Quy định rõ trách nhiệm của người gây lãng phí

Nước ta còn nghèo nhưng một bộ phận lớn chính quyền, người dân lại chưa biết tiết kiệm. Tâm lý “tiền chùa”, “cha chung không ai khóc” tồn tại đã lâu. Đường vừa làm xong, chưa khô mặt đã có đơn vị khác tới đào lên, chôn cáp, ống nước, dây điện…, nhiều công trình xây xong từ lâu, nhưng lại “đắp chiếu” để đấy, gây nhức nhối cho xã hội.

 

Hội họp gây lãng phí


Không khí bao trùm trong phiên thảo luận hôm qua của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) là tâm trạng băn khoăn, xót xa trước thực trạng lãng phí đang phổ biến toàn xã hội.


Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phát biểu. Ảnh:Trọng Đức - TTXVN


Một số vị đại biểu Quốc hội đã dẫn chứng những việc cụ thể trong các kỳ họp Quốc hội còn gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu, qua nghiên cứu, tôi cho rằng, chúng ta nên rút ngắn thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội xuống từ 5 - 10 ngày. Tại kỳ họp này, thay vì họp 41 ngày, chúng ta có thể rút ngắn xuống còn khoảng 30 ngày. Cần sắp xếp, bố trí thời gian một cách hiệu quả hơn. Chỉ đem ra bàn luận với những vấn đề lớn, ảnh hưởng tới quốc gia. Có như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian, ngân sách nhà nước.


Theo đại biểu Tuấn, một chuyên gia cung cấp thông tin rằng, mỗi phút Quốc hội họp tại hội trường thì Nhà nước phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng cho kinh phí hoạt động. Bình quân, một ngày Nhà nước chi ra khoảng 1 tỷ đồng cho họp Quốc hội. “Một tỷ đồng không lớn nếu chúng ta thảo luận và giải quyết được các vấn đề quan trọng, mang lại lợi ích cho nhân dân, cho quốc gia. Nhưng 1 tỷ đồng cho một ngày họp sẽ rất lớn nếu chúng ta không làm được những việc đó”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay trong các tổ chức hội nghị, hội thảo, các chuyên đề liên quan đến Quốc hội còn lãng phí. Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) dẫn chứng, bản in các dự thảo luật gửi đến cho đại biểu Quốc hội toàn bằng giấy trắng, dày, có quyển còn đóng bìa, in màu rất đẹp. Sau đó các tài liệu này không được sử dụng nữa. Có những văn bản, thư mời, gợi ý thảo luận nội dung rất ngắn, chúng ta sử dụng cả một tờ giấy trắng, trong khi có thể thu nhỏ một nửa khổ A4 là đủ. “Tôi cảm thấy rất xót xa khi thực tế có nhiều học sinh không đủ tiền để mua vở sử dụng khi đi học. Nhưng ở cơ quan Nhà nước việc sử dụng giấy, văn phòng phẩm hiện nay rất lãng phí và vô tư”, đại biểu Thảo nói.


Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều hội thảo liên quan đến Quốc hội, không phù hợp với nhu cầu của đại biểu nhưng các đại biểu vẫn phải tốn thời gian, chi phí để tham dự các buổi này.


Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), đã nêu một trường hợp rất cụ thể là trong thời gian kỳ họp thứ 5 của Quốc hội ngày 17/6/2013, có một bộ tổ chức hội nghị tập huấn về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Giấy mời phát đi, các sở, đơn vị trực thuộc bộ của cả nước về dự, khoảng vài trăm người. Sáng hôm đó, khi đại biểu đến nơi thì được phát giấy thông báo hoãn họp vì lãnh đạo bộ bận. Theo đại biểu Chi, từ Phú Yên ra Hà Nội họp, tính cả tiền vé máy bay, lưu trú đi về tốn khoảng 8 triệu đồng. Tiền này không phải lãng phí ngân sách của bộ nhưng lại là lãng phí từ các đơn vị được mời về dự họp. Vậy lãng phí đó ai phải chịu trách nhiệm và có bị kỷ luật hay không, chế tài xử lý như thế nào.


“Chưa kể đến một số đại biểu Quốc hội còn đang giữ những vai trò trọng trách của các tỉnh, thành phố. Nếu tham gia kỳ họp kéo dài như hiện nay thì công việc ở địa phương rất khó giải quyết. Nếu về thì phải tốn rất nhiều chi phí, vé máy bay, xe đưa, xe đón. Còn nếu ở lại thì công việc sẽ bị đình trệ”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bổ sung.


Không thể đong đếm…


Những câu chuyện về lãng phí được các đại biểu Quốc hội liệt kê ở trên là những việc mà “mắt thấy, tai nghe” được. Còn những việc chưa thể đong đếm được về độ lãng phí như: một bộ phận không nhỏ công chức Nhà nước, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, sử dụng thời gian chung để làm việc riêng. Hay việc chi tiêu nội bộ của các đơn vị thì dân không thể biết được.


Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhận xét: “Tôi không biết trên thế giới có nước nào nhiều xe công như chúng ta, ngoài kinh phí mua xe hàng năm còn phải chi tiền một khoản không nhỏ theo xe như: mua bảo hiểm, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn, xăng xe, biên chế và chi phí cho lái xe. Ngay việc quản lý sử dụng xe công thế nào cho đúng, cho hiệu quả cũng tốn không ít giấy mực bàn luận của các nhà quản lý”.


Ngân sách nhà nước còn eo hẹp nhưng không ít các đơn vị và người có thẩm quyền lãng phí trong việc sử dụng ngân sách, ý thức tiết kiệm chưa cao, công tác quản lý sử dụng còn thiếu chặt chẽ và để xảy ra lãng phí còn nhiều.


Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu ví dụ, trên thực tế không ít các dự án của các bộ, ngành khi xét riêng thì chúng ta không thấy lãng phí nhưng khi xem xét tổng thể thì sự lãng phí lại không hề nhỏ. Đó là tình trạng đào đường, đào vỉa hè để chạy đường điện, đường nước, đường cáp ngầm. Do thiếu sự phối hợp khi triển trai thực hiện nhiệm vụ đã dẫn đến tình trạng đào bới vỉa hè nhiều lần gây lãng phí về tiền của công sức và cản trở sự đi lại của nhân dân nhưng cũng không quy được trách nhiệm cho cơ quan hay bộ, ngành nào.


Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức để… giải ngân tiền dự án hơn là đi vào thực chất. Việc lãng phí, thất thoát diễn ra hàng ngày nhưng ít thấy có vụ việc nào được đưa ra xử lý, hoặc có xử lý cũng chỉ ở mức xử lý nội bộ, ít mang tính răn đe. Gây hậu quả lớn nhưng khó quy trách nhiệm.


Do đó, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, phải có quy định cứng, có chế tài xử lý, không nên quy định mang tính nguyên tắc như trong luật hiện nay.


Đa số các đại biểu đều cho rằng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần quy định rõ ràng trách nhiệm của những người gây lãng phí. Đồng thời, luật phải có chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe hơn như một khẩu hiệu kêu gọi phong trào toàn dân “chống lãng phí” chung chung như hiện nay.



Phi Sơn

Lãng phí nghìn tỷ, chưa kỷ luật được ai
Lãng phí nghìn tỷ, chưa kỷ luật được ai

Xác định trách nhiệm cụ thể là điều mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) (ảnh), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 4/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN