Ukraine tưởng niệm 29 năm thảm họa Chernobyl

Ngày 26/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đến thăm Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl và đặt vòng hoa tại tượng đài các anh hùng xử lý hậu quả nhân dịp 29 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử.

Tổng thống Ukraine Poroshenko.


Theo hãng thông tấn TASS của Nga, phát biểu trước các nhân viên nhà máy, Tổng thống Poroshenko tuyên bố cho đến nay Ukraine vẫn đang tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả lớn nhất của thảm họa Chernobyl, và những hậu quả đó sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa.

Tổng thống cảm ơn những người đã dũng cảm bất chấp tính mạng và sức khỏe của mình để bảo vệ cả thế giới trong những ngày xảy ra vụ nổ năm 1986, cũng như đông đảo những người từ đó đến nay tham gia khắc phục hậu quả, liên quan đến việc phục hồi lại toàn bộ khu vực lân cận, đảm bảo an toàn cho Nhà máy Chernobyl, xây dựng "quan tài" nặng 20.000 tấn úp lên toàn bộ vùng tổ máy bị nổ để ngăn phóng xạ.

Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh rằng Ukraine vẫn là "tâm chấn" của thảm họa đó và trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Ukraine đang rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để giải quyết hậu quả.

Cũng tại buổi lễ, phó giám đốc dự án xây dựng hầm ngăn phóng xạ Viktor Zalizetsky cho biết hiện Ukraine còn cần 500 triệu euro trong tổng giá trị dự án 1,425 tỷ euro để hoàn tất vào năm 2017. Ông hy vọng tại hội nghị các nhà tài trợ vào ngày 29/4 tới đây ở Anh, vấn đề huy động số tiền trên sẽ được thảo luận.

Ngày 26/4/1986, tổ máy số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl phát nổ, gây ra nguy cơ nhiễm xạ cho một khu vực rất rộng ở châu Âu, trong đó trung tâm là Ukraine, Belarus và Nga. Theo ước tính, lượng phát xạ từ tai nạn này tương đương 400 quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Con số chính thức của Liên hợp quốc (LHQ) về thương vong trong vụ nổ là 31 người bao gồm nhân viên nhà máy và các lính cứu hỏa, song nhóm chuyên gia môi trường của Tổ chức Hòa bình Xanh Greenpeace dự báo số người chết do bệnh ung thư, hậu quả của nhiễm xạ, lên tới 100.000 người.

Sau thảm họa, Chính quyền Liên Xô cũ đã cho xây dựng hầm thép úp lên toàn bộ khu vực xảy ra vụ nổ để ngăn rò rỉ chất phóng xạ. Dự án hiện nay nhằm xây mới một hầm kiên cố hơn, có khả năng bền vững 100 năm. Theo kế hoạch dự án phải hoàn tất vào cuối năm 2015, song nhà đầu tư Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho biết thời hạn phải lui lại đến tháng 11/2017 vì một số lý do kỹ thuật.


TTXVN/Tin tức
Nga, Ukraine và Belarus ra tuyên bố chung về thảm họa Chernobyl
Nga, Ukraine và Belarus ra tuyên bố chung về thảm họa Chernobyl

Các Phái đoàn đại diện thường trực của Nga, Ukraine và Belarus tại LHQ đã ra tuyên bố chung nhân dịp tưởng niệm lần thứ 28 ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl (26/4/1986-2014), khiến cả 3 nước trên, khi ấy còn là thành viên của Liên Xô trước đây, đều trở thành nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN