Nhân 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng - Bài cuối: Những nữ tuyên giáo về xã

Việc luân chuyển cán bộ về cơ sở là chủ trương lớn của Đảng, giúp cán bộ trưởng thành, có thêm điều kiện cọ xát với thực tiễn ở địa phương. Tại Nghệ An chủ trương này đã trở thành hiện thực và đang phát huy được tác dụng; nhiều cán bộ được tăng cường, luân chuyển, điều động về cơ sở có cả những cán bộ tuyên giáo. Thực tế về cơ sở với môi trường làm việc, công việc mới, chia sẻ của họ sẽ là những bài học, kinh nghiệm và là những ý kiến cho công tác điều hành, quản lý tại địa phương, cho việc tăng cường cán bộ về cơ sở.

Không ngại việc khó

Xã Bồi Sơn nằm ở phía Tây Bắc huyện Đô Lương, cách trung tâm huyện khoảng 6 km; dân số 1.200 hộ, với 4.400 khẩu, trong đó có 230 đảng viên sinh hoạt tại 6 chi bộ. Tình hình kinh tế của xã cơ bản là thuần nông, diện tích đất nông nghiệp trên 661 ha. Trước khi luân chuyển về xã Bồi Sơn làm Bí thư Đảng ủy xã thì chị Lê Thị Hồng Hà là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đô Lương.

Chú thích ảnh
 Chị Lê Thị Hồng Hà, Phó ban Tuyên giáo huyện Đô Lương được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Bồi Sơn (Đô Lương, Nghệ An). 

Chị Lê Thị Hồng Hà tâm sự: Ở cấp huyện thì cơ bản chỉ làm công tác chuyên môn, tham mưu mảng tuyên giáo cho Ban thường vụ Huyện ủy, còn về làm Bí thư Đảng ủy xã, có nghĩa là phải bao quát rộng trên tất cả mọi lĩnh vực trên địa bàn xã. Khác với trước đây khi còn làm việc ở Ban Tuyên giáo, tại xã phải lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tất cả mọi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, bao gồm hệ thống chính trị, điều hành chính quyền bằng chủ trương, đường lối. Tại địa phương thì rất nhiều vấn đề thường xuyên nảy sinh, như an ninh xã hội, quản lý về tài nguyên khoáng sản và những vấn đề khác liên quan đến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, rồi những kiến nghị, vướng mắc của nhân dân… Thuận lợi khi về xã, đó là nhận được sự đồng thuận, giúp đỡ của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn, tinh thần đoàn kết.

Nói rõ hơn về thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, chị Hà cho biết, ở xã Bồi Sơn, cán bộ công chức có 19 đồng chí, hầu hết được đào tạo cơ bản, đáp ứng được tiêu chuẩn về chính trị, cơ bản đạt chuẩn trình độ theo quy định đối với cấp xã. Tuy nhiên cũng có những khó khăn riêng, đó là trước đây khi ở tuyên giáo thì thường chỉ đi sâu vào một lĩnh vực, về xã thì phải điều hành, điều tiết trên toàn bộ các lĩnh vực cho nên có những vấn đề khi xử lý trong thực tế có những lúc chưa được nhuần nhuyễn.

Minh họa thêm vấn đề trên, chị Lê Thị Hồng Hà thẳng thắn thừa nhận, khi mới về xã, kỹ năng nghiệp vụ của mình có những lúc thiếu nhuần nhuyễn, có lúc còn lúng túng, chưa linh hoạt trong chỉ đạo, xử lý các vấn đề thực tế tại địa phương. Lường trước những khó khăn đó, ngoài nỗ lực của mình, chị đã luôn tranh thủ sự giúp đỡ của Ban Thường vụ Huyện ủy, các ngành ở huyện. Khi xảy ra vấn đề gì ngoài khả năng giải quyết của mình thì luôn tranh thủ xin ý kiến cấp trên, ý kiến của cán bộ xã qua các thời kỳ, kinh nghiệm xử lý các vụ việc của các đơn vị trên địa bàn. Cũng nhờ vậy, từ những bỡ ngỡ ban đầu khi về xã, đến nay qua 2 năm công tác tại xã, chị đã quen được với công việc, khẳng định được vai trò, vị trí của mình tại địa phương.

Nói về những thành tích của xã Bồi Sơn, chị Lê Thị Hồng Hà, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã Bồi Sơn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017. Cơ bản là nhân dân làm nông nghiệp, nhưng sự nỗ lực, đồng hành của nhân dân là rất cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra đến năm 2020 đưa xã về đích nông thôn mới, nhưng đến năm 2017 thì xã đã về đích rồi, trước 3 năm so với nghị quyết đề ra. Khi về đích nông thôn mới rồi thì vẫn có những vấn đề, những tiêu chí chưa bền vững, ví dụ như cơ sở vật chất của trường tiểu học, hệ thống đường giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa… Xác định những tồn tại này, với cương vị Bí thư Đảng ủy xã, chị Hà tiếp tục chỉ đạo, điều hành, cùng lãnh đạo xã bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Hồng Hà cũng rất coi trọng việc chỉ đạo xây dựng nhà đại đoàn kết, nhờ vậy năm 2019 xã kêu gọi, tu sửa, xây dựng được 7 nhà, với tổng số tiền trên 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã cũng tranh thủ được các nguồn lực đầu tư xây dựng bể bơi. Tháng 6/2020, có 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Nghệ An cử cán bộ và các ngành liên quan về xã tham gia chương trình khai mạc, phát động chương trình học bơi toàn dân, coi đây như một điển hình của tỉnh. Ngoài ra, trên cương vị của mình, chị Hà cũng quan tâm đến việc chấn chỉnh ý thức của cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm việc nêu gương, coi trọng chỉ đạo giải quyết nhanh những nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Với nhiều giải pháp, cùng sự vào cuộc của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Bí thư Lê Thị Hồng Hà tiếp tục phát huy, xây dựng, phát triển được các phong trào ở địa phương. Nói về nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, chị Hà cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề, những ý kiến của nhân dân, khơi dậy các phong trào thi đua trong toàn xã. Đơn cử như việc xã sẽ kiên quyết giải tỏa triệt để hành lang an toàn giao thông trên trục đường 534, các tuyến đường liên xóm, nhất là việc lấn chiếm bờ vùng, bờ thửa nội đồng; tiếp tục chỉ đạo nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và nhiều vấn đề khác tại địa phương…

Tìm hướng để phát triển 

Cũng như chị Lê Thị Hồng Hà, trước khi về làm Bí thư Đảng ủy xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu), chị Đồng Thị Vân là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Diễn Châu.

Chú thích ảnh
Chị Đồng Thị Vân, Phó ban Tuyên giáo huyện Diễn Châu được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An). 

Diễn Trung là xã bãi ngang ven biển và là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Diễn Châu. Đây cũng từng là điểm nóng về quản lý đất đai. Địa bàn xã có diện tích rộng, số đảng viên đông.

Trước đây làm tuyên giáo, nhưng được tăng cường về xã, công việc khác thế nào?. Chị Đồng Thị Vân cho biết, làm tuyên giáo thì những nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nắm tương đối chắc, công tác đảng thì tương đối bài bản, vì vậy khi về làm Bí thư Đảng ủy xã thì có thể nhờ vậy đã có sẵn cái nền bài bản, thuận lợi hơn các đồng chí trưởng phòng chuyên môn ở huyện luân chuyển về làm bí thư hoặc chủ trì ở xã. Tuy nhiên, thực tế đặt ra tại địa phương cơ sở vẫn có nhiều vấn đề khó khăn, khác với nhiệm vụ chuyên môn trước đây, phải có cách nắm bắt thông tin, giải quyết phù hợp.

Chị Vân cho biết, trước đây cũng có thời gian gần 3 năm làm ở lĩnh vực tuyên giáo với chức vụ Phó ban Tuyên giáo huyện. Thời gian mới về tiếp cận ở địa phương chưa nhiều cả về thực tiễn và thực tế ở cơ sở. Hơn nữa Diễn Trung là một xã đặc thù, vùng bãi ngang ven biển, khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước đây làm việc trên huyện, có thể cũng có những lĩnh vực, những cái sâu sát với bà con, nhưng vẫn chưa tường tận hết được những sự khó khăn, bất cập, vất vả của bà con nhân dân ở cơ sở. Tuy nhiên, ở xã cũng có thuận lợi, đó là cán bộ, đảng viên, nhân dân có sự đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết. Tuy mới về nhận công tác ở xã mới được hơn một tháng, tuổi đời còn trẻ, nhưng nhận được kế hoạch của tỉnh và huyện giao là xã phải tập trung các giải pháp để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020, cho nên hiện tại với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, chị Đồng Thị Vân đã bàn bạc trong lãnh đạo xã để đạt được mục đích đề ra trong xây dựng nông thôn mới.

Chị Vân cho biết, phía trước vẫn đang nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã sẽ phải có những giải pháp để thực hiện, tuy nhiên cũng phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều mới hoàn thành được kế hoạch đề ra. Chị xác định, đây cũng là nguyện vọng của bà con nhân dân nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đơn cử như hiện nay trên địa bàn xã, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang gặp nhiều khó khăn, các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; chăn nuôi có xu hướng giảm sút; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sau chuyển đổi hoạt động chưa có hiệu quả, chưa hỗ trợ được nhiều cho phát triển kinh tế nông nghiệp; công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, tình trạng lấn chiếm, vi phạm còn xảy ra nhiều trên địa bàn.

Khi được hỏi, trước đây đã có thời gian làm Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy, bây giờ về làm Bí thư Đảng ủy xã thì có thể vận dụng được kiến thức, kinh nghiệm gì?. Chị Vân cho biết, do có thời gian làm tuyên giáo nên đã ít nhiều có được những kinh nghiệm thực tiễn, thuận lợi cho việc tuyên truyền những chủ trương của đảng đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Đem những kinh nghiệm trước đây, vận dụng vào thực tiễn ở cơ sở, bước đầu chị cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền để ra quân làm một số đầu việc để tiến tới hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để về đích nông thôn mới. Hiện nay đi trên các con đường trên địa bàn xóm thì thấy bà con đang khí thế, huy động sức người, sức của để làm các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Chị Vân cho biết, không chỉ trong việc vận động người dân làm giao thông nông thôn hay những nhiệm vụ chính trị khác ở cơ sở, ở đâu cũng vậy, công tác tuyên truyền là rất quan trọng để tạo sự đồng lòng, đồng thuận từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân; có đồng lòng, đồng thuận mới hoàn thành được nhiệm vụ. Muốn vậy phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt từ xã xuống đến cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ trong tâm ở địa phương. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 đã được xã xác định, đó là đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân tăng 9 - 10%; thu nhập bình quân đầu người 75 - 77 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất  bình quân trên một ha canh tác đạt 100 - 120 triệu đồng/năm; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 87 - 90%; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 0,5 - 1%; hàng năm có 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 95% trở lên…

Tại Nghệ An, những nữ cán bộ tuyên giáo lần đầu tiên được tăng cường về xã, ở mỗi xã có những đặc thù, khó khăn, thuận lợi riêng. Nhưng trên hết, họ đang vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức của mình và bằng sự sáng tạo, quyết đoán, linh hoạt của riêng mình, họ đều có tâm nguyện cống hiến, phục vụ, duy trì tốt các phong trào tại địa phương, cùng đồng lòng, đồng sức tìm cách để sớm đưa kinh tế - xã hội địa phương đi lên. Đây thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa tuyên giáo.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo - Bài 2: Tháo gỡ 'điểm nóng' ở cơ sở
90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo - Bài 2: Tháo gỡ 'điểm nóng' ở cơ sở

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích, dân số lớn nhất cả nước. Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tại nhiều địa phương trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi thì cũng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, có cả những phức tạp, thậm chí là điểm nóng xuất hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN