Nhận thức về vị trí, vai trò cải cách tư pháp nâng lên rõ rệt

Ngày 9/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Nam.

Đồng chủ trì hội nghị có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương từ Đà Nẵng trở vào.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham gia hội nghị, góp phần để Ban chỉ đạo hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị trong thời gian tới. Điểm qua một số nét sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 49, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chiến lược cải cách tư pháp đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng từ cơ sở đến Trung ương thời gian qua triển khai một cách rất tích cực; vai trò vị trí của các cơ quan tư pháp, quyền tư pháp cũng như công tác cải cách tư pháp được ủng hộ, kết quả đã thể hiện rất rõ trong đời sống. Mặt khác, nhận thức của cán bộ, đảng viên, của nhân dân về vị trí vai trò của các cơ quan tư pháp, quyền tư pháp, của các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp đã tăng lên rất rõ so với cách đây 8 năm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN


Chủ tịch nước cho rằng, sự cần thiết phải tiến hành công tác cải cách tư pháp, việc xây dựng hệ thống pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tư pháp từng bước được thực hiện theo đúng định hướng của Đảng. Việc thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, kết hợp với kết quả điều tra tố tụng làm cơ sở chắc chắn cho các phán quyết của tòa án có sức thuyết phục cao cho dư luận xã hội; đồng thời, đổi mới tổ chức hoạt động công chứng, giám định, chất lượng luật sư bước đầu đã đạt kết quả tích cực.

Số lượng và chất lương đội ngũ cán bộ tư pháp đã được nâng lên rõ rệt, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tư pháp từng bước được cải thiện; tiêu chuẩn, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp cơ bản đã được thể chế hóa rõ ràng; đồng thời việc đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp được quan tâm hơn. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tất cả những kết quả trên đã tăng thêm sự tôn nghiêm của pháp luật, hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động tư pháp được tăng cường phù hợp với đường lối chung của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã chỉ ra một số mặt còn tồn tại, yếu kém như: công tác triển khai nhiệm vụ thực hiện chiến lược cải cách tư pháp còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo đươc tính hệ thống, chưa theo đúng lộ trình và chưa ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của Nghị quyết 49 đề ra.

Theo Chủ tịch nước, vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và thủ tục tư pháp, tổ chức các hoạt động tư pháp cũng có mặt chậm, thiếu đồng bộ. Việc thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng ở phiên tòa còn hạn chế. Chất lượng công tác điều tra, truy tố xét xử và thi hành án có mặt hạn chế, làm cho một bộ phận nhân dân chưa thật sự tin tưởng tuyệt đối vào hoạt động tư pháp. Mặt khác, việc phân bổ ngân sách cho hoạt động tư pháp nhìn chung chưa thực hiện đúng theo Nghị quyết 49.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp còn thấp so với các cơ quan khác trong bộ máy hành chính; công tác giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức đoàn thể xã hội hiệu quả chưa cao. Sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với một số nhiệm vụ cải cách tư pháp ở một số nơi bị buông lỏng, thiếu kiểm tra đôn đốc; sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng với các cơ quan tư pháp với nhau và với các đảng ủy địa địa phương cũng chưa thật sự chặt chẽ.

Chỉ ra các nguyên nhân của những hạn chế trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về cải cách tư pháp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 49. Vẫn còn một bộ phận xem nhẹ vai trò của cơ quan tư pháp, việc nghiên cứu cơ sở lý luận và tổ chức hoạt động của cơ quan tư pháp còn nhiều mặt hạn chế; chưa chắt lọc thật đầy đủ và được luật hóa đầy đủ hơn về mối quan hệ, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp với cơ quan lập pháp, hành pháp cũng như giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp với nhau. Vẫn còn một số tổ chức cơ quan, cá nhân vì lợi ích cục bộ hoặc ngại khó nên chưa có thái độ dứt khoát, kiên quyết mà rơi vào do dự, chưa thật sự quyết tâm thực hiện Nghị quyết 49.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao bản dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời tham gia thảo luận làm rõ thêm một số nội dung về quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp, nhất là phù hợp với Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua; công tác xã hội hoá trong công tác bổ trợ tư pháp, đổi mới hoàn thiện việc phân bố ngân sách cho các cơ quan tư pháp...

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, hiện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đang xây dựng kế hoạch thành lập các tổ công tác chuyên ngành để xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết; hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá những kết quả đã đạt được; đồng thời rà soát lại những quan điểm còn chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, chỉ ra những việc đã làm được, chưa làm được, việc gì bức bách hoặc không phù hợp, những gì phát sinh mới cần phải đề ra giải pháp, chủ trương kịp thời. Việc thực hiện chiến lược này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp nước nhà. Mục tiêu chung là xây dựng một nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ đất nước, bảo vệ nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.


Hoàng Anh Tuấn

Cần hiểu đúng về quyền con người ở Việt Nam
Cần hiểu đúng về quyền con người ở Việt Nam

“Việt Nam là một trong những nước rất năng động và đạt được tiến bộ phát triển con người rất nhanh”, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam - đã đưa ra nhận định trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN