Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Truyền thống - Liên kết - Bứt phá

Ngày mai 9/5, Chính phủ sẽ công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ trước thềm sự kiện quan trọng này.

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến ngày 9/5/2024, Chính phủ sẽ công bố Quy hoạch quan trọng này.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phát huy nhanh, hiệu quả các giá trị truyền thống, kết hợp với khai thác các cơ hội mới, bắt kịp xu thế của thế giới, thông qua việc tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 6 chữ: Truyền thống - Liên kết - Bứt phá, để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về "Truyền thống", theo Bộ trưởng Nguyễn Chí  Dũng, vùng Đồng bằng sông Hồng có “quá nhiều những giá trị truyền thống về mọi mặt", là lợi thế lớn, nhưng cũng là thách thức lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó, đặc biệt là thoát ra khỏi tư duy phát triển “cũ” có tính truyền thống, xác lập tư duy phát triển mới, tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng. Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.

Về "Liên kết", quy hoạch tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong vùng và hạn chế các xung đột, triệt tiêu động lực của các địa phương trong mối quan hệ hữu cơ với nhau.

Nhấn mạnh về "Bứt phá", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Quy hoạch vùng cần có sự bứt phá trong việc tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt, nói cách khác chính là thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển gắn liền với các đặc thù của vùng, phát huy được các giá trị truyền thống, song phải đổi mới mạnh mẽ, hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển.

Hiện nay, toàn bộ Hồ sơ Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được chuyển giao cho địa phương và thông tin công khai tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thế Đoàn/Báo Tin tức
Biển quảng cáo và xe cộ bủa vây các giàn hoa trang trí đô thị
Biển quảng cáo và xe cộ bủa vây các giàn hoa trang trí đô thị

Sau khi cải tạo, trên vỉa hè đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện nhiều giàn hoa độc đáo với mục đích tạo cảnh quan đô thị, phục vụ người đi bộ. Nhưng tại nhiều vị trí, hoa chưa kịp nở thì giàn hoa đã bị biển quảng cáo, xe cộ bủa vây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN