là cây đột phá của huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn trong việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Phù hợp thổ nhưỡng

 


Năm 2013, gia đình ông Hoàng Văn Toản, dân tộc Dao, ở thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, được hỗ trợ vốn, giống trồng 5.000 m2 dong riềng trên đất bãi từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 30a. Nhìn ruộng dong riềng lên xanh mơn mởn, ông Hoàng Văn Toản tin tưởng chắc chắn vụ thu hoạch cuối năm sẽ cho năng suất, sản lượng cao. Ông Hoàng Văn Toản cho biết: “Trồng dong riềng không phải đầu tư nhiều, mỗi ha chỉ hết khoảng sáu triệu đồng mua giống, ba triệu đồng mua phân bón từ tiền được hỗ trợ, gia đình chỉ phải cuốc hố trồng, một hai lần rẫy cỏ, vun gốc là chờ đến kỳ cho thu hoạch”.


 

Cây dong riềng phát triển tốt trên địa bàn huyện Pác Nặm.

 

Theo ông Hoàng Văn Vanh, Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu: Năm 2013 xã Giáo Hiệu trồng được 43,3 ha dong riềng, một số diện tích cây đang trong giai đoạn ra hoa, hình thành củ, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tham khảo từ các xã bạn, năng suất cây dong riềng cao nhất có thể đạt hơn 100 tấn củ/ha, với giá bán khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg, thì mỗi ha cũng cho thu về khoảng 110 triệu đồng, một nguồn thu không nhỏ đối với địa phương vùng cao như xã Giáo Hiệu.


Thực tế cho thấy, cây dong riềng phù hợp với đất dốc, đồi bãi, tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, khí hậu trên địa bàn huyện và đến nay ở huyện Pác Nặm chưa có loại cây màu nào mang lại giá trị kinh tế cao như dong riềng.


Bà Lê Thị Lương, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm cho biết: "Với mục tiêu đưa dong riềng trở thành cây chủ lực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho bà con, năm 2012, huyện Pác Nặm dùng kinh phí sự nghiệp Chương trình 30a hỗ trợ nông dân toàn bộ giống trồng cây dong riềng. Năm nay, cây dong riềng được trồng ở hầu hết các xã trong huyện, với diện tích gần 220 ha, tăng ba lần so với năm trước".

 

Tìm "đầu ra"

 


Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho rằng: “Dong riềng là một loại cây rất có tiềm năng, dễ canh tác và mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân nên UBND huyện đang tìm mọi cách hỗ trợ các cơ sở chế biến ngay trên địa bàn, nhằm tiêu thụ hết sản lượng dong riềng cho nông dân, ổn định giá cả”.


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi được chế biến tại chỗ, cây dong riềng có thể mang lại chuỗi giá trị tăng thêm 20% nếu nghiền thành bột, còn nếu sản xuất thành miến sẽ tăng thêm 30% nữa. Việc chế dong riềng trên địa bàn cũng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ trong thời gian bốn tháng với mức thu nhập ba triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, năm nay diện tích và sản lượng dong riềng dự kiến đều tăng (khoảng gần 9.000 tấn củ), trong khi đó công suất của các cơ sở chế biến hiện có gần như không tăng. Nếu các dây chuyền này hoạt động đúng tiến độ, công suất, cùng các cơ sở chế biến hiện có trên địa bàn thì sẽ thu mua hết sản lượng củ dong riềng cho nông dân. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở này đang đứng trước khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, điện để chạy máy, kinh nghiệm quản lý.


Để cây dong riềng thực sự trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Pác Nặm cần chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân nghiên cứu hướng đi, tìm đầu ra cho sản phẩm, kể cả phương án liên kết vùng; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dong riềng theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo hộ thương hiệu; bố trí nguồn vốn khuyến công, hỗ trợ kinh phí cho các nhóm hộ mua máy móc, dây chuyền sản xuất, chế biến dong riềng. Có như vậy, cây dong riềng mới có chỗ đứng trên thị trường, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn yên tâm phát triển cây dong riềng, ổn định cuộc sống ngay trên đồng đất quê hương, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.


Bài và ảnh: Minh Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN