Người con miền Nam bốn lần được gặp Bác

Là người con miền Nam may mắn được 4 lần gặp Bác Hồ trước lúc Người đi xa, được Bác ân cần, hỏi han, chuyện trò, được kể cho Bác nghe chuyện miền Nam là điều hạnh phúc nhất đời bà Nguyễn Thị Châu, vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hồng Tư.


Kỷ niệm lần đầu gặp Bác


Bà Nguyễn Thị Châu, sinh năm 1938, xuất than từ một gia đình nghèo ở Biên Hòa, Đồng Nai, phải vay mượn tiền lên Sài Gòn ăn học. Anh chàng lớp trưởng mà sau này trở thành người bạn đời của bà là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hồng Tư đã giác ngộ cách mạng cho bà. Trong quãng thời gian đó, bà luôn tham gia tích cực vào phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn và bị giặc bắt giam.

 

Hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Châu giao lưu, kể chuyện về những năm tháng kháng chiến.

 

Vào ngày 15/10/1964, cả Sài Gòn sục sôi sau sự kiện anh Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn. Học sinh, sinh viên xuống đường biểu dương lực lượng, tình hình chính sự rối ren như những con sóng ập vào các trại giam. Cơ sở của ta đã lợi dụng lúc “tranh tối, tranh sáng” này lo tiền đút cho bọn cai ngục để chúng nương theo tình hình nhốn nháo mà thả người của ta về. Bà Châu cũng được thả trong hoàn cảnh như thế.

Sau khi được thả, bà Châu lên chiến khu tham gia công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Đến giữa tháng 5/1969, bà Châu cùng bà Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được vinh dự tham gia Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Thủ đô và tham dự Đại hội Liên hoan thanh niên – sinh viên thế giới. “Lúc ấy chẳng ai nghĩ tới chuyện may mắn sẽ được gặp Bác”, bà Châu nói.


Bà vẫn còn nhớ như in cái ngày ấy, đó là một buổi trưa ngày 17/5/1969, Đoàn đại biểu miền Nam đi hơn mười người ra Thủ đô. Bà kể: “Tôi và chị Quyên nhận được thông báo chuẩn bị đi công tác và được dặn phải ăn mặc quần áo miền Nam. Chúng tôi mặc quần đen, áo bà ba trắng, quấn khăn rằn, mang dép râu. Đúng 9 giờ ngày 19/5/1969, có một chiếc xe Vonga đến rước tôi và chị Quyên tới Nhà khách Ban Thống Nhất. Đón hai chị em vào Phủ Chủ tịch là đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác. Vừa đi, chú Vũ Kỳ vừa dặn dò: “Biết tin các đồng chí ra, Bác dành ngày này đón hai cháu miền Nam vào sinh nhật Bác. Nhưng gặp Bác không được khóc. Các cháu khóc nhiều sẽ làm Bác xúc động, không có lợi cho sức khỏe vì Bác dạo này yếu nhiều”, bà Châu xúc động nhớ lại.


Ngồi trong ngôi nhà nhỏ của người phục vụ, Bác mặc bộ quần áo kaki màu mỡ gà, đầu đội mũ bê rê, tay chống gậy mà vẫn nhanh nhẹn… Trông Bác giống như một ông tiên vậy! Chúng tôi ôm chầm lấy Bác, Bác cũng dang hai tay ôm chầm lấy hai đứa mà nước mắt chảy dài hỏi: Châu đây phải không? Quyên đây phải không? Chúng tôi xúc động khóc theo Bác…


Rồi Bác ân cần hỏi hai cô cháu gái đến từ miền Nam như cha con lâu ngày đi xa mới gặp lại. Bác hỏi thăm đi đường thế nào, ra Bắc nóng quá có ngủ được không, tình hình trong Nam, ở R (Trung ương Cục miền Nam - PV) có thiếu thốn không, gia đình, cha mẹ ra sao, có gặp được Lê Hồng Tư không… Riêng với chị Quyên, Bác rất tế nhị, không đả động gì tới nỗi đau anh Trỗi mất.


Trò chuyện một lúc, Bác nói: “Đến bữa trưa rồi, hai cháu ở lại ăn cơm với Bác”. Bữa cơm hôm đó có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chú Kỳ với cơm thịt gà kho, cà muối, rau muống luộc cùng nước rau đánh sấu. Bà Châu và Quyên được ưu tiên ngồi sát bên Bác. Bác gắp từng miếng ngon cho hai người rồi dặn dò, hỏi han. Hễ cứ nói tới miền Nam là Bác xúc động. Nhất là khi nghe tin, người dân miền Nam thường mở đài nghe Bác chúc Tết, xem phim thấy hình ảnh của Bác là họ bắt dừng lại cho họ xem khiến Bác xúc động vô cùng.


“Bác còn hỏi: Giờ Bác vô Nam được chưa? Chúng tôi không biết trả lời ra sao thì chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) nói: Hai cháu thưa với Bác, năm nay đồng bào miền Nam chưa đón Bác kịp thì năm sau sẽ đón Bác vào. Bác nói nguyện vọng tha thiết nhất của Bác là vào miền Nam thăm đồng bào miền Nam”, giọng bà Châu bỗng nghẹn lại.


Bác dặn trước lúc đi xa


Cuối tháng 6 năm ấy, hai bà lại được đón vào thăm Bác. Lần này chú Tô đi công tác, chỉ có ba Bác cháu và chú Vũ Kỳ cùng ăn cơm. Hai bà báo cáo với Bác sẽ được Ban Thống nhất bố trí cho đi nghỉ và thăm một số nước XHCN, trong đó sẽ tham gia đoàn phụ nữ sang Cuba dự kỉ niệm 10 năm chiến thắng Moncada, ngày 26/7. Nghe xong, Bác hỏi sẽ ăn mặc ra sao? Khi biết sẽ được may áo dài, Bác dặn: Khi sang Cuba sẽ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân, nên có bộ bà ba khi về nông thôn, bộ quân phục giải phóng quân cùng mũ tai bèo khi xuống thăm đơn vị bộ đội, còn áo dài để xuống máy bay và đi dự tiệc. Rồi Bác ân cần dặn dò, sang Cuba phải đi chặng đường rất dài hơn 20 tiếng, từ Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa rồi bay qua Đại Tây Dương tới La Habana sẽ rất mệt, sợ rằng sức khỏe của cháu Châu không chịu nổi. Châu nên đi Hạ Long dưỡng bệnh 2 tuần.


Đến đầu tháng 7 năm đó, trước ngày đoàn lên đường, Bác lại cho gọi hai bà vào. Sau khi dặn sang Cuba không phải khách sáo, cứ coi như về nhà mình bởi nhân dân Cuba rất quý mến nhân dân Việt Nam anh hùng. Đặc biệt là Chủ tịch Phidel Castro rất yêu quý thiếu nhi, cho cả chuyên cơ mang quà tới cho thiếu nhi Việt Nam. Bác còn gửi chị Quyên mang sang tặng Phidel tấm tranh sơn mài khảm xà cừ vẽ hình vị lãnh tụ Cuba cùng đôi dép cao su.


Bác còn dặn, đi thăm một số nước rồi cháu phải về chuẩn bị học tập. Quyên học lớp mấy rồi? Biết bà ở R mới học xong hết chương trình lớp 5, Bác lắc đầu: Cháu phải học hết chương trình phổ thông rồi còn lên đại học. Chỉ có kiến thức mới có thể làm việc tốt cho cách mạng. Bác còn nói tiếp, cháu vào Nam, cháu là thanh niên, công tác thanh niên, nói về học tập Bác thì nhiều thứ. Nhưng có hai điều về Bác không được học: Bác không lấy vợ, hút thuốc. Bác bảo thanh niên tới tuổi trưởng thành, phải lập gia đình!


Sau khi đi nghỉ mát trở về, cũng là lúc chuẩn bị đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới, bà Châu được vào gặp Bác lần thứ tư. Đó là ngày 14/8/1969. Bà Châu kể: “Lần này, chú Vũ Kỳ nói rằng, vừa rồi có hai đoàn miền Nam ra, Bác ra thăm họ rồi ra thăm đê sông Hồng, nước dâng cao, về Bác bị cảm. Chỉ có chú Kỳ ăn cơm với chúng tôi. Tôi vào thăm Bác ở nhà sàn. Bác ngồi trên ghế mây, ho, khăn len quấn cổ. Tôi ôm Bác khóc. Bác hỏi tôi đi Hạ Long về có lên cân không và bảo chú Vũ Kỳ lấy cân đồng hồ ra cân trước mặt Bác. Tôi được 39 kg, lên được hai ký lô.


Bác vỗ đầu tôi hỏi sao khóc… Rồi chú Vũ Kỳ nói, nay có phó nhòm rồi, Bác cho hai cháu chụp hình với Bác nhé. Bác bảo được rồi, cho hai đứa đi chơi đi, Tết vào chụp với Bác. “Bác biết là hai đứa thích chụp hình với Bác lắm phải không? Cứ đi rồi về chụp!”. Ai ngờ, ảnh chưa chụp mà đó lại là lần cuối cùng bà được gặp Bác. Bà Châu xúc động khi nhớ lại: “Thấy Bác mệt, chú Kỳ bảo chúng tôi đi ăn cơm để Bác nghỉ. Nhìn dáng Bác về phòng, tôi chỉ biết đứng khóc nức nở. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp và trò chuyện với Bác”.


Sau đó, đoàn của bà Châu đi dự Đại hội, bà mang thư của Bác đến chào mừng Đại hội thanh niên, sinh viên thế giới. Đại hội, tổ chức ở thành phố Helsanki (Phần Lan) thông báo có thư Bác Hồ, sau khi đọc thư Bác, họ yêu cầu đoàn Việt Nam đứng lên ghế cho họ thấy mặt…


Theo lời dặn dò của Bác, khi trở về miền Nam, bà Châu tiếp tục học tập và chiến đấu. Đầu năm 1975, bà được tổ chức phân công vào nội thành làm Chủ tịch quận 10, xây dựng lực lượng chuẩn bị giải phóng Sài Gòn. Đất nước thống nhất, bà tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch quận 10 TP Hồ Chí Minh và nhiều chức vụ khác của thành phố.


Đan Phương

Tâm hồn và trí tuệ của một con người vĩ đại

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết từ “chết”. Như cánh hạc giữa trời, Người ung dung đi về cõi bất tử. Sự ung dung, thanh thản, đức khiêm nhường, tình thương yêu nhân dân bao la, những phẩm chất cao đẹp chỉ thấy ở những bậc vĩ nhân kiệt xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN