Những nhà báo liệt sĩ Việt Nam Thông tấn xã ngã xuống cho dòng tin chảy mãi

Để có những dòng tin, bức ảnh nơi chiến sự nóng bỏng, kịp thời chuyển tải thông tin đến nhân dân cả nước, hàng trăm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận như những người lính.

Chú thích ảnh
Điện báo viên VNTTX dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN.

Lính Thông tấn luôn xung kích ra trận

Cứ vào dịp tháng 7 hàng năm, ngôi nhà nhỏ của bà Phương Bích Ngân ở quận Long Biên, TP Hà Nội lại đón các cán bộ, phóng viên TTXVN đến thăm hỏi, tặng quà và thắp hương cho chồng bà - nhà báo, liệt sĩ Thẩm Đức Hòa, hy sinh năm 1967 tại Mặt trận phía tây Thừa Thiên - Huế.

Nhà báo Thẩm Đức Hòa (sinh năm 1931) lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp khi chưa đầy 17 tuổi. Năm 1960, ông là phóng viên quân sự của Việt Nam Thông tấn xã, ông là phóng viên xông xáo, bám sát bộ đội và có những bài viết sinh động hấp dẫn. Ngày 23/11/1967, ông anh dũng hy sinh khi tham gia đưa tin tại mặt trận.

Hơn 50 năm kể từ khi chồng hy sinh, bà Phương Bích Ngân vẫn giữ gìn rất cẩn thận những bức thư của ông như những báu vật. Những câu chuyện về ông vẫn được bà kể lại cho con cháu nghe trong niềm xúc động. Do đặc thù công việc nên ngày còn trẻ, hai ông bà thường xuyên phải xa nhau, trong những khoảng thời gian đó, những bức thư qua lại chính là nguồn cổ vũ, động viên và sức mạnh lớn lao giúp cả hai người vượt qua gian khó. 

“Có một bức thư không đề ngày tháng nhưng viết trong khoảng thời gian trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Tôi nhớ mãi có đoạn anh viết: “Chúng ta tạm xa nhau để rồi sống bên nhau mãi mãi, vượt mọi khó khăn tạm thời để giành lấy hạnh phúc lâu dài. Chúng ta rất sung sướng và vinh dự được hiến dâng tuổi trẻ của mình cho cách mạng, cho Đảng, nay lại đem hết sức lực của mình đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Cuộc sống không còn có hạnh phúc nào hơn thế nữa...". Lời dặn dò của ông ấy là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn sau này”, bà Ngân xúc động kể lại. 

Ngày 19/11/1967, nhân kỷ niệm một năm ngày vợ được kết nạp Đảng, nhà báo Thẩm Đức Hòa gửi thư tâm sự với “người đồng chí thân thiết nhất của mình”, mong muốn vợ mình trở thành đảng viên tốt và không quên dặn dò: “Anh vẫn khỏe, đủ sức đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước ta đến thắng lợi huy hoàng”. Không ngờ, lá thư đó lại là lá thư cuối cùng mà nhà báo Thẩm Đức Hòa gửi về cho gia đình. Bốn ngày sau (23/11/1967), nhà báo Thẩm Đức Hòa hy sinh tại mặt trận phía tây Thừa Thiên - Huế trong tư thế của một nhà báo - chiến sĩ. 

Chú thích ảnh
Phó Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang thăm hỏi gia đình nhà báo liệt sỹ Bùi Đình Túy. Ảnh: Nội san Thông tấn.

Cũng như bà Ngân, mỗi khi nhắc đến người cha của mình - nhà báo, liệt sĩ Bùi Đình Túy (nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng - TTXGP), ông Bùi Đình Toái vẫn không khỏi khắc khoải. Ngay từ khi ông còn nhỏ, hai cha con đã thường xuyên phải xa cách vì cha ông thường phải đi các chiến trường làm nhiệm vụ. 

Nhà báo, liệt sĩ Bùi Ðình Túy sinh năm 1914, ông dấn thân đi làm cách mạng khi mới 22 tuổi. Sau đó, ông được cử vào Nam, là một trong những người tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn năm 1945. Từ năm 1954 - 1965, ông ra Bắc tập kết, gia nhập đội ngũ những người làm báo Thông tấn. Đến năm 1965, nhà báo Bùi Ðình Túy được VNTTX cử vào Nam chiến đấu với cương vị Phó Giám đốc TTXGP. Hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, sức khỏe lại yếu, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa là một nhà quản lý, tổ chức giỏi, vừa là một phóng viên chiến trường tài ba. 

Ngày 21/9/1967, trên đường trở về sau khi tác nghiệp tại Ðại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 2, đoàn công tác của nhà báo Bùi Ðình Túy bị máy bay Mỹ tấn công. Ông trúng bom bi, hy sinh ngay tại chỗ. 

Sau ngày đất nước thống nhất, ông là nhà báo cách mạng đầu tiên được vinh danh bằng cách đặt tên đường phố. Hiện một con đường và cây cầu ở phường 12, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh mang tên nhà báo Bùi Ðình Túy.

Nhiều phóng viên khác của TTXGP cũng đã hi sinh trong quá trình tác nghiệp như phóng viên Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) Nguyễn Thành Công hy sinh khi về ấp chiến lược Nhơn Hòa Lập nắm tình hình viết tin “diệt ác phá kìm” năm 1973. Phóng viên Bùi Văn Thưởng (bút danh Võ Phát Thưởng) của Phân xã Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), hy sinh lúc làm tin chiến sự tại xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè) năm 1969. 

Phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh trong lúc bám theo một đơn vị để chụp ảnh truy kích xe tăng địch tại mặt trận Quảng Trị trong chiến dịch “81 ngày đêm đỏ lửa”. Năm 2007 phóng viên Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật với tác phẩm ảnh “Đấu pháo ở Dốc Miếu” và năm 2016 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại”...

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, TTXVN không ngừng lớn mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, TTXVN đã có hơn 260 cán bộ, phóng viên đã anh dũng hy sinh, 30 đồng chí bị thương tật các hạng 1 đến hạng 4, chưa kể nhiều đồng chí bị thương tật suốt đời, bị nhiễm chất độc da cam. 

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Công lao của các nhà báo liệt sĩ của TTXVN đã được nhà nước ghi nhận khi TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ngoài ra TTXVN cũng đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. 

Viết tiếp những trang sử vẻ vang của lớp đàn anh đi trước, các phóng viên TTXVN tại 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 30 cơ quan thường trú ở khắp các châu lục luôn nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới. 

Chú thích ảnh
Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh thăm gia đình liệt sỹ Đỗ Văn Đạt. Ảnh: Nội san Thông tấn.

Những năm qua, Ban lãnh đạo, cán bộ của TTXVN luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm lo đời sống gia đình liệt sỹ, thương binh của ngành. Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên đán và ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, TTXVN đều tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà các thương binh, gia đình liệt sĩ, tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của TTXVN tại các nghĩa trang liệt sĩ. 

Ban lãnh đạo cơ quan TTXVN cũng rất quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là cán bộ TTXVN đã hy sinh trên các chiến trường. Nhiều đoàn cán bộ của TTXVN đã được cử đến những nghĩa trang liệt sĩ, chiến trường xưa, sang đất bạn Lào, Campuchia để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Sau nhiều năm tìm kiếm, TTXVN đã quy tập được 30 mộ liệt sĩ TTXVN đưa về quê nhà an táng theo yêu cầu của gia đình hoặc đưa về nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội, nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. 

Cùng với đó, TTXVN cũng tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ của ngành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đến nay, TTXVN đã xây dựng được 7 nhà tình nghĩa, 4 nhà tình thương, số tiền xây dựng chủ yếu do cán bộ nhân viên của cơ quan đóng góp bằng nhiều ngày lương của mình. 

Để ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, TTXVN đã đề nghị Hội Nhà báo truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí cho 218 nhà báo liệt sĩ. TTXVN đã truy tặng Huy chương vì sự nghiệp Thông tấn cho 125 liệt sĩ của ngành.

Tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Ban lãnh đạo cơ quan đã xây dựng bia tưởng niệm hơn 260 liệt sĩ của ngành, làm dấy lên phong trào "Uống nước, nhớ nguồn", tri ân các bậc tiền bối trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Mới đây, chia sẻ nhân 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành là trách nhiệm của mỗi phóng viên, biên tập viên, cán bộ TTXVN. 

“Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành từ sau năm 1975 đến nay, tôi có thể khẳng định rằng, đội ngũ những người làm báo TTXVN đã và đang viết tiếp các trang vàng lịch sử của ngành. Trân trọng và biết ơn các thế hệ đi trước, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm của mình, càng phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với quá khứ và thích ứng tốt với tương lai”, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định. 

Thu Trang/Báo Tin tức
TTXVN tri ân các Nhà báo- Liệt sỹ nhân dịp 27/7
TTXVN tri ân các Nhà báo- Liệt sỹ nhân dịp 27/7

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020), TTXVN đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ, các Nhà báo – Liệt sỹ của TTXVN đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN